Mỹ thúc Trung Quốc về Triều Tiên
Mỹ hối thúc Trung Quốc nỗ lực hơn nữa trong việc vận dụng các biện pháp kinh tế và ngoại giao để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Mỹ thúc Trung Quốc về Triều Tiên
Mỹ hối thúc Trung Quốc nỗ lực hơn nữa trong việc vận dụng các biện pháp kinh tế và ngoại giao để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ – Trung lần thứ nhất kể từ khi Nhà Trắng đổi chủ đã khép lại vào ngày 21.6 tại Washington D.C với việc chính quyền Washington gia tăng sức ép buộc Bắc Kinh thực hiện cam kết theo các nghị quyết của HĐBA LHQ, siết chặt lệnh cấm vận về kinh tế, ngoại giao đối với CHDCND Triều Tiên.
TIN LIÊN QUAN
Triều Tiên phóng hàng loạt tên lửa
CHDCND Triều Tiên vừa phóng hàng loạt tên lửa được cho là loại đất đối hạm ra vùng biển phía đông nước này vào sáng 8.6, theo quân đội Hàn Quốc.
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerston phát biểu trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis: “Chúng tôi đã nhắc lại với Trung Quốc rằng họ có trọng trách trong việc gia tăng hơn nữa các sức ép về kinh tế lẫn ngoại giao đối với chính phủ Triều Tiên nếu muốn ngăn chặn tình trạng leo thang xung đột tại khu vực”. Ông nhấn mạnh cần phải cắt đứt các nguồn tài chính đổ vào chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng, bao gồm hoạt động rửa tiền, xuất khẩu lao động và yêu cầu Trung Quốc thực hiện cam kết không giao thương với các tổ chức Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt.
“Các nước trên thế giới và HĐBA đều tham gia nỗ lực này, nên chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ thực thi bổn phận của mình”, ông Tillerson kêu gọi.
Hiện Bắc Kinh đang đối mặt với cáo buộc không tuân thủ các biện pháp cấm vận đối với nước láng giềng. Và Washington đang cân nhắc áp dụng “lệnh cấm vận thứ cấp” đối với những ngân hàng và công ty của Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.
Về phần mình, Trung Quốc đề xuất “cách tiếp cận hai hướng”, theo đó Mỹ và Hàn Quốc ngưng các cuộc tập trận chung rầm rộ để đổi lấy việc Bình Nhưỡng ngưng các hoạt động phát triển hạt nhân và tên lửa.
Tuy nhiên, phía Mỹ từ chối với lý do đây là biện pháp từng được áp dụng trước đó nhưng lại không gặt hái được hiệu quả như mong đợi, theo trang tin Washington Free Beacon. Còn về việc gây sức ép với Triều Tiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh không có thói quen dùng áp lực kinh tế hoặc ngoại giao khi tương tác với các nước khác.
TIN LIÊN QUAN
Mỹ không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra tuyên bố trên tại Đối thoại Shangri-La ngày 3.6 tại Singapore.
Trong cuộc họp báo nói trên, Ngoại trưởng Tillerson cho hay đã thảo luận một cách thẳng thắn về Biển Đông với Uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy, đồng thời khẳng định quan điểm của Mỹ về vấn đề này không thay đổi.
Ông Tillerson nói rõ Mỹ phản đối những hành động thay đổi hiện trạng thông qua việc quân sự hoá ở Biển Đông cũng như các tuyên bố chủ quyền phi lý tại đây. Bộ trưởng Mattis cũng cho biết đã thảo luận về các biện pháp giảm căng thẳng và đẩy lùi nguy cơ ở Biển Đông.
“Trong lúc chúng tôi duy trì cuộc đối thoại mở về đề tài này, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục triển khai máy bay, tàu thuyền và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép”, ông Mattis khẳng định.
Rò rỉ tài liệu mật về hạt nhân Triều Tiên
Ngày 22.6, tờ Korea JoongAng Daily dẫn một tài liệu mật từ Ban Công nghiệp đạn dược thuộc đảng Lao động Triều Tiên cho hay nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh tích trữ và quản lý bí mật các quả bom nguyên tử. Tài liệu được đưa ra vào ngày 27.2.2017, hai ngày sau khi ông Kim đến thăm Nhà máy số 9. Hiện không rõ nhà máy này tọa lạc ở đâu, nhưng giới chức Hàn Quốc tin rằng đó là nơi sản xuất đầu đạn hạt nhân và tên lửa.
“Phát triển, sản xuất, tích trữ và quản lý vũ khí hạt nhân là điều quan trọng nhất đối với bí mật quân sự của nước chúng ta. Đó là những điều tuyệt mật quyết định số phận của đất nước chúng ta”, ông Kim nhấn mạnh khi thăm Nhà máy số 9. Theo Korea JoongAng Daily, tài liệu mới xác nhận Triều Tiên đang sở hữu kho vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, một quan chức Hàn Quốc cho rằng “chưa thể xác định liệu vũ khí hạt nhân mà ông Kim đề cập trong tài liệu có phải là sản phẩm hoàn chỉnh hay không”. Hồi tháng 4.2017, Chủ tịch Viện Nghiên cứu khoa học và an ninh quốc tế (Mỹ) David Albright ước tính Triều Tiên hiện có tới 30 vũ khí hạt nhân và con số này sẽ tăng lên 60 vào năm 2020, theo Yonhap.
Minh Trung
|
Thụy Miên