Ngoại giao tiêm kích Mỹ – Nga: Quá nhanh, quá nguy hiểm
Chiếc tiêm kích SU-27 của Nga trang bị tên lửa không đối không áp sát một máy bay trinh thám RC-135 của Mỹ mới đây cho thấy quan hệ Nga – Mỹ đang ‘nóng’ lên một cách quá nhanh quá nguy hiểm.
Ngoại giao tiêm kích Mỹ – Nga: Quá nhanh, quá nguy hiểm
Chiếc tiêm kích SU-27 của Nga trang bị tên lửa không đối không áp sát một máy bay trinh thám RC-135 của Mỹ mới đây cho thấy quan hệ Nga – Mỹ đang ‘nóng’ lên một cách quá nhanh quá nguy hiểm.
Chiến trường Syria đang thử thách quan hệ Nga – Mỹ. Trong ảnh: các tay súng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn tham chiến ở thành phố Raqqa – Ảnh: Reuters |
Làm ấm lại quan hệ Nga – Mỹ là một trong những lời hứa của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tranh cử.
Bước chân vào Nhà Trắng, ông Trump dường như nỗ lực thực hiện lời hứa này, nhưng sự nồng ấm giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất này, có chăng, chỉ là những chạm trán nóng bỏng giữa các máy bay chiến đấu. Vì sao nên nỗi?
Quá nhanh, quá nguy hiểm
Quay lại cách đây 3 ngày trên bầu trời biển Baltic, một chiếc tiêm kích SU-27 của Nga trang bị tên lửa không đối không áp sát một máy bay trinh thám RC-135 của không lực Mỹ với tốc độ rất cao.
Tính từ đầu tháng 6 đã có hơn 35 lần máy bay và tàu chiến Nga – Mỹ “giao lưu” kiểu này trong khu vực biển Baltic, tuy nhiên vụ việc ngày 19-6 đánh dấu một khoảng cách “thân mật” chưa từng thấy giữa hai máy bay: chỉ khoảng 1,5m, theo thông tin từ phía Mỹ.
Cú áp sát trên không diễn ra đúng thời điểm Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố hoàn thành công tác triển khai quân đến khu vực Baltic. Tổng cộng NATO có khoảng 4.500 quân đóng ở các nước Latvia, Lithuania, Estonia và Ba Lan. Đại sứ Nga tại NATO Aleksandr Grushko gọi đây là hành động chạy đua vũ trang, góp phần “thay vì củng cố thì phá hoại nền an ninh”.
Dời sang bãi chiến trường Syria. Ngày 18-6, lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến tranh nổ ra, tên lửa từ máy bay Mỹ bắn rơi một chiếc cường kích SU-22 của quân đội Syria do Nga hậu thuẫn.
Hành động đó khiến Matxcơva tức giận đến mức Bộ Quốc phòng nước này dọa sẽ bắn bất cứ vật thể bay nào xuất hiện bên bờ tây sông Euphrates thuộc Syria. Tưởng Washington sẽ e dè, một ngày sau Mỹ tiếp tục hạ một máy bay vũ trang không người lái thuộc phe Chính phủ Syria.
Cũng nên nhắc lại rằng vụ bắn hạ chiếc SU-22 là lần thứ tư trong vòng một tháng Mỹ tấn công các lực lượng thân Chính phủ Syria để bảo vệ các nhóm nổi dậy “ôn hoà”.
Bình luận về các vụ đụng độ, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo tình hình đang “rất nguy hiểm” và có thể dẫn tới leo thang cuộc chiến ở Syria.
Chia sẻ quan điểm này, ông Patrick J. Buchanan, người từng cố vấn cho ba đời tổng thống Mỹ, cho rằng Washington có nguy cơ xung đột trực diện với Syria, Nga, Hezbollah, Iran và thậm chí là Thổ Nhĩ Kỳ một khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chính thức tan rã.
Quan hệ Nga – Mỹ nằm trong tay ai?
Xâu chuỗi lại, các sự kiện trên minh hoạ cho tốc độ xói mòn khá nhanh của quan hệ Nga – Mỹ. Ông Mikhail Rostovskiy, cây bút gạo cội của báo Moskovski Komsomolets, nhận xét từ đây đến cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ (tháng 11-2018), kịch bản tốt nhất có thể trông đợi là quan hệ Nga – Mỹ sẽ giữ trong tình trạng lạnh lẽo như hiện nay, thay vì tiếp tục rơi xuống mức “thảm họa”.
Vừa qua, trong phiên điều trần trước Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Rex Tillerson phải thừa nhận: “Quan hệ Nga – Mỹ đang ở mức thấp chưa từng thấy và vẫn tiếp tục xói mòn. Mục tiêu của chúng tôi là làm ổn định lại mối quan hệ này”.
Nếu ngoại trưởng Mỹ đã nói như vậy, một câu hỏi được đặt ra: Tại sao quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, người được xem là có nhiều cảm tình với Nga, lại còn tệ hơn cả thời ông Barack Obama?
Chuyên gia Rostovskiy cho rằng nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu kinh nghiệm chính trị của ông Trump, rằng ông đã phá vỡ một trong những quy tắc bất thành văn của nền chính trị Mỹ.
Có thể gói gọn như sau: Nếu tổng thống muốn thay đổi triệt để một trục chính sách quan trọng của Mỹ thì trong giai đoạn đầu, ông không được để lộ ý định này!
Bình luận việc Hạ viện Mỹ trì hoãn biểu quyết gói cấm vận mới chống lại Nga, vốn đã được Thượng viện thông qua với tỉ lệ gần như tuyệt đối (98-2), ông Rostovskiy nhận định các thượng nghị sĩ Cộng hoà muốn “nắn gân” ông Trump để chứng tỏ “ai là người có quyền kiểm soát”, nhưng thật sự thông qua gói cấm vận – một cách gián tiếp hạ uy tín vị tổng thống của Đảng Cộng hoà – không mang lại lợi ích cho họ.
“Vấn đề không nằm ở Nga mà là cuộc đấu trong chính trường Mỹ. Số phận quan hệ Nga – Mỹ đang nằm trong tay các chính trị gia ở Washington… Ông Trump hay thậm chí nước Nga cũng không thay đổi được điều gì Mikhail Rostovskiy (nhà phân tích chính trị của Nga) |