Người tiêu dùng sẽ sớm mua được thuốc đúng giá nhờ vào đề xuất của chính phủ Malaysia buộc tất cả hãng dược phải đăng ký giá bán lẻ với Bộ Y tế.
Malaysia sẽ công khai giá bán lẻ dược phẩm
Người tiêu dùng sẽ sớm mua được thuốc đúng giá nhờ vào đề xuất của chính phủ Malaysia buộc tất cả hãng dược phải đăng ký giá bán lẻ với Bộ Y tế.
Theo đề xuất của chính phủ Malaysia, tất cả hãng dược phải in giá bán lẻ trên bao bì nhằm ngăn chặn các nhà bán lẻ và hiệu thuốc tăng giá bất hợp lý gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Đề xuất này là một phần trong dự luật kinh doanh dược phẩm của Malaysia.
Tất cả hãng dược đăng ký giá bán lẻ với Bộ Y tế, sau đó sẽ được nhập vào cơ sở dữ liệu và công bố trên website chính phủ để người dân tham khảo, đối chiếu.
“Hiện cơ sở dữ liệu của chính phủ đang lưu giữ danh mục khoảng 23.000 loại thuốc, nhưng không có giá. Chính phủ cũng đề xuất phạt bất kỳ hãng dược không đăng ký giá bán lẻ”, tờ The Star dẫn lời Giám đốc Cơ quan phụ trách về dược phẩm thuộc Bộ Y tế, bà Salmah Bahri cho biết.
CNBC ngày 27.3 đưa tin Cơ quan Quản lý dược châu Âu (EMA) vừa khuyến cáo đình chỉ hơn 300 loại thuốc đã và đang đăng ký do các thử nghiệm “không đáng tin cậy” bởi Công ty Micro Therapeutic Research Labs ở Ấn Độ.
“Đề xuất sẽ làm minh bạch hoá giá bán lẻ dược phẩm, giúp ổn định giá thuốc. Nhưng nếu nhà bán lẻ muốn bán rẻ hơn giá in trên bao bì thì không vấn đề gì”, quan chức cấp cao Bộ Y tế Jeyaindran Sinnadurai cho hay. “Nhiều quốc gia như Ấn Độ và Úc đã thực hiện minh bạch giá dược phẩm. Malaysia đang nỗ lực đi theo xu hướng này”, ông Jeyaindran lưu ý.
Bảo vệ bệnh nhân
Nhiều hiệp hội ở Malaysia cho rằng dự luật nếu được quốc hội thông qua sẽ giúp bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân và ngăn chặn tình trạng giá thuốc bị đẩy lên cao. Phó chủ tịch Hiệp hội Người hành nghề y Malaysia, ông Raj Kumar Maharajah cho biết: “Đề xuất này áp dụng đối với thuốc bán trong bệnh viện. Công khai giá bán lẻ có lợi cho bệnh nhân”.
Ông Raj Kumar đồng thời chỉ ra một số vướng mắc, chẳng hạn liệu Bộ Y tế có thể đảm bảo danh sách giá thuốc luôn cập nhật, chính xác và bệnh nhân chuyển sang tập trung quá nhiều vào giá cả hơn là chất lượng thuốc. “Bác sĩ kê toa thuốc dựa trên đánh giá về bệnh án và giá cả sao cho phù hợp với bệnh nhân. Trong một số trường hợp, họ buộc phải kê toa thuốc giá cao nhưng chất lượng tốt, an toàn cho bệnh nhân và ít tác dụng phụ. Một khi chính phủ công khai giá thuốc, bệnh nhân có thể chỉ muốn dùng loại thuốc rẻ nhất. Thuốc rẻ chưa chắc hiệu quả và có chất lượng tốt”, ông Raj Kumar nói.
Đề cập đến việc ‘đấu thầu thuốc loạn giá’, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng thực tế việc đấu thầu không thể loạn giá được vì kiểm soát rất chặt.
Bình luận về vấn đề này, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Malaysia, ông Mohd Yusof Abdul Rahman lưu ý bệnh nhân có quyền lựa chọn dược phẩm phù hợp khả năng tài chính. Nhưng đối với người bị bệnh mãn tính như tiểu đường hay cao huyết áp, ông Mohd cho rằng họ được điều trị bằng thuốc kê toa của bệnh viện nên sẽ phải tư vấn với bác sĩ trước khi chọn thuốc rẻ hơn bên ngoài.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Mohamed Azmi Hassali thuộc Đại học Khoa học Malaysia, hệ thống y tế Malaysia bao gồm hai khối nhà nước và tư nhân. “Chính phủ Malaysia lâu nay thả nổi giá thuốc theo thị trường nhằm thúc đẩy cạnh tranh. Trong khối nhà nước, tức bao gồm hệ thống bệnh viện và nhà thuốc công, Bộ Y tế áp dụng một số biện pháp kiểm soát giá thuốc. Nhưng ở khối tư nhân, các nhà bán lẻ và bệnh viện tư thường phớt lờ giá bán lẻ do Bộ Y tế đề xuất”, tiến sĩ Mohamed cho hay.
Chính vì thế, Bộ Y tế sẽ sớm tổ chức cuộc họp với Cục Quản lý dược phẩm quốc gia cùng các hãng dược để lấy ý kiến về dự luật. Bộ trưởng Y tế S.Subramaniam cho biết một loại thuốc cùng công dụng nhưng mỗi hãng dược ra giá bán lẻ khác nhau, nên chính phủ phải thiết lập một cơ chế niêm yết giá trước khi công khai dữ liệu. “Chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận để tìm ra một cơ chế phù hợp nhằm đảm bảo bệnh nhân mua thuốc chất lượng tốt với giá cả phù hợp nhất, tránh tình trạng đội giá”, ông Subramaniam cho biết thêm.
Ở Úc, các hãng dược khi đăng ký giá bán lẻ phải trải qua quy trình đánh giá nghiêm ngặt. Một ủy ban thuộc Bộ Y tế Úc đánh giá xem giá đề xuất có phù hợp với công dụng của dược phẩm đồng thời so sánh với loại thuốc tương tự của hãng khác, cùng nhiều tiêu chí khác. Trong một số trường hợp, ủy ban này đề xuất hạ giá thấp hơn và hãng dược có quyền thương lượng để điều chỉnh trước khi trình lên Bộ Y tế phê chuẩn, theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về quản lý dược phẩm ở Úc.