29/11/2024

Kỳ thi THPT: 24 mã đề, giám thị lo lắng

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số điểm mới trong khâu tổ chức, thi (trừ ngữ văn, các môn còn lại thi bằng hình thức trắc nghiệm với 24 thí sinh là 24 mã đề trong một phòng) nên việc tập huấn coi thi được các trường hết sức chú trọng.

 

Kỳ thi THPT: 24 mã đề, giám thị lo lắng

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số điểm mới trong khâu tổ chức, thi (trừ ngữ văn, các môn còn lại thi bằng hình thức trắc nghiệm với 24 thí sinh là 24 mã đề trong một phòng) nên việc tập huấn coi thi được các trường hết sức chú trọng.

 

 

 

Kỳ thi THPT: 24 mã đề, giám thị lo lắng
Cán bộ coi thi THPT quốc gia năm 2017 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) đặt câu hỏi về công tác coi thi với TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng trường, trong buổi tập huấn sáng 19-6 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Ngoài phần tập huấn chung do sở GD-ĐT các địa phương thực hiện trước ngày thi, các trường ĐH tham gia coi thi đều tổ chức tập huấn riêng cho giảng viên của mình.

Lo nhất buổi thi tổ hợp

ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, cho hay: “Trong buổi tập huấn tại trường chúng tôi yêu cầu giảng viên “bỏ hết” những gì về coi thi năm ngoái bởi năm nay có rất nhiều thay đổi. Điều đáng lo nhất là khi làm nhiệm vụ ở các buổi thi bài thi tổ hợp. Khi tập huấn công tác coi thi cho các trưởng điểm tại Ninh Thuận, tôi đề nghị cần có tập huấn thực tế cho các bài thi tổ hợp để tránh xảy ra những sai sót ảnh hưởng đến quá trình làm bài của thí sinh”.

Tương tự, ThS Trần Thanh Thưởng – quyền trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM – nhấn mạnh giảng viên làm nhiệm vụ coi thi khá lo lắng khi làm nhiệm vụ trong năm nay.

“Trường phải tập huấn kỹ cho giảng viên để họ yên tâm, tránh sai sót. Quy trình làm bài các bài thi tổ hợp khá phức tạp. Cán bộ coi thi nhận túi đề thi chứa đề cả ba môn thi thành phần của bài thi. Giờ nào mở đề môn nào, phát đề ra sao, đánh số báo danh thế nào để đảm bảo thí sinh nào cũng có một mã đề giống nhau của cả ba môn thi. Chỉ cần lệch mã đề là sai, phát lộn đề sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kỳ thi. Bên cạnh đó, việc thu bài thi, giấy nháp cũng phải thực hiện đúng quy trình. Chỉ cần sai ở một khâu sẽ ảnh hưởng tới các khâu còn lại”, ThS Thưởng nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Anh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM – cho biết gần 400 cán bộ coi thi của trường làm nhiệm vụ tại Bến Tre đã được tập huấn rất kỹ công tác coi thi. “Vì năm nay có một số thay đổi nên việc đánh số báo danh, phát đề thi, quy trình làm bài… phải được tập huấn kỹ lưỡng, cẩn trọng để tránh xảy ra sai sót” – ông Quốc Anh nói.

Kỳ thi THPT: 24 mã đề, giám thị lo lắng
Cán bộ giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) nhận tài liệu coi thi trước khi nghe tập huấn công tác coi thi THPT quốc gia năm 2017 chiều 19-6 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Phát tài liệu hướng dẫn cho từng cán bộ

Ngày 19-6, ban chỉ đạo thi nhiều tỉnh khu vực phía Bắc đã rà soát lần cuối cơ sở vật chất, nhân lực đảm bảo thực hiện kỳ thi THPT quốc gia. “Tập huấn cán bộ tham gia kỳ thi” là một trong những nhiệm vụ được đặc biệt chú ý ở kỳ thi có nhiều điểm mới này.

Ông Ngô Văn Chất – trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội – cho biết đây là kỳ thi được ban chỉ đạo thi tập huấn rất kỹ. Trong các ngày tới, cùng với việc phổ biến quy chế thi cho thí sinh, cán bộ tham gia kỳ thi tại các hội đồng cũng được triệu tập để phổ biến chung những điểm cần lưu ý trước khi bước vào kỳ thi.

Theo ông Chất, ban chỉ đạo thi Hà Nội đã in và phát tài liệu tới từng người tham gia kỳ thi. Trong đó ngoài những lưu ý chung, quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng thành viên của các hội đồng coi thi, từ lãnh đạo hội đồng đến giám thị trong phòng thi, giám thị ngoài hành lang, nhân viên phục vụ, bảo vệ… Đảm bảo những người tham gia kỳ thi đảm nhiệm đúng nhiệm vụ được phân công. Trong đó, có quy định rõ cả vị trí có mặt, những việc gì được làm, việc gì không được làm.

“Có rất nhiều điểm cần lưu ý ở kỳ thi năm nay đã được trao đổi, phổ biến nhiều lần như quy trình thực hiện của giám thị trong các buổi thi bài thi trắc nghiệm, bài thi tổ hợp. Những tình huống có thể nảy sinh cũng được lường trước và phổ biến cách xử lý” – ông Chất cho biết.

Đặc biệt, bài học sự cố tiêu cực thi ở hội đồng thi THPT Quang Trung (Hà Đông) cách đây vài năm đã được Sở GD-ĐT Hà Nội đặc biệt lưu ý. Theo đó, các phòng thi không có tường rào chắc chắn, có nhiều cửa sổ hướng sang nhà dân ở cự ly gần đều được điều chỉnh, thuận lợi hơn. 100% các điểm thi phải có trách nhiệm lo nơi nghỉ cho giám thị coi thi nếu họ có nhu cầu.

Theo ông Ngô Văn Quý – phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia TP Hà Nội năm 2017, Ban chỉ đạo thi TP đã yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội chủ động phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Y tế, các trường ĐH phối hợp để có phương án phòng ngừa sự cố bất thường, đảm bảo cho kỳ thi diễn ra được suôn sẻ. Các điểm thi đều phải có phương án xử lý nhanh những vấn đề bất thường như thời tiết nóng nắng hoặc mưa to, dông lốc, ngập lụt, mất điện, ách tắc 
giao thông…

“Vét” hết cán bộ ĐH Đà Nẵng đi coi thi

Chiều 19-6, đoàn công tác của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga dẫn đầu đã có cuộc làm việc với Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tại Đà Nẵng.

Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi, ông Nguyễn Đình Vĩnh – giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng – cho biết đến nay cơ bản đã hoàn tất, sở đã tổ chức tập huấn 2 lớp nghiệp vụ công tác coi thi cho hơn 600 cán bộ, giảng viên của ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Thể dục – thể thao Đà Nẵng. Trong đó, hơn 100 cán bộ của Trường ĐH Thể dục – thể thao Đà Nẵng lần đầu tiên tham gia công tác coi thi đã được tập huấn khá kỹ càng vào sáng 19-6.

Ông Đoàn Quang Vinh – phó giám đốc ĐH Đà Nẵng – cho biết thêm phía đơn vị này ban đầu huy động 500 cán bộ, giảng viên tham gia phục vụ công tác thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT có ý kiến về việc không điều động sinh viên năm cuối tham gia nên ĐH Đà Nẵng đã huy động tất cả là 511 cán bộ tham gia coi thi.

“Các trường thành viên ĐH Đà Nẵng phải tham gia công tác coi thi tại Quảng Nam, Phú Yên… nên số còn lại tại Đà Nẵng đã được vét hết phục vụ kỳ thi tại Đà Nẵng. Thậm chí, những trường hợp cán bộ, giảng viên được huy động nếu nghỉ ốm phải có giấy của bệnh viện xác nhận” – ông Vinh cho hay.

Đoàn Cường

Cô NGUYỄN THỊ GIANG (cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Vũng Tàu):

“Tôi khá lo lắng”

Năm nay cách thức thi đổi mới nên tôi khá lo lắng.

Thứ nhất là học sinh có chuẩn bị tốt không, đã nắm rõ ràng rành mạch quy chế thi chưa.

Thứ hai, về việc coi thi phần thi tổ hợp. Ba môn thi trong tổ hợp phải cùng mã đề. Thí sinh làm xong môn thi thứ nhất sẽ thu lại đề và nháp rồi phát đề và nháp môn thi thứ hai.

Tương tự như vậy với môn thứ ba. Tôi sợ trong quá trình đó sẽ phát sinh sự nhầm lẫn mã đề.

Trước đó, hội đồng thi đã tập huấn và phát tài liệu, tôi cũng coi thi nhiều năm nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác lo lắng, áp lực trước kỳ thi lớn này.

Thầy NGUYỄN THẾ HÂN (giảng viên Trường ĐH Nha Trang, cán bộ coi thi):

Khó khăn cho cán bộ coi thi

Bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội là điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Tuy nhiên, đó cũng là một trong những khó khăn cho các cán bộ coi thi.

Ví dụ như với thí sinh thi hai môn thi thành phần không liên tiếp phải có mặt tại phòng thi trước giờ phát đề thi ít nhất 15 phút để làm công tác chuẩn bị.

Ngay sau khi hết giờ làm bài của môn thi thành phần thứ nhất, thí sinh phải ngồi nguyên vị trí, giữ trật tự, trong suốt thời gian chờ thi môn thành phần tiếp theo.

Lúc này, cán bộ coi thi ngoài việc tập trung coi thi ở các thí sinh thi 2 môn thi thành phần liên tiếp thì phải quan sát các thí sinh thi 2 môn thành phần không liên tiếp.

P.NGUYỄN – TH.TRÚC ghi

NHÓM PV