Từ ngày 22 – 24.6, hơn 860.000 thí sinh sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (ảnh), xung quanh công tác chuẩn bị và những vấn đề cần đặc biệt lưu ý đối với thí sinh.
Thi THPT quốc gia: Những lưu ý đặc biệt với thí sinh
Từ ngày 22 – 24.6, hơn 860.000 thí sinh sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia, phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (ảnh), xung quanh công tác chuẩn bị và những vấn đề cần đặc biệt lưu ý đối với thí sinh.
Ông Bùi Văn Ga cho biết đến nay mọi khâu tổ chức thi đã hoàn tất, các điểm thi đều đã sẵn sàng đón thí sinh (TS). Đây là năm đầu tiên các địa phương chủ trì kỳ thi mà kết quả này vừa dùng để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển vào ĐH. Các địa phương đã huy động mọi nguồn lực tốt nhất để tổ chức kỳ thi. Công tác in sao đề thi năm nay có khác so với mọi năm nên các địa phương đã quan tâm đặc biệt, chuẩn bị nhân lực và phương tiện kỹ thuật để đảm bảo kế hoạch.
Đề thi có đến 60% kiến thức cơ bản, TS chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa lớp 12 là có thể làm tốt phần này.
Các câu hỏi trong đề thi được bố trí từ dễ đến khó, vì thế TS có thể làm bài tuần tự từ câu đầu tiên, không phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm câu hỏi dễ để làm trước
Thí sinh tham gia giám sát kỳ thi
Kỳ thi năm nay được giao cho các địa phương chủ trì, để đảm bảo an toàn, khách quan, Bộ GD-ĐT sẽ có những biện pháp kiểm tra, giám sát như thế nào? Công tác thanh tra trước, trong và sau kỳ thi có điểm gì mới không, thưa ông?
Phương thức tổ chức, điều kiện kỹ thuật thực hiện kỳ thi năm nay khác rất nhiều so với những năm trước đây. Trừ môn văn, các môn còn lại đều thi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi TS trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; chấm thi được thực hiện bằng máy quét; hội đồng thi, công tác coi thi có sự phối hợp giữa giáo viên phổ thông và giảng viên ĐH. Mỗi phòng thi năm nay chỉ có 24 TS, ít hơn những năm trước (30 – 40 TS/phòng thi) nên cán bộ coi thi có thể quán xuyến phòng thi tốt hơn.
Trong quá trình diễn ra kỳ thi và trong giai đoạn chấm thi sẽ có những đoàn thanh tra lưu động của sở GD-ĐT, thanh tra Bộ đến thanh tra không báo trước để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai sót. Ngoài ra, chính TS cũng tham gia giám sát tính nghiêm túc của kỳ thi. Cũng như những năm trước, quy chế năm nay quy định TS có thể mang vào phòng thi các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác. TS có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật được phép mang vào phòng thi này để ghi nhận chứng cứ và chuyển cho những người có trách nhiệm xử lý. Tất cả những điều kiện đó đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, kết quả khách quan, trung thực.
Điều quan trọng nhất là giữ cho tinh thần thoải xuyên suốt quá trình làm bài. Chỉ khi tâm trí nhẹ nhàng các em mới đạt được độ nhạy bén tốt nhất khi làm bài thi trắc nghiệm…
Giáo viên không được coi thi học sinh trường mình
Công tác coi thi năm nay có những vấn đề gì mà Bộ cần đặc biệt lưu ý tới các hội đồng coi thi, đặc biệt là với những buổi thi các bài thi tổ hợp và với đối tượng TS tự do, thưa ông?
Quy trình coi thi cơ bản không khác gì những năm trước, chỉ khác quy định coi thi các bài thi tổ hợp. Đây là điểm mới mà Bộ yêu cầu các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ sư phạm tập huấn kỹ cán bộ coi thi. Những lưu ý quan trọng liên quan đến cách thức phát đề các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, kiểm tra mã đề thi của TS, thu đề thi, giấy nháp các môn thi thành phần (trừ môn thi cuối của bài thi tổ hợp). Theo quy chế, khoảng thời gian từ khi kết thúc môn thi thành phần thứ nhất đến khi bắt đầu làm bài thi môn thành phần thứ hai là 20 phút. Khoảng thời gian này khá dài để giám thị và TS thực hiện các công việc chuẩn bị môn thi tiếp theo.
TS tự do có thể không thi hết tất cả các môn thành phần của bài thi tổ hợp nên quy chế quy định các điểm thi bố trí phòng thi riêng cho những TS này. Việc sắp xếp phòng thi cho TS tự do cũng đã được lưu ý để tránh xảy ra trường hợp TS thi môn sau đến phòng thi khi giờ thi môn trước của phòng thi đó chưa kết thúc. Cán bộ coi thi những phòng thi của TS tự do phải lưu ý những môn thi mà TS đã đăng ký dự thi để phát đề cho đúng.
Bộ cũng khuyến khích những điểm thi có điều kiện cơ sở vật chất bố trí phòng chờ hay khu vực đệm cho những TS tự do để đảm bảo trật tự tại điểm thi.
Đó là một trong những nội dung mà Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn học sinh về các thông tin cần thiết cho kỳ thi THPT quốc gia 2017, diễn ra từ ngày 21 đến 24.6.
Năm nay có 50% cán bộ coi thi do trường ĐH điều động về các địa phương. Bộ có chỉ đạo như thế nào để đảm bảo an toàn và sự khách quan cho đội ngũ này trong quá trình coi thi học sinh ở chính địa phương đó?
Giảng viên ĐH được cử về địa phương tham gia công tác coi thi làm việc với tinh thần độc lập rất cao. Hơn thế, giảng viên cũng ý thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo tính khách quan của kỳ thi để chính họ sẽ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường mình. Những năm trước đây, khi thiếu cán bộ coi thi, các trường có thể điều động học viên cao học hay sinh viên năm cuối. Nhưng năm nay, Bộ đã điều động toàn bộ cán bộ coi thi là giảng viên. Những địa phương có nhiều phòng thi hơn dự kiến Bộ đã điều động bổ sung cán bộ coi thi ĐH để đảm bảo 50% cán bộ coi thi của tất cả các điểm thi đến từ các trường ĐH.
Giáo viên phổ thông không được làm nhiệm vụ ở điểm thi có học sinh trường mình. Trước mỗi buổi thi, điểm thi tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên cho cả cán bộ coi thi thứ nhất và cán bộ coi thi thứ hai để nhận phòng thi làm nhiệm vụ. Tất cả những quy định đó nhằm loại bỏ những nguy cơ xảy ra tiêu cực, đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi.
Đề thi ra từ dễ đến khó
Ông có lời khuyên gì với TS cả nước về việc chuẩn bị tâm thế để bước vào kỳ thi? TS cần lưu ý điều gì trong quá trình làm bài để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi này?
Tất cả những điều chỉnh kỳ thi đều nhằm làm cho công tác thi/tuyển sinh nhẹ nhàng, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho TS. Bộ đã thận trọng thực hiện việc đổi mới kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH từng bước để không gây hoang mang, lo lắng đối với TS.
Phương thức tổ chức kỳ thi năm nay về cơ bản đã đạt được mục tiêu của việc đổi mới nên sẽ được áp dụng trong những năm sắp tới. Thay vì TS phải thi 4 đợt như những năm thi “3 chung” thì bây giờ chỉ thi một đợt. Thay vì phải đến các trường ĐH hay các địa phương khác để thi thì nay TS được thi tại địa phương mình, ngay tại trường phổ thông mà các em đang học. Thay vì 4 ngày thi, nay chỉ còn 2 ngày rưỡi…
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) ôn tập những ngày cuối chuẩn bị thi THPT quốc giaẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Bộ đã 3 lần công bố đề thi để TS tham khảo cho quen với cấu trúc đề thi. Đề thi có đến 60% kiến thức cơ bản, TS chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa lớp 12 là có thể làm tốt phần này. Các câu hỏi trong đề thi được bố trí từ dễ đến khó, vì thế TS có thể làm bài tuần tự từ câu đầu tiên, không phải mất nhiều thời gian để tìm kiếm câu hỏi dễ để làm trước.
Kỷ luật trường thi rất nghiêm ngặt. TS cần nghiên cứu kỹ quy chế, chỉ được đem vào phòng thi những dụng cụ được phép. Tuyệt đối không được mang vào phòng thi điện thoại di động để tránh bị đình chỉ thi đáng tiếc.
Tập huấn cán bộ coi thi thêm ngay tại điểm thi
Việc tập huấn cán bộ tham gia công tác thi năm nay cũng được thực hiện rất chu đáo. Tập huấn diễn ra nhiều lần, quán triệt những điểm mới, những điểm cần lưu ý khi tác nghiệp. Tuy đã được tập huấn kỹ, nhưng đây là khâu mà năm nào cũng xảy ra sai sót, vì thế các địa phương phải tập huấn thêm một lần nữa ngay tại điểm thi ngày 21.6 tới. Lo ngại nhất là sự chủ quan của cán bộ coi thi, không đọc kỹ quy chế, không chú ý nghe tập huấn, đến khi gặp tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ thì xử lý lúng túng gây sự cố đáng tiếc.