Cố Thủ tướng Đức Helmut Kohl, người qua đời ngày 16.6, được xem là kiến trúc sư cho quá trình tái thống nhất nước Đức.
Kỳ công thống nhất nước Đức của Helmut Kohl
Cố Thủ tướng Đức Helmut Kohl, người qua đời ngày 16.6, được xem là kiến trúc sư cho quá trình tái thống nhất nước Đức.
Sau khi nhà lãnh đạo Erich Honecker bị lật đổ ở Đông Đức và những người kế nhiệm dỡ bỏ Bức tường Berlin vào đêm 9.11.1989, Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl được coi là người lĩnh xướng giúp dẹp bỏ những bất ổn trong cơn hỗn mang của lịch sử. Với 16 năm tại vị (1982 – 1998), ông Kohl là người giữ chức thủ tướng lâu năm nhất của Đức kể từ thời nhà lãnh đạo Otto von Bismarck (1871 – 1890).
Đường đến thống nhất
Thủ tướng Kohl, chính trị gia có “khả năng nhìn xa trông rộng” theo lời cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, nhận thức được rằng nước Đức chỉ có thể thống nhất với sự hỗ trợ của Mỹ và Liên Xô. Thực tế, từ những năm trước đó, ông đã có những động thái xích lại gần phương Tây và hoà dịu với chế độ ở Đông Đức dù từng vận động tranh cử thủ tướng năm 1982 với khẩu hiệu công kích nước này (Tự do hoặc Chủ nghĩa xã hội). Ngày 22.9.1984, ông Kohl và Tổng thống Pháp Francois Mitterrand có cái bắt tay lịch sử tại Verdun, chiến trường lớn giữa Pháp và Đức trong Thế chiến 1. Hơn ai hết, ông Kohl biết rõ rằng chỉ có hoà giải với Pháp mới là con đường sống giúp Đức khôi phục lại sự tôn trọng, theo The New York Times. Sau khi tái đắc cử năm 1987, ông Kohl trở thành nhà lãnh đạo Tây Đức đón tiếp chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Honecker tại Bonn, thủ đô của Tây Đức khi đó. Tháng 10.1988, ông Kohl đến Moscow và có cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev nhằm làm tan băng mối quan hệ. Tại cuộc gặp, ông Kohl kêu gọi Liên Xô rút bớt lực lượng khỏi các vùng gần biên giới Đức và mong muốn có sự ủng hộ trong việc thống nhất đất nước.
Các lãnh đạo thế giới đã bày tỏ sự đau buồn với người dân Đức sau khi cựu Thủ tướng Helmut Kohl của nước này qua đời hôm 16.6, thọ 87 tuổi.
Chỉ vài tuần sau sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, ông Kohl gây ngạc nhiên cho các đồng minh ở châu Âu và một số thành viên nội các bằng bài phát biểu về bản kế hoạch 10 điểm trong khoảnh khắc được mô tả là vĩ đại nhất đời ông. Ban đầu, kế hoạch này khiến giới lãnh đạo Anh và Pháp trở nên hoang mang bởi những ký ức kinh khủng thời Đức Quốc xã và viễn cảnh về một nước Đức thống nhất thống trị châu Âu. Ông John Kornblum, Đại sứ Mỹ tại Đức làm việc trong những năm nắm quyền cuối cùng của ông Kohl, mô tả: “Tôi biết lúc đó Washington khá ngạc nhiên. Tôi chắc là vậy. Ông ấy (Kohl) có vẻ đã hiểu được rằng nếu như không có người đứng ra lãnh đạo và thống nhất thì tất cả sẽ rơi vào hỗn loạn. Khi đó, lợi ích của nước Đức sẽ bị tổn hại”.
Thỏa thuận của cuộc đời
Ông Kohl sau này mô tả về hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) tại thành phố Strasbourg (Pháp) vào tháng 12.1989, hội nghị đầu tiên từ khi Bức tường Berlin sụp đổ, là sự kiện căng thẳng và thù địch nhất mà ông từng tham gia. Nhà lãnh đạo Tây Đức phải liên tục trấn an các nước cựu thù bằng lời cam kết về một “nước Đức của châu Âu” chứ không phải một “châu Âu của nước Đức”. Ông phải chấp nhận yêu cầu của Tổng thống Pháp Mitterrand rằng nước Đức cam kết liên minh về tiền tệ và kinh tế sâu rộng với châu Âu để làm xoa dịu các đồng minh phương Tây về việc thống nhất nước Đức. Bên cạnh đó, ông Kohl hứa công nhận giới tuyến Oder – Neisse, đường biên giới thời hậu chiến giữa Đức và Ba Lan, để làm an lòng Liên Xô. Tại hội nghị ở Dublin (Ireland) tháng 6.1990, Thủ tướng Kohl có được sự chuẩn thuận của châu Âu về việc thống nhất và 2 tháng sau đó, hiệp ước thống nhất được ký kết.
Vào tháng 7.1990, ông Kohl một lần nữa đến Moscow để tìm kiếm sự xác nhận. Một tuần trước chuyến đi, tạp chí The Economist giật tít: Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl sẽ đến Moscow để theo đuổi thỏa thuận của cuộc đời. Tuy nhiên, đó được coi là một sự cường điệu vì thực chất Liên Xô đã đồng ý về nguyên tắc với việc thống nhất nước Đức trong các cuộc trao đổi từ cuối năm 1989.
Lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev (trái) đổi bút với ông Helmut Kohl sau khi ký một thoả thuận ở Bonn vào tháng 11.1990REUTERS
Theo Đài Deutsche Welle, cảm xúc là yếu tố quyết định sự thành bại của thoả thuận vào thời điểm đó. Trong cuộc đi dạo dọc bờ sông của phái đoàn hai bên tại khu nhà riêng của ông Gorbachev ở vùng Caucasus, vợ của lãnh đạo Liên Xô mang đến một bó hoa tặng ông Kohl. Và đó được coi là tín hiệu ngầm gửi đến thủ tướng Tây Đức. Tuy nhiên, cũng có những lý do thực tế hơn khiến ông Gorbachev đưa ra quyết định trên vì ông bị cho là đang ở trong thế khó. Cuộc gặp với thủ tướng Đức diễn ra giữa thời điểm Liên Xô đang ngập trong khoản nợ khổng lồ do hậu quả của cuộc chạy đua vũ khí những năm 1980 với Mỹ. Ngoài ra, Liên Xô khi đó cũng không còn vị thế ảnh hưởng lớn đến các nước vệ tinh tại khu vực Đông Âu.
“Không hề có sự bất hòa, cả hai phía đều muốn một kết quả tích cực”, ông Horst Teltschick, phụ tá thân cận của ông Kohl trong cuộc đàm phán với Liên Xô, nhớ lại. Cuối cùng, ông Kohl cũng đạt được mục đích của mình, sáp nhập vùng đất rộng hơn 108.000 km2 và 16 triệu dân vào một nước Đức duy nhất. Trong khi đó, ông Kohl cũng đồng ý trả chi phí cho binh lính Liên Xô rút khỏi Đông Đức và về quê định cư. Ngoài ra, ông còn hứa giúp đỡ ổn định tình hình tài chính của Liên Xô. Tổng số tiền mà Tây Đức phải bỏ ra không được tiết lộ, nhưng cũng có những đồn đoán cho là vào khoảng 31 – 50 tỉ USD. Bất kể là vì yếu tố tác động nào, quyết định của ông Gorbachev cuối cùng cũng giúp hai bên đạt thoả thuận và góp phần tạo nên bản đồ chính trị hài hoà hơn cho châu Âu sau này.
Ngày 3.10.1990, ông Kohl chứng kiến nước Đức thống nhất, lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2. Đó cũng là ngày đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị của ông. Việc thống nhất đất nước giúp ông giành được sự ủng hộ lớn và tái đắc cử trong cuộc bầu cử sau đó 2 tháng, trở thành thủ tướng đầu tiên của một nước Đức thống nhất.
Lãnh đạo thế giới thương tiếc ông Helmut Kohl
Được tin cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl từ trần, ngày 17.6, thay mặt Chính phủ và nhân dân VN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhân dân Đức cùng gia quyến.
Trước đó, hàng loạt nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng ca ngợi di sản của vị thủ tướng quá cố, theo AP. Thủ tướng Đức Merkel coi ông là người xuất hiện đúng lúc giữa thời điểm làn sóng thay đổi hình thành tại Đông Âu. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ông Kohl “sẽ được nhớ đến tại Nga như người ủng hộ mạnh mẽ cho mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước”. Tổng thống Donald Trump ca ngợi ông Kohl là người bạn và đồng minh của Mỹ. “Ông không chỉ là cha đẻ của việc thống nhất nước Đức mà còn là người ủng hộ châu Âu và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, ông nói.