29/11/2024

Đồng hành với nông dân

Theo giới chuyên gia, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong nuôi – trồng sẽ giúp nền nông nghiệp VN thoát khỏi tình trạng “giải cứu” ngày càng lan rộng hiện nay.

 

Đồng hành với nông dân

Theo giới chuyên gia, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong nuôi – trồng sẽ giúp nền nông nghiệp VN thoát khỏi tình trạng “giải cứu” ngày càng lan rộng hiện nay.




Nhân viên VinEco sơ chế rau quả chuẩn bị đưa ra thị trườngẢNH: CHÍ NHÂN

Đầu tháng 9.2016, Vingroup công bố khởi động chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”. Tính đến thời điểm này, chương trình đã nhận được hơn 2.000 đơn đăng ký trên toàn quốc. Trong đó, đã liên kết bước đầu với 1.000 hợp tác xã (HTX) và hộ nông dân. Sau quá trình đánh giá nghiêm ngặt, VinEco đã tìm được 500 hộ sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn để ký hợp đồng và đi vào sản xuất theo chương trình liên kết.
Yên tâm sản xuất
Theo ông Trần Đình Khoa, ở xã Đạ Ròn (Đơn Dương, Lâm Đồng), làm nông, đặc biệt là trồng rau cải, hết sức bấp bênh. Nguyên nhân là nhà nông phụ thuộc vào thời tiết, đến khi có sản phẩm lại lo đầu ra. Câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa là nỗi lo thường xuyên. Trước đây ông từng thực hiện liên kết với một vài nơi nhưng không hiệu quả. Ông Khoa có 14.000 m2 trồng các loại cải bắp, cải thảo, cà tím. Từ tháng 9.2016, khi biết đến chương trình của VinEco, thấy công ty có sẵn đầu ra nên ông an tâm hợp tác. “Để liên kết được cũng không phải dễ vì họ đặt ra các yêu cầu cao về quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, bù lại họ cử kỹ sư xuống tận nơi hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn cho bà con nông dân. Mình cũng ý thức được việc đó là tốt cho sức khỏe bản thân mình và cả người tiêu dùng nên cố gắng thực hiện. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, doanh nghiệp (DN) thu mua với giá cao hơn thị trường khoảng 20% nên mình cũng yên tâm sản xuất”, ông Khoa chia sẻ và cho biết thêm, bên cạnh lực lượng kỹ sư tư vấn còn có đội giám sát quy trình sản xuất của nông dân. Việc giám sát này được thực hiện thường xuyên và ngẫu nhiên.
Cũng tại H.Đơn Dương, VinEco đang hợp tác với HTX Thiện Thanh ngay từ ngày đầu có chương trình. Hiện mỗi ngày HTX cung cấp cho VinEco khoảng 6 tấn rau các loại. Rau được kiểm tra chất lượng đầu vào ngay tại trạm thu mua, sản phẩm sẽ bị loại nếu không đạt yêu cầu. Ông Trần Thiện Thanh, Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Bán được hàng cho VinEco rất khó. Họ có đội kỹ sư giám sát quy trình sản xuất thường xuyên. Bù lại, khi liên kết bà con xã viên có kế hoạch, quy trình sản xuất nên cũng dễ làm. Thêm vào đó là có đầu ra nên mọi người yên tâm sản xuất hơn so với tình trạng trồng rồi bán tự do cho thương lái trước đây”.
 

Ngoài những trang trại quy mô lớn được đầu tư bài bản ở nhiều vùng miền trên cả nước, sự hợp tác và đồng hành với bà con nông dân là một hoạt động trọng tâm của VinEco. Sự liên kết với nông dân cũng được thực hiện ở những vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống như Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Sơn La, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang… Các hộ liên kết được VinEco cho tham gia các chương trình tập huấn kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, cập nhật danh mục hoạt chất bị cấm, cách làm thủ tục chứng nhận VietGAP – hỗ trợ tài chính, đào tạo và triển khai việc dán mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua điện thoại thông minh… Hiện tại có 300 hộ sản xuất các nhóm sản phẩm như: gạo, trái cây, rau, nấm cung cấp được sản phẩm liên kết ra thị trường thông qua hệ thống tiêu thụ của Vinmart và Vinmart+.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó tổng giám đốc VinEco, khẳng định: “Mục tiêu lớn nhất của chương trình là cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời chúng tôi cũng muốn hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hoá sản xuất, tiến tới xây dựng các thương hiệu nông sản Việt có tầm quốc tế. Đây chính là tâm huyết của Vingroup nhằm góp phần bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng cũng như những người đồng hành cùng nông nghiệp Việt”.
Sản xuất theo chuỗi, “đại gia” sẽ thay đổi nông nghiệp
Sản xuất quy mô lớn là xu hướng tất yếu của một nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, đó không phải là con đường duy nhất. Nhiều nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thậm chí ở châu Âu như Hà Lan thành công nhờ tổ chức sản xuất linh hoạt, hợp lý cùng sự tham gia của DN. “Bài học thành công của các quốc gia có diện tích nông nghiệp nhỏ, quy mô nông trại khiêm tốn cho thấy chính sách càng mềm dẻo và năng động, thích ứng theo từng thời gian, sẽ càng mang lại lợi ích như mong muốn”, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện KH-KT miền Nam nói và cho rằng, chỉ có các DN lớn mới giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông dân, giải quyết vấn đề chiến lược của nông nghiệp. Chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp là chìa khoá quyết định thành công của các nước nhỏ, quy mô nông trại hẹp, là bài học của nhiều quốc gia đang phát triển.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng có cách nghĩ tương tự. Theo bà, thời gian gần đây có nhiều DN lớn đầu tư vào nông nghiệp. Đối với họ, vốn không phải là vấn đề quan trọng mà chính là cơ chế chính sách sao cho thực tế và đi vào cuộc sống. “Sản xuất nông nghiệp thời nay phải nói đến chất lượng và cần có DN để tổ chức sản xuất theo chuỗi. Họ chịu trách nhiệm đối với toàn bộ chuỗi giá trị của mình đến khi sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Chính sách của nhà nước cũng phải theo hướng này. Trước giờ sự hợp tác giữa DN và nông dân chưa rõ ràng nên chúng ta đã chứng kiến nhiều trường hợp hai bên “bẻ kèo” lẫn nhau. Nhà nước cũng cần xây dựng cơ chế hợp tác để làm sao có thể bảo vệ quyền lợi của cả hai”, bà Lan bổ sung.
50 tỉ đồng và 4 tầng kiểm soát chất lượng
Với các hộ sản xuất tham gia chương trình, sau khi được đánh giá lần đầu và đạt các tiêu chí bắt buộc về an toàn, bao gồm cả kết quả test mẫu sản phẩm đạt yêu cầu, VinEco sử dụng ngân sách 50 tỉ đồng dành cho kiểm soát và thiết lập 4 tầng kiểm soát.
1. Đội giám sát nguồn hàng – có mặt hằng ngày cùng bà con nông dân, đặc biệt các vườn cận ngày và đang thu hoạch để đảm bảo nguồn gốc lô hàng cũng như không có các hoạt động phun thuốc cận ngày hoặc trong giai đoạn thu hoạch – gây ảnh hưởng đến an toàn của sản phẩm.
2. Đội kiểm soát viên – đi kiểm tra vườn và hồ sơ ghi chép, quy trình sản xuất… Trao đổi các khó khăn của bà con và chuyển đội tư vấn kỹ thuật hỗ trợ – nếu cần. Kiểm sát viên cũng tiến hành lấy mẫu tại vườn, gửi phòng lab phân tích dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với khoảng 300 hoạt chất thông dụng để thẩm định quy trình và độ tin cậy của việc ghi chép nhật ký.
3. Đội quy chuẩn tại các điểm nhận hàng – sẽ kiểm tra hồ sơ thu hoạch từ vườn chuyển lên, chất lượng ngoại quan của sản phẩm và test nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ngẫu nhiên theo tần suất quy định hoặc test bất thường nếu có các dấu hiệu khả nghi.
4. Cuối cùng, tại đầu bán hàng (siêu thị) sẽ có 1 tần suất lấy mẫu gửi lab kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm trên kệ về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

 

Chí Nhân