Đây được coi là điểm mới, vừa trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, vừa giảm bớt những vấn đề nhiêu khê trong việc cấp phép, xếp hạng sao.
Ép buộc dẫn đến “chạy” sao
Luật Du lịch hiện hành quy định các khách sạn, cơ sở lưu trú bắt buộc đăng ký xếp hạng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. PGS-TS Võ Trí Hảo – Phó trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú là điều nên làm; tuy nhiên việc bắt buộc các khách sạn, cơ sở lưu trú phải thực hiện xếp hạng sao làm phát sinh nhiều tiêu cực. Thứ nhất là tạo tình trạng đối phó.
Thực chất chuyện “chạy” sao, “lướt” tiêu chuẩn vẫn có từ lâu dù nhà nước có kiểm soát. Nên để DN tự nguyện xếp hạng, thay vì ôm đồm tất cả các khâu thì nhà nước chỉ cần dồn sức cho việc hậu thanh, kiểm tra; về mặt quản lý còn dễ dàng hơn nhiều.
Chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn
Thực tế cho thấy các cơ sở lưu trú khi có đoàn thanh, kiểm tra sẽ chuẩn bị đáp ứng đủ các yêu cầu, nhưng sau khi xếp hạng lại trở về nguyên trạng yếu kém ban đầu. Như vậy, mục tiêu xếp hạng để phản ánh chất lượng không đạt được. Thứ hai, đối với những doanh nghiệp (DN) lưu trú không cần công nhận xếp hạng sao mà vẫn “chinh phục” được khách hàng thì việc ép buộc này khiến họ phải tốn một khoản chi phí, thời gian không nhỏ cho những thủ tục hành chính rườm rà để có được cái mà mình không muốn. Bên cạnh đó, quản lý sao cho khách sạn, bao gồm cấp sao và thu hồi quyết định cấp sao đang được nhà nước thực hiện độc quyền, chắc chắn dẫn đến tiêu cực, xin – cho, “chạy” sao. Như vậy, thị trường sẽ méo mó, dẫn đến việc đánh giá, chọn lựa của người tiêu dùng cũng gặp khó khăn.
“Thực ra DN không dại gì mà không đăng ký xếp hạng, bởi những đơn vị không gắn sao cũng rất khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng. Nhưng quan trọng là làm thế nào để DN tự “đòi” xếp hạng dưới một cơ chế minh bạch, trung thực”, ông Hào nói, đồng thời đề xuất nên giao việc xếp hạng, cấp sao cho các tổ chức xã hội. “Cũng như xếp hạng tín nhiệm các ngân hàng thương mại không phải việc làm của Ngân hàng Nhà nước mà là của tổ chức tín dụng quốc tế có uy tín. Chẳng hạn như Standard & Poor’s. Nếu họ làm sai thì đã có Moody’s. Nếu Moody’s làm sai sẽ có tổ chức thứ ba đứng ra thay thế. Làm vậy, nhà nước tiết kiệm được khoản ngân sách lớn nuôi bộ máy công chức thanh tra, kiểm định, thẩm định mà việc xếp hạng cũng minh bạch, khách quan hơn”, ông Hào lý giải.
Luật sư Trương Thị Hòa cũng cho rằng việc đăng ký xếp hạng sao hiện nay đang thực hiện theo kiểu hình thức, có nhiều quy định quá máy móc, không thực tế, gây khó khăn cho DN. “Đơn cử như khách sạn 4, 5 sao phải có quầy hàng lưu niệm; trong khi tại nhiều khách sạn quầy này để bỏ không. Hay việc yêu cầu khách sạn phải đủ bao nhiêu phòng mới được cấp sao cũng chưa hợp lý, bởi có nơi số phòng không đủ nhưng chất lượng dịch vụ tốt, đạt mọi tiêu chuẩn… Vì vậy, cần xem lại các tiêu chuẩn cấp sao cho khách sạn, cơ sở lưu trú”, luật sư Hoà dẫn giải.
Khách hàng sẽ thẩm định chất lượng “sao”
Theo chuyên gia du lịch Huỳnh Văn Sơn, để các đơn vị lưu trú tự nguyện trong việc đăng ký xếp hạng sao là phù hợp với xu thế chung của thế giới. Như vậy, DN vừa chủ động sắp xếp quảng bá, nâng cao giá trị cạnh tranh; đồng thời giảm bớt thủ tục hành chính trong vấn đề quản lý.
Ông Nguyễn Tử Anh, Giám đốc Công ty du lịch Nexus, cũng nhận xét đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ nhà nước đang từng bước thoát khỏi tình trạng bao cấp, cũng là cơ hội để các DN làm ăn chân chính tự chủ phát triển. Tuy nhiên, song song với việc giao quyền chủ động cho DN, cần đi kèm nghĩa vụ cam kết, có chế tài xử phạt đủ sức răn đe. “Bên cạnh đó, phải có cổng thông tin để du khách công khai đánh giá những cơ sở lưu trú chất lượng, bêu tên những nơi làm ăn chụp giật, không đàng hoàng. Du khách vừa được quyền lựa chọn, vừa chính là nhân tố quyết định đào thải các cơ sở lưu trú kém chất lượng”, ông Anh nói và nhấn mạnh: “Trước khi trông chờ vào thái độ tự nguyện nghiêm túc, cần có quy định, chế tài rõ ràng, nghiêm minh”.
Để hạn chế công ty chui, ‘ma’, Sở VH-TT-DL TP.HCM đề xuất bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành phải treo biển hiệu do cơ quan du lịch cấp ở trước cửa.
Cũng có ý kiến lo ngại nếu để DN tự nguyện đăng ký sao sẽ dẫn đến tình trạng trà trộn, tự “phong sao” hoặc DN sau khi được cấp sao sẽ đẩy giá thuê phòng lên cao trong khi chất lượng dịch vụ không tương xứng. Ông Phạm Xuân Du, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-DL Xuân Nam, cho rằng để ngăn chặn tình trạng này, bộ tiêu chuẩn cấp sao phải rõ ràng để cơ quan thanh tra khi làm nhiệm vụ có cơ sở đối chiếu, phát hiện những hành vi sai trái. Khi phát hiện các DN, cơ sở lưu trú vi phạm, làm ăn không đàng hoàng, nhà nước phải xử phạt thật nghiêm, chế tài mạnh; công bố trên các phương tiện truyền thông để du khách nắm thông tin. “Sự tẩy chay của khách hàng chính là hình phạt nặng nhất đối với DN”, ông Du khẳng định.
Ông Trịnh Quảng Thang, Phó trưởng khoa Du lịch – Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), bổ sung nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, chế tài thật nặng nếu phát hiện vi phạm. Bởi tình trạng hè nhau lên sao mà chất lượng kém không chỉ gây thiệt hại cho du khách mà còn làm hỏng hình ảnh du lịch VN.
Đánh giá khối cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn VN hiện nay tốt hơn hẳn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thạc sĩ Dương Đức Minh, giảng viên bộ môn du lịch – Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định việc triển khai xếp hạng sao về cơ bản là nên làm. Quan trọng là khi trao lại quyền tự chủ cho DN, nhà nước cũng cần thay đổi cung cách quản lý cho khéo léo, phù hợp.
“Hiện nay chúng ta quản lý chủ yếu thống kê số lượng khách, doanh thu bao nhiêu, như vậy là chưa đủ. Cần có thêm thống kê mức độ hài lòng của khách. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tư vấn, định hướng, tập huấn trau dồi kỹ năng phục vụ, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên. Như vậy dịch vụ du lịch nói riêng cũng như ngành du lịch nói chung mới có thể phát triển bền vững”, ông Minh nói.