Đường sắt lép vế so với đường bộ và hàng không
Trong khi ngành hàng không và đường bộ đang ngày càng phát triển, rút ngắn thời gian đi lại và cước phí thấp hơn, ngành đường sắt vẫn ì ạch, doanh thu và thị phần giảm dần qua các năm.
Đường sắt lép vế so với đường bộ và hàng không
Trong khi ngành hàng không và đường bộ đang ngày càng phát triển, rút ngắn thời gian đi lại và cước phí thấp hơn, ngành đường sắt vẫn ì ạch, doanh thu và thị phần giảm dần qua các năm.
Hành khách phải đi bộ một quãng xa để lên và xuống tàu tại ga Huế – Ảnh: Hoài Linh |
Nhiều chuyên gia cho rằng cần huy động vốn xã hội hoá tham gia đầu tư vào ngành đường sắt, góp phần cải thiện năng lực vận chuyển hàng hoá và dịch vụ của ngành đường sắt nhằm “chia lửa” với hệ thống đường bộ ngày càng quá tải.
Dịch vụ kém, chi phí cao
Ông Lê Văn Phước, giám đốc một công ty sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ (Q.6, TP.HCM), cho rằng nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt là rất lớn bởi chi phí vận chuyển ổn định và chất lượng hàng hoá đảm bảo hơn.
Tuy nhiên, do dịch vụ vận chuyển bằng đường sắt chưa phát triển, nhiều doanh nghiệp buộc phải chọn phương tiện đường bộ để vận chuyển hàng hóa. “Không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp khác cũng sử dụng nếu hoạt động này phát triển và thuận lợi hơn”, ông Phước khẳng định.
Theo ông Đoàn Minh Tài, phó giám đốc một công ty phân bón, các đoạn đường cửa ngõ ra vào các TP đều hay ùn tắc, kẹt xe vào giờ cao điểm khiến ôtô, xe tải, xe container đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến quá trình giao nhận hàng của doanh nghiệp.
“Nếu vận chuyển bằng đường sắt, chúng tôi sẽ không còn lo lắng giao nhận hàng trễ giờ nữa, chất lượng hàng hoá cũng bảo đảm hơn” – ông Tài nói.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chọn đường bộ thay vì đường sắt để vận chuyển hàng hoá do nhiều nguyên nhân.
Giám đốc một công ty cho rằng trong khi các đơn vị vận tải bằng đường bộ luôn chủ động tìm kiếm khách hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”, ngành đường sắt vẫn chưa có tinh thần phục vụ mà chỉ đòi hỏi khách hàng đáp ứng các yêu cầu của nhà vận tải.
Ông Nguyễn Mạnh Sinh, chủ một doanh nghiệp tại TP.HCM, cho rằng trong khi các đơn vị vận tải đường bộ chủ động sắp xếp khâu nhận hàng, vận chuyển và đưa đến nơi tiêu thụ thì vận chuyển bằng đường sắt buộc chủ hàng phải thuê thêm xe trung chuyển ở đầu và cuối bến, rất không thuận tiện.
“Không chỉ vậy, đường sắt còn hạn chế rất lớn trong việc vận chuyển các loại máy móc, phương tiện có kích cỡ lớn như máy cày, xe lu…”, ông Sinh nói.
Ông Đỗ Đình Dược, phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, cũng thừa nhận đến nay tại khu vực phía Nam chưa có hệ thống đường sắt nào kết nối với cảng biển. Trong khi đó, lượng hàng hoá từ các cảng biển về đường sắt chủ yếu trung chuyển bằng ôtô với sản lượng không nhiều và chủ yếu là các chủ hàng đơn lẻ.
“Chi phí cho vận chuyển đường sắt cơ bản phù hợp với thị trường, nhưng do cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ nên chi phí cho trung chuyển đường ngắn và bốc xếp 2 đầu còn cao, vì thế chưa thu hút được hàng hoá về cho đường sắt”, ông Dược cho biết.
Tàu vào ga Biên Hoà, Đồng Nai – Ảnh: Hữu Khoa |
Nên kêu gọi tư nhân đầu tư vào đường sắt
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Phạm Sanh (chuyên gia giao thông) cho rằng suốt thời gian dài vừa qua ngành đường sắt đã quá tập trung vào phát triển vận tải hành khách, dẫn đến các toa hàng hoá không được chú trọng đầu tư khiến cho cũ kỹ, lạc hậu, hiệu quả không cao.
Ngoài ra, ngành đường sắt cũng chưa kết nối được vào các khu công nghiệp hoặc các cảng biển, gây nhiều phiền phức cho các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hoá (phải thuê thêm xe chuyên chở hàng từ ga ra cảng và ngược lại), khiến vận tải hàng hóa của ngành đường sắt chưa hấp dẫn.
Theo ông Sanh, để vực dậy lĩnh vực vận tải hàng hoá bằng đường sắt, phải huy động vốn tư nhân tham gia đầu tư.
“Nên kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào thay đổi bộ mặt đường sắt, thay đổi hệ thống trang thiết bị, hoàn thành mô hình vận tải container bằng đường sắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy ngành đường sắt phát triển…” – ông Sanh nói.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, phó trưởng Khoa Kinh tế – Vận tải ĐH GTVT, cho rằng để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải hàng hoá, trước hết ngành đường sắt phải đầu tư nâng cấp hạ tầng, thay thế phương tiện đã lạc hậu, tổ chức quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút được khách hàng quay trở lại đường sắt.
Theo ông Thái, năng lực chạy tàu của tuyến đường là khâu yếu nhất của toàn bộ hệ thống đường sắt nhưng chưa có sự đầu tư, mà chủ yếu là tu sửa, nâng cấp hạ tầng nói chung.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt rất tốn kém, trong khi chỉ có duy nhất Tổng công ty Đường sắt khai thác sử dụng hạ tầng, hiệu quả lại chưa cao nên chắc chắn hiệu quả thu hồi vốn gần như không có.
“Với cơ sở hạ tầng chạy tàu, chắc chắn chỉ Nhà nước đứng ra đầu tư vì đầu tư rất tốn kém và hiệu quả thu hồi vốn thấp rất khó xã hội hóa. Các nước cũng thế chứ không phải Việt Nam”, ông Thái nói.
Cũng theo ông Thái, tư nhân chỉ có triển vọng đầu tư dịch vụ hỗ trợ vận tải như nâng cấp nhà ga, đầu tư dịch vụ hỗ trợ cho việc khai thác đường sắt như kho bãi, bốc dỡ.
Đó là những phần đầu tư có tính khả thi. Nhà đầu tư cũng chỉ thuê lại hành trình để chạy tàu, bởi đường sắt phải điều hành tập trung chứ không thể chạy tàu theo biểu đồ do nhà đầu tư đưa ra.
“Vốn đầu tư đường bộ hiện vẫn còn rất khó khăn nên đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng đường sắt như làm tuyến đường sắt mới là bài toán rất nan giải” – ông Thái nhận định.
Đồ hoạ: Vĩ Cường |
Trong quý 1-2017, nhiều chỉ tiêu kinh doanh về vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt không đạt kế hoạch đề ra. Theo đó, sản lượng khách đi tàu là 2,43 triệu lượt, bằng 87% kế hoạch và bằng 89,2% cùng kỳ năm trước, sản lượng vận tải hàng hóa đạt 1,3 triệu tấn, bằng 94,9% kế hoạch và bằng 98,8% cùng kỳ năm trước. |
Vận chuyển hàng hoá bằng tàu lửa tại ga Sóng Thần, Bình Dương – Ảnh: Hữu Thuận |
Ông NGUYỄN KIM LĂNG (nguyên phó giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam): Nên mở hướng kinh doanh vận chuyển container Việc mở hướng kinh doanh vận chuyển container trên đường sắt là việc nên làm và chỉ có hiệu quả khi vận chuyển hàng trên các tuyến đường dài, nhất là tuyến đường sắt Bắc – Nam. Bởi vì vận chuyển trên tuyến đường gần là không thuận lợi và cước phí sẽ cao hơn so với đường bộ. Ngành đường sắt cần quản lý hạ tầng đường sắt, còn việc kinh doanh vận chuyển bên trên đường sắt nên giao cho tư nhân đầu tư và kinh doanh các đoàn tàu chở khách. |
Ông NGUYỄN VĂN PHIÊN (phó tổng giám đốc DAP Đình Vũ, Hải Phòng): Chi phí quá cao Chúng tôi lựa chọn phương thức vận chuyển bằng đường sắt bởi thường phải nhập khoảng 500.000 tấn quặng apatit/tháng từ Lào Cai về, nơi không có tuyến đường sông, trong khi vận chuyển bằng đường bộ chi phí quá cao. Tuy nhiên, việc vận chuyển bằng đường sắt có nhược điểm là mất nhiều công xếp dỡ, chủ hàng phải mang hàng đến ga rồi lại phải tiếp tục thêm một lần vận chuyển nữa nên rất tốn kém. Ngoài việc nâng cấp các dịch vụ, trong đó có khâu xếp dỡ hàng, theo tôi, ngành đường sắt có thể nghiên cứu mở rộng, kết nối vào các khu công nghiệp trọng điểm, các tuyến cảng lớn để vừa giúp giảm tải hàng hoá vận chuyển qua đường bộ vừa giúp DN tiết kiệm được chi phí rất lớn cho vấn đề vận tải. |
Ông TRƯƠNG QUANG NGHĨA – Ảnh: VIỆT DŨNG |
“Việt Nam là một trong không nhiều nước sớm có hệ thống đường sắt hiện đại, nhưng sau 100 năm thì kém dần và nay thì thực sự rất lạc hậu |
Ông TRƯƠNG QUANG NGHĨA (Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải) |
Ông Nguyễn Ngọc Đông – Ảnh: Tuấn Phùng |
“Đầu tư cho đường sắt rất lớn nên buộc có sự can thiệp của Nhà nước bằng cách này, cách kia. Nhưng hiện nay nguồn vốn để Nhà nước góp cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam cũng đang khó khăn nên chuyện góp vốn cho đường sắt với thời gian hoàn vốn cực kỳ lâu là một trở ngại |
Ông Nguyễn Ngọc Đông (thứ trưởng Bộ GTVT) |