29/11/2024

Giới trẻ Nhật bỏ phố về quê

Xu hướng mago – về quê sống với ông bà đang là lựa chọn của nhiều người trẻ Nhật Bản, kéo theo chính sách thu hút từ địa phương.

 

Giới trẻ Nhật bỏ phố về quê

Xu hướng mago – về quê sống với ông bà đang là lựa chọn của nhiều người trẻ Nhật Bản, kéo theo chính sách thu hút từ địa phương.




 

Taro Nakazawa và ông bà nội tại HokutoẢNH: CHỤP MÀN HÌNH YOMIURI SHIMBUN

Áp lực công việc và đời sống ngày càng khó khăn hơn ở các thành phố lớn khiến thanh niên Nhật tìm về quê nhà với mong muốn sống cùng ông bà và gần gũi hơn với thiên nhiên. Trở về quê cũng khiến họ dễ hoà nhập hơn vào cộng đồng nhờ có nội ngoại và nhiều người trẻ cho rằng đây mới là cuộc sống đáng mơ ước.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, giai đoạn bùng nổ phát triển kinh tế trong quá khứ đã thu hút nhiều người ở quê đổ xô lên thành phố làm việc và định cư nhưng đến nay con cái họ lại muốn về quê sống. Xu hướng này có mặt tích cực là giúp người trẻ tìm lại niềm vui sống cũng như bổ sung nguồn lao động tại nhiều vùng quê vốn đang đối mặt với tác động kép từ vấn đề già hóa dân số chung của cả nước và sự bỏ lên thành thị trước đây.
 

Cuộc sống ý nghĩa
Một trong những trường hợp điển hình là Taro Nakazawa, 24 tuổi. Bố mẹ anh sinh ra ở vùng quê Hokuto thuộc tỉnh Yananashi, nhưng di cư đến TP.Chigasaki ở tỉnh Kanagawa và sinh ra anh ở đây. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nakazawa làm việc trong một công ty xây dựng ở Chigasaki trước khi về sống với ông bà nội. Nakazawa chia sẻ anh đưa ra quyết định sau khi ông ngoại qua đời và “tôi nghĩ rằng tốt hơn nên về ở với ông bà nội khi họ vẫn còn khoẻ mạnh”.
Giới trẻ Nhật bỏ phố về quê

Một người mẹ trẻ cùng chồng con về quê sống tại tỉnh NiigataẢNH: CHỤP MÀN HÌNH THE JAPAN TIMES

Hiện Nakazawa làm việc cho một nhóm hoạt động cộng đồng thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Thu nhập không cao như ở thành phố nhưng anh cho biết mình không phải chen chúc trên những chuyến tàu chật cứng, làm việc quần quật ngoài giờ, bị ông chủ miệt thị không thương tiếc và đối mặt nguy cơ trở thành nạn nhân của karoshi (tình trạng tử vong vì làm việc kiệt sức). “Tôi cảm thấy cuộc đời mình trở nên giàu có hơn”, anh vui vẻ nói với Yomiuri Shimbun. Ông nội của anh là ông Kenichi Nakazawa, 89 tuổi, cho biết mình rất vui khi cháu nội về sống chung vì “nó làm nhà cửa có sức sống”, còn bà nội năm nay 84 tuổi mừng vì có đứa cháu giúp được nhiều việc.
 
 
Thận trọng trước khi quyết định
Ông Koichi Hayashi, Tổng giám đốc một công ty tư vấn di cư theo xu hướng mago tại Tokyo, khuyến cáo di cư về miền quê không phải dễ dàng dù có nhiều chính sách hỗ trợ. “Dù di cư như thế nào, kể cả xu hướng mago, cũng đòi hỏi chuẩn bị tỉ mỉ”, ông nhấn mạnh với tờ Yomiuri Shimbun. Chăm sóc người già trong thời gian dài có thể khiến nhiều thanh niên chán nản và mệt mỏi sau thời gian đầu hào hứng. Vì thế, khi tư vấn, ông luôn khuyên khách hàng viết ra những lý do họ muốn sống ở miền quê và họ muốn có cuộc sống ra sao. Điều quan trọng khác nữa là cần đi lại nhiều lần và trò chuyện với người địa phương trước khi quyết định. “Sống lâu dài ở nơi mà bạn từng đến thăm trong vài ngày hay vài tuần có thể rất khác biệt so với tưởng tượng. Tốt nhất là nên đến tìm hiểu vào lúc điều kiện thời tiết xấu nhất như khi nóng nhất hoặc lạnh nhất để xem mình có thích hợp hay không”, ông Hayashi đưa ra lời khuyên.

 

Một trường hợp khác là cô Naoko Sakaguchi, hiện là chủ quán cà phê nhỏ ở vùng Asahi, tỉnh Toyama. Cô quyết định về đây ở cùng ông bà ngoại sau nhiều năm sống tại thủ đô Tokyo.

“Lúc đầu tôi lo rằng cuộc sống không thoải mái nhưng mọi người rất tốt và chào đón tôi”, cô kể. Nhờ người thân và cả những bạn bè mới ở quê giúp đỡ, cô đã mở được tiệm cà phê mà mình hằng mong ước.
Miền quê chào đón
Đón đầu phong trào này, nhiều tổ chức ra đời để hỗ trợ người trẻ về ở với ông bà, chẳng hạn như Trung tâm Furusato Kaiki Shien ở Tokyo. Phó giám đốc Kazuo Kasami gọi đây là “xu hướng mago (cháu)” để chỉ sự di cư những người sinh ra ở thành thị nhưng có ông bà ở quê.
Theo ông, xu hướng này khác với những người di cư đến thành phố rồi quay về hay người đều có ông bà và cha mẹ ở thành phố nhưng chuyển đến vùng quê sống một mình. Ông Kasami cho biết thêm số người trẻ nhờ trung tâm tư vấn ngày càng tăng, nhất là từ sau thảm họa động đất/sóng thần ở đông bắc nước Nhật vào năm 2011.
Có thể đây là một trong những tác động tâm lý khiến nhiều người suy nghĩ lại về ý nghĩa của cuộc đời và muốn sống thanh thản hơn, gần gũi với ông bà hơn.
Ông cũng cho rằng người trẻ ở thành thị không xem vùng quê nơi ông bà họ sống là kém phát triển hay thiếu tiện nghi mà là nơi gắn liền với ký ức tuổi thơ trong những lần được bố mẹ dẫn về thăm.
Yomiuri Shimbun dẫn lời Giáo sư Tokumi Odagiri tại Đại học Meiji nhận định những người về quê sống với ông bà thường không phải lo lắng về những vấn đề phải đối mặt ở thành thị như việc làm, nhà cửa và mối quan hệ xã hội.
Giới trẻ Nhật bỏ phố về quê - ảnh 4

TIN LIÊN QUAN

Mỹ giúp thanh niên khởi nghiệp ngành ngân hàng

Tờ The Philadelphia Inquirer ngày 9.6 đưa tin chính quyền TP.Philadelphia (Mỹ) vừa triển khai chương trình BankWork$ nhằm giúp đào tạo nghề cho thanh niên thất nghiệp hoặc có thu nhập thấp cũng như cung cấp nguồn nhân lực cho ngành tài chính – ngân hàng.
“Nếu xu hướng mago tiếp tục thu hút nhiều người trẻ thì miền quê sẽ phát triển và khiến những người không có ông bà ở quê cũng bị thu hút. Đây có thể là một phần quan trọng trong chính sách di cư mới cho cả nước”, ông dự báo. Mặt khác, tại những vùng quê đang đối mặt với vấn đề già hóa và giảm dân số, chính quyền địa phương đưa ra nhiều biện pháp thu hút người trẻ. Chính quyền vùng Bungotakada ở tỉnh Oita hỗ trợ 100.000 yen (20,5 triệu đồng) cho những người theo xu hướng mago đi kèm một số điều kiện. Nhiều nơi khác thì cấp học bổng cho con cái những gia đình trẻ cũng như đưa ra chính sách định cư ưu đãi.

Khánh An