29/11/2024

Người Trung Quốc bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch

Sau nhiều thập kỷ ồ ạt di cư vào thành phố, nhiều người Trung Quốc đã bắt đầu quay về quê làm nông nghiệp sạch trong cơn khát thực phẩm an toàn của dân chúng.

 

Người Trung Quốc bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch

Sau nhiều thập kỷ ồ ạt di cư vào thành phố, nhiều người Trung Quốc đã bắt đầu quay về quê làm nông nghiệp sạch trong cơn khát thực phẩm an toàn của dân chúng. 

 

 

 

Người Trung Quốc bỏ phố về quê làm nông nghiệp sạch
Thu hoạch bắp ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Cách làm thiếu vệ sinh ở nhiều nơi gây mất niềm tin cho người tiêu dùng Trung Quốc – Ảnh: Reuters

Nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch (và lạ) ở Trung Quốc đang tăng cao, nhất là từ tầng lớp khách hàng trung lưu, và mở ra một cơ hội lớn cho các công ty khởi nghiệp nông nghiệp, trong đó an toàn thực phẩm trở thành tiêu chí tối quan trọng.

Bỏ thành phố về quê nuôi gà

“Nhiều người đang ngày một khá giả và họ muốn mua các sản phẩm nông nghiệp an toàn”, ông Li Xiaojun, 42 tuổi, lý giải việc rời thành phố về quê nuôi gà dù đã có bằng đại học chuyên ngành viễn thông của Đại học Chiết Giang.

Kỹ sư Li thuê khoảng 7ha đất cách đây 10 năm để nuôi gà vịt cung cấp cho gia đình và bạn bè. Nhưng sản phẩm của ông được nhiều người ưa thích đến mức ông quyết định mở rộng diện tích nông trại.

 

Hiện tại, ông Li có trong tay 666ha đất chuyên nuôi gia cầm thả vườn và bán trực tiếp cho các hộ gia đình ở Hàng Châu, cách nông trại của ông 100km.

 

Dù giá cao gấp 4 lần so với các sản phẩm cùng loại trong siêu thị, nhưng hàng của ông Li bán vẫn rất chạy.

Người tiêu dùng Trung Quốc nhiều năm qua phải “lên bờ xuống ruộng” vì vô số vụ bê bối liên quan thực phẩm bẩn.

Thực trạng này khiến tầng lớp dư dả bỏ chạy sang dùng các thương hiệu nước ngoài, hoặc họ chỉ mua sản phẩm sạch của các trang trại nhỏ như của ông Li.

Ông Chen Jianming, 49 tuổi, trước đây làm việc trong một nhà máy ôtô. Đến một ngày ông quyết định bỏ tất cả và tìm thấy cơ hội trong nghề trồng trọt.

Ông Chen cùng vợ thuê 0,5ha đất trồng dâu tây trong nhà kính, gieo hạt vào tháng 8, thu hoạch vào mùa đông, chỉ dùng phân bón nhập khẩu. 

“Chúng tôi không dùng thuốc trừ sâu cho nên mọi người rất thích dâu chúng tôi trồng”, ông Chen khoe cách trồng trọt của mình. Mỗi ký dâu ông bán vào dịp tết âm lịch có giá đến 10 USD (hơn 220.000 đồng).

Chuyển đổi mô hình nông nghiệp

Bức tranh nông nghiệp của Trung Quốc đầu thế kỷ 21 có thể được mô tả đơn giản: thiếu đất canh tác, đất nông nghiệp bị chia thành quá nhiều thửa nhỏ, nông dân quá đông, phần lớn là người cao tuổi, đất đai phần lớn bị ô nhiễm…

Nhiều người mong muốn sự thay đổi và các nỗ lực cá nhân như của ông Li Xiaojun và ông Chen Jianming đang giúp khắc phục tình trạng mất cân bằng lương thực ở Trung Quốc, phần nào làm chậm nhịp độ nhập khẩu nông sản.

Chẳng hạn từ năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu phải nhập khẩu nông sản và thực phẩm.

Tỉ lệ nhập khẩu đang tăng rất nhanh: đến năm 2015 đã phải nhập đến 13% số lượng bột sữa xuất khẩu của thế giới, trong khi con số này năm 2008 chỉ khoảng 2%.

Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng diện tích trung bình của các nông trại, chẳng hạn như nông dân có thể gộp nhiều thửa đất nhỏ lại cho doanh nghiệp thuê.

Tuy chưa đạt quy mô như Mỹ, Canada hay Úc nhưng bằng cách này, những người làm nông sẽ có đủ không gian sử dụng hiệu quả máy móc và các kỹ thuật nông nghiệp mới.

Công ty Penglai Hesheng là một mô hình kinh doanh nông nghiệp kiểu mới điển hình. Đây là một trong ba dự án trang trại hữu cơ lớn nhất được Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Trung Quốc cấp vốn với số tiền 
500.000 USD.

Trang trại của Hesheng ở thành phố Yên Đài (tỉnh Sơn Đông) rộng khoảng 70.000ha, có 400 lao động. 

Ngoài trồng dâu tây, táo, anh đào, cà chua… công ty còn kết hợp xây dựng dây chuyền chế biến thực phẩm, trang trại nuôi ngựa và một nhà máy làm rượu vang công suất 80.000 chai/năm.

“Trong khi những người khác chỉ tập trung một sản phẩm, chúng tôi thực hiện canh tác toàn diện từ trồng trọt, làm rừng, đánh cá và chăn nuôi. Mô hình nông trại sinh thái này thu hút rất nhiều người đến thăm và học hỏi” – ông Ma Xiuqing, Tổng giám đốc Hesheng, giải thích về ý định làm ăn của mình.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hiện đã có hơn 1/3 số hộ dân ở nông thôn tích thửa cho doanh nghiệp thuê canh tác theo quy định mới.

Trung Quốc thiếu đất nông nghiệp

Có một thực tế là dù có tiếng đất đai rộng rãi, nhưng đất nông nghiệp ở Trung Quốc chỉ vào khoảng 121 triệu hecta. Tính bình quân chỉ đạt 0,1 ha/người, trong khi mức bình quân của thế giới là 0,24 ha/người. Đã thiếu thốn, lại thêm kiểu trồng trọt chụp giật, sử dụng bừa bãi phân bón hoá học khiến đất đai càng nhanh chóng kiệt quệ.

Những năm vừa qua, không ít nhà đầu tư Trung Quốc đã chọn thêm hướng đầu tư làm nông ở nước ngoài để khai thác nguồn đất tốt tại những quốc gia thiếu nhân công và tài chính, rồi đưa trở về bán trong nước với danh xưng sản xuất sạch ở nước ngoài!

MINH TRUNG