29/11/2024

Bà Theresa May toan tính bất thành, tương lai nào cho Brexit?

Đầy tin tưởng vào một chiến thắng để rộng đường cho công việc nan giải – đưa nước Anh “ly dị” thành công với EU, đương kim Thủ tướng Anh Theresa May đã phải nếm trái đắng từ chính “sáng kiến” của mình.

 

Bà Theresa May toan tính bất thành, tương lai nào cho Brexit?

 Đầy tin tưởng vào một chiến thắng để rộng đường cho công việc nan giải – đưa nước Anh “ly dị” thành công với EU, đương kim Thủ tướng Anh Theresa May đã phải nếm trái đắng từ chính “sáng kiến” của mình.

 

 

 

Bà Theresa May toan tính bất thành, tương lai nào cho Brexit?
Trang nhất báo Daily Mirror ngày 10-6 nổi bật với dòng chữ lớn: “Liên minh của những kẻ lập dị” – Ảnh: AFP

Cơn địa chấn của cuộc bầu cử sớm ở Anh ngày 8-6 đã chôn vùi mọi toan tính của bà May, từ chuyện củng cố sức mạnh của Đảng Bảo thủ tới việc chuẩn bị mọi thứ thật hoàn hảo cho tiến trình Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu – EU) và cả 
chuyện hậu Brexit.

Tự đưa mình vào thế khó

330 ghế trong hạ viện, vốn là “di sản” của người tiền nhiệm David Cameron để lại, quá đủ để Đảng Bảo thủ nắm đa số nhưng đã không đủ để bà May yên tâm bước vào công cuộc Brexit.

Sau nhiều lần khăng khăng rằng không thể có chuyện bầu cử sớm, ngày 19-4, hai tháng trước khi quá trình đàm phán chính thức về Brexit bắt đầu, Thủ tướng Theresa May bất ngờ “phát pháo” về một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ba năm nhằm “đảm bảo một sự lãnh đạo vững chắc và ổn định cho tương lai”.

 

Có ít nhất ba căn cứ để bà May đột ngột phát động bầu cử sớm.

Thứ nhất, vào thời điểm đó, tỉ lệ ủng hộ dành cho Đảng Bảo thủ đang tăng mạnh. Các cuộc thăm dò cho thấy đảng của bà May đang chiếm 38-46% ủng hộ, bỏ xa tỉ lệ 23-29% của Công Đảng.

Trong khi đó, thủ lĩnh Công Đảng – ông Jeremy Corbyn – lại tỏ ra mờ nhạt bên cạnh một đương kim thủ tướng sung sức, quyết liệt và đang ở thế thượng phong.

Thứ hai, kinh tế Anh đang có những dấu hiệu hồi phục sau cơn địa chấn hậu trưng cầu ý dân giữa năm ngoái, tạo cảm giác tin tưởng và cảm hứng cho cử tri Anh vào chính phủ do bà May đứng đầu cũng như vai trò của Đảng Bảo thủ.

Thứ ba, theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, một chiến thắng tuyệt đối của Đảng Bảo thủ sẽ mở ra đại dương thênh thang cho con tàu Brexit, cả về đối nội (không gặp trở ngại ở Quốc hội) lẫn đối ngoại (một minh chứng cho sự đoàn kết và quyết tâm của người Anh đối với Brexit).

Bà May không giấu tham vọng về một lộ trình hai năm thảnh thơi để đàm phán và đưa nước Anh rút khỏi EU êm thấm và ba năm còn lại của nhiệm kỳ để giải quyết nốt những chuyện hậu Brexit.

Nhưng người tính không bằng trời tính! Toan tính đó đã tan tành mây khói khi những lá phiếu cuối cùng được kiểm vào ngày 9-6.

Tình thế đảo ngược

Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng, Đảng Bảo thủ của bà May giành được 318 ghế, mất 12 ghế so với kỳ bầu cử trước và thiếu 8 ghế để giành thế đa số trong quốc hội. Công Đảng của ông Jeremy Corbyn giành được 262 ghế, tăng 30 ghế so với kỳ bầu cử trước.

Ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, bà May khẳng định sẽ thành lập chính phủ với sự hỗ trợ của Đảng Liên minh dân chủ (DUP), một đảng nhỏ ở Bắc Ireland vừa giành được 10 ghế trong hạ viện. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định mọi thứ không phải hoàn toàn thuận lợi để đương kim thủ tướng hiện thực hóa ý định này.

Bằng chứng rõ ràng nhất là ngay khi có thông tin Đảng Bảo thủ sẽ bắt tay với DUP, hàng trăm ngàn dân Anh đã đồng loạt ký tên phản đối.

Thêm nữa, DUP, dù được coi là “người bạn lâu năm” của bà May như thừa nhận của bà, cũng không phải dễ dàng đồng ý cuộc “hôn nhân” với Đảng Bảo thủ khi DUP từ lâu chủ trương phản đối nạo phá thai và hôn nhân đồng tính.

Về phúc lợi xã hội, DUP cũng không đồng tình với một số chính sách của Đảng Bảo thủ như giảm trợ cấp hưu trí…

Trước cuộc bầu cử sớm, bà May gần như không có đối thủ. Lãnh đạo Công Đảng Jeremy Corbyn do nhiều yếu tố vẫn chưa từng xuất hiện với tư cách là một thủ lĩnh đối lập. Giờ thì đã khác!

Giành thêm được 30 ghế ở hạ viện, được nhiều cử tri tin tưởng, đặc biệt là giới trẻ, và nhất là được sự ủng hộ mạnh mẽ chưa từng có trong nội bộ Công Đảng, ông Corbyn đã vững vàng bước vào vũ đài chính trị như một đối thủ của bà May.

Thậm chí, lên tiếng sau cuộc bầu cử, lãnh đạo Công Đảng đã kêu gọi bà May từ chức, đồng thời khẳng định bản thân ông đã “sẵn sàng phục vụ đất nước”.

Còn nhớ khi tuyên bố bầu cử sớm, bà May đã thuyết phục cử tri: “Mỗi lá phiếu cho Đảng Bảo thủ sẽ giúp tôi mạnh hơn khi thương lượng cho nước Anh”.

Giờ thì Đảng Bảo thủ của bà đã không mạnh hơn mà ngược lại. Brexit cũng sẽ có thể không dễ dàng hơn so với trước đây. Còn cá nhân bà thì đang đối diện với những sóng gió mà nguyên nhân là từ… chính bà.

Tương lai nào 
cho Brexit?

Việc Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May “ngã ngựa” trong cuộc bầu cử sớm ngày 8-6 cũng phủ mây đen lên tiến trình Brexit, vốn sẽ chính thức đi vào đàm phán từ ngày 19-6 và dự kiến hoàn tất vào tháng 3-2019.

Nếu đảng của bà May đứng ra thành lập chính phủ thiểu số, tiếng nói của chính phủ mới về Brexit sẽ không thể “hoành tráng” như mong muốn vì có thể sẽ gặp phải đối kháng từ các đảng phái khác trong quốc hội.

Bà May sẽ phải tiết chế hơn những tham vọng của mình đối với Brexit. Nếu bà May từ chức, đàm phán Brexit có thể phải bị hoãn lại, Đảng Bảo thủ sẽ phải tìm 
thủ lĩnh mới thay thế.

NHẬT HUY