29/11/2024

Sức ép bủa vây Qatar

Đối mặt với sự phong tỏa ngày càng tăng, Qatar tuyên bố không đầu hàng để bảo vệ “tính độc lập của chính sách ngoại giao”.

 

Sức ép bủa vây Qatar

Đối mặt với sự phong tỏa ngày càng tăng, Qatar tuyên bố không đầu hàng để bảo vệ “tính độc lập của chính sách ngoại giao”.



 
 

 
 

 

 

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani (trái) gặp Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập – Hồi giáo – Mỹ vào tháng 5REUTERS

 

Cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Bahrain và UAE hôm qua ra tuyên bố chung đưa 59 cá nhân và 12 tổ chức liên quan đến Qatar vào danh sách khủng bố.
Theo tờ Arab News, đáng chú ý nhất là Youssef al-Qaradawi, thủ lĩnh tinh thần của nhóm Huynh đệ Hồi giáo được cho là do Qatar hậu thuẫn nhưng bị Ai Cập và một số nước khác coi là một tổ chức nguy hiểm. Tuyên bố chung cáo buộc Qatar “tiếp tục vi phạm những cam kết về việc chống khủng bố và chống tài trợ khủng bố”.
Cùng ngày, Phó đại sứ Ai Cập tại Liên Hiệp Quốc Ihab Moustafa yêu cầu Hội đồng Bảo an điều tra khả năng Qatar vi phạm nghị quyết Liên Hiệp Quốc trong một vụ đàm phán con tin gần đây. Theo ông Moustafa, Qatar đã “trả đến 1 tỉ USD cho một nhóm khủng bố hoạt động tại Iraq” để thả 26 con tin, gồm một số thành viên của hoàng gia nước này. Chưa hết, Đài Al-Jazeera, cơ quan truyền thông chủ lực của Qatar và thuộc hàng lớn nhất khu vực, đang hứng chịu một đợt tấn công mạng quy mô lớn. Reuters dẫn lời một quản lý cấp cao của Al-Jazeera cho biết chưa xác định được nguồn gốc vụ tấn công, nhưng các chuyên gia đang nỗ lực để đảm bảo mọi hoạt động diễn ra bình thường.

Trước những diễn biến trên, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Abdulrahman al-Thani khẳng định sẽ không để chính sách ngoại giao độc lập của đất nước bị tổn hại. “Chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng”, BBC dẫn lời ông al-Thani tuyên bố, đồng thời gọi tuyên bố chung 4 nước nói trên là “cáo buộc vô căn cứ”. Vị ngoại trưởng này tiếp tục lên án chiến dịch phong tỏa đường bộ, đường biển và đường không của Qatar do các nước vùng Vịnh tiến hành là “vi phạm luật pháp quốc tế và ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực”.
Mặt khác, Mỹ, nước có căn cứ quân sự tại Qatar, đang tìm cách xoa dịu căng thẳng giữa những đồng minh và đối tác quan trọng của mình. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị Ngoại trưởng Rex Tillerson làm người hoà giải cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông Tillerson có nhiều năm kinh nghiệm đàm phán với giới lãnh đạo Qatar và các nước trong khu vực khi còn giữ vai trò Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil. Tuy nhiên, một số quan chức cho biết Tổng thống Trump vẫn ưu tiên để các nước vùng Vịnh tự giải quyết mâu thuẫn trước. Qatar cũng được cho là không mặn mà với phương án để Mỹ làm trung gian khi Ngoại trưởng al-Thani tuyên bố Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani sẽ không rời khỏi đất nước, bất chấp lời mời đến Mỹ bàn cách giải quyết khủng hoảng của Tổng thống Trump.
Trong khi đó, Pakistan tuyên bố sẽ tiếp tục nhập khí đốt từ Qatar theo thỏa thuận giữa 2 nước, còn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho phép các hãng hàng không Qatar sử dụng không phận, đồng thời triển khai các chuyến hàng nhu yếu phẩm, lương thực sang nước này. Theo tờ Hurriyet, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng phê chuẩn việc điều động khoảng 200 – 250 binh sĩ cùng máy bay chiến đấu và tàu chiến đến căn cứ đặt tại Qatar.
Ngày 9.6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của VN về tình hình căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và một số quốc gia vùng Vịnh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “VN có quan hệ hợp tác tốt đẹp với các nước Trung Đông nói chung, các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nói riêng. VN mong muốn các nước sớm thiết lập đối thoại nhằm tìm ra các giải pháp đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan, vì lợi ích của nhân dân các nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực”.
Theo TTXVN

Sức ép bủa vây Qatar - ảnh 2

 
 



 

Bảo Vinh