29/11/2024

Thanh niên Hàn Quốc gian nan tìm việc

Ăn ở tạm bợ và khổ luyện thâu đêm để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng gắt gao của các tập đoàn lớn là tình cảnh của nhiều thanh niên Hàn Quốc hiện nay.

 

Thanh niên Hàn Quốc gian nan tìm việc

Ăn ở tạm bợ và khổ luyện thâu đêm để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng gắt gao của các tập đoàn lớn là tình cảnh của nhiều thanh niên Hàn Quốc hiện nay.



Một thanh niên luyện thi tuyển dụng trong căn hộ “hộp diêm” 	 
 /// Ảnh: Reuters

Một thanh niên luyện thi tuyển dụng trong căn hộ “hộp diêm”ẢNH: REUTERS

Tình trạng thất nghiệp gia tăng trong giới trẻ Hàn Quốc đang khiến “cuộc chiến” tìm việc ngày càng trở nên quyết liệt và ngay cả những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc cũng không chắc tìm được việc làm. Theo Đài NPR, có đến 11,3% thanh thiếu niên Hàn Quốc trong độ tuổi 15 – 29 không có nguồn thu nhập nào.
Các chuyên gia cảnh báo tình trạng kinh tế phát triển chững lại trong những năm gần đây đang góp phần khiến thất nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, mong muốn tìm được việc làm thu nhập cao và ổn định lâu dài khiến nhiều thanh niên chấp nhận thất nghiệp để chuẩn bị cho các kỳ thi tuyển dụng của các tập đoàn lớn, thay vì làm việc thời vụ hoặc gia nhập các công ty nhỏ.
Thanh niên Hàn Quốc gian nan tìm việc - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Thanh niên Hàn Quốc bất bình về giàu nghèo

Ngày 24.3, Đài NHK đưa tin giới trẻ Hàn Quốc hiện nổi giận về tình trạng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở nước này ngày càng tăng do nền kinh tế tăng trưởng chậm. 
Khắc khổ rèn luyện
Nhiều người trẻ mất nhiều năm cố gắng xin vào các tập đoàn lớn và chấp nhận “ăn bám” gia đình để chuyên tâm chuẩn bị cho các cuộc phỏng vấn, thi đầu vào khét tiếng khắc nghiệt của các tập đoàn hàng đầu. Trường hợp điển hình cho xu hướng này là cô Lim Hyuk-ju, 25 tuổi nhưng chưa từng đi làm. Nhờ cha mẹ hỗ trợ, cô thuê một căn hộ “hộp diêm” rộng khoảng 2,8 mét vuông với giá 400 USD (9 triệu đồng)/tháng tại Seoul. Căn phòng chỉ có giường và tủ áo trong khi nhà vệ sinh và nhà bếp dùng chung với những người thuê khác. “Khó chịu lắm vì cứ nằm xuống là chân tôi lại đụng phải vách”, Lim than thở và cho biết cô phải giữ yên lặng vì vách thì mỏng và hàng xóm trong những căn phòng “đông lạnh hè nóng” kế bên cũng phải học 15 giờ mỗi ngày để thi tuyển dụng vào các tập đoàn lớn như Samsung, LG và Hyundai giống như cô. “Đôi khi tôi tự vấn liệu đây có phải là cách duy nhất để thành đạt hay không”, cô chia sẻ.
Tại một hiệu sách ở Seoul, nhiều thanh niên ngồi cả ra sàn và xung quanh đầy những sách và tài liệu dành cho việc thi tuyển dụng nhân viên. Trong số đó có Baek Eui-hyun (28 tuổi) đã trượt nhiều lần trong 2 năm qua. Anh cho biết kinh tế trì trệ nên việc làm tốt ngày càng hiếm và thị trường lao động cạnh tranh ngày càng quyết liệt. “Dĩ nhiên chúng tôi không muốn mất thời gian trọ trong căn phòng bé tí và vùi đầu học khi đã gần 30 tuổi, nhưng đâu còn cách nào khác”, anh nói với NPR.
Người lao động trẻ tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Seoul

Người lao động trẻ tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại SeoulẢNH: REUTERS

Giấc mơ Samsung, Hyundai…
Giáo sư xã hội học Kim Dong-chun tại Đại học Sungkonghoe ở Seoul nhận định những thanh niên vất vả tìm việc này “là sản phẩm của một xã hội thiếu ổn định và tập trung mọi tài nguyên vào các tập đoàn lớn”.
Tính bình quân, doanh thu của 5 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc chiếm đến 58% GDP hằng năm của cả nước. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ ít có cơ hội phát triển và tạo việc làm khiến người trẻ phải cạnh tranh tìm việc ở các đại gia. Nhu cầu tìm việc cao đến mức các tập đoàn luôn đưa ra bài kiểm tra tuyển dụng ngày càng khó hơn nhằm tinh lọc nhân tài. Chẳng hạn, các ứng viên vào Hyundai phải vượt qua bài kiểm tra kéo dài đến 6 tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa chắc được tuyển. Samsung có bài kiểm tra năng lực riêng dài 2 giờ với 160 câu hỏi về logic, toán, lịch sử, khoa học và nhiều lĩnh vực khác.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc như Lim cũng trọ trong những căn phòng chật chội và rèn luyện suốt nhiều năm chỉ để vượt qua những bài kiểm tra này. Các chuyên gia hy vọng chính quyền mới của Tổng thống Moon Jae-in sẽ tập trung vào tạo việc làm trong lĩnh vực công cũng như tạo điều kiện phát triển thuận lợi hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Trực tiếp tạo việc làm là các công ty chứ không phải chính phủ. Về lâu dài, chính phủ nên tạo môi trường đầu tư tốt hơn”, Giáo sư kinh tế Kim Gwang-suk tại Đại học Hanyang ở Seoul nói.
Thất nghiệp ở Hàn Quốc cao nhất trong vòng 17 năm
Tờ The Korea Herald đưa tin tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc trong tháng 4 là 4,2%, cao nhất trong vòng 17 năm qua. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp là 1,17 triệu người, tăng gần 100.000 người so với tháng 3. Số liệu cho thấy tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ tiếp tục tăng ở mức hai con số trong vòng 4 năm qua.
Tổng cục Thống kê nhận định nguyên nhân thất nghiệp gia tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ ngành công nghiệp, vốn sử dụng 1/5 tổng lao động cả nước. Số việc làm trong lĩnh vực này đã giảm liên tục trong gần 1 năm qua. Tờ Financial Tribune phân tích tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ngày càng tăng so với tỷ lệ thất nghiệp chung ở Hàn Quốc, với cách biệt lên đến 6% trong năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp chung năm 2016 là 3,6% trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ lên đến 9,8%.


 

 

Khánh An