Nắm chặt tay nhau để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước
Chiều 6.6, tại Nhà khách quốc gia ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón, hội đàm và dự chiêu đãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nắm chặt tay nhau để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước
Chiều 6.6, tại Nhà khách quốc gia ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón, hội đàm và dự chiêu đãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
TIN LIÊN QUAN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Tokyo, thủ đô Nhật Bản
Tuyên bố chung VN – Nhật Bản
Nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 4 – 8.6, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng VN – Nhật Bản.
Tuyên bố chung gồm 46 điều, trong đó hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ VN – Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực kể từ khi nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á năm 2014. Hai nhà lãnh đạo khẳng định VN và Nhật Bản là đối tác quan trọng của nhau, có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng; nhất trí việc hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng VN – Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Nhật Bản tiếp tục là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, mong muốn Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Thủ tướng Abe đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng quan trọng và những đóng góp tích cực của VN trong các vấn đề quốc tế và khu vực, khẳng định tiếp tục coi trọng vị trí của VN trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao, trao đổi giữa các chính đảng, quốc hội hai nước kể cả tại các diễn đàn, hội nghị đa phương.
Tuyên bố chung còn đề cập về quan hệ chính trị, quốc phòng và an ninh; về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và năng lượng; về hợp tác văn hoá, thể thao, du lịch, giao lưu nhân dân và giao lưu địa phương; chia sẻ quan điểm duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông; cam kết tiếp tục ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
|
Bước tiến vì lợi ích chung
Ngày 6.6, các chuyên gia quốc tế đã nhận định với Thanh Niên về ý nghĩa của việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Nhật Bản.
PGS Stephen R.Nagy (chuyên về các vấn đề quốc tế tại Đại học quốc tế Cơ Đốc giáo, Nhật Bản): Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật Bản là một dấu ấn quan trọng cho quan hệ hai nước. Ở khía cạnh kinh tế, hai nước có thể cam kết tiến hành Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dù Mỹ rút lui. Hai nước cũng củng cố điều đó bằng cách tăng cường quan hệ thương mại. Ở góc độ chính trị, Nhật Bản muốn tăng cường quan hệ với VN bởi những lợi ích chung chính đáng. Nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản thăm VN hồi đầu năm nay, và hiện tại là việc tiếp đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì Nhật Bản đã thể hiện rõ cam kết tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài. Bằng cách hỗ trợ cho VN như một đối tác chiến lược, Nhật Bản đang gửi tín hiệu sẵn sàng chung vai sát cánh cùng các đối tác để đảm bảo giải quyết các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế, ngăn cản việc nước lớn ăn hiếp nước nhỏ. TS Zach Cooper (chuyên gia về chính trị Nhật Bản, thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược – CSIS, Mỹ): VN và Nhật Bản có cùng lợi ích khi thắt chặt quan hệ lẫn nhau, trong bối cảnh cả hai cùng có động cơ cùng phối hợp để tăng cường trật tự khu vực dựa trên luật lệ quốc tế. Bên cạnh đó, hai nước cũng cùng có mong muốn mở rộng cơ hội kinh tế và cơ hội đầu tư lẫn nhau. TS Satoru Nagao (chuyên gia về các vấn đề quốc tế, giảng dạy tại 2 đại học Aoyama-Gakuin và Komazawa, Nhật Bản): Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật thể hiện sự thay đổi quan trọng trong khu vực. Thực tế, chính sách và quan điểm về châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là khó đoán định. Trong bối cảnh như thế, quan hệ Việt – Nhật cực kỳ cần thiết cho cả 2 nước, vấn đề chung cần thiết là làm sao có thể tự chủ về chính sách. Và mới đây, khi tàu JS Izumo, chiến hạm lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến 2, ghé thăm VN góp phần chứng minh quan hệ hai nước đang thắt chặt. Ngô Minh Trí (thực hiện)
|
Theo TTXVN