Nguy cơ chiến tranh lạnh mới
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng nổ chiến tranh lạnh mới sau khi NATO và các thành viên chỉ trích tuyên bố của Nga về các loại siêu vũ khí.
Nguy cơ chiến tranh lạnh mới
Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ bùng nổ chiến tranh lạnh mới sau khi NATO và các thành viên chỉ trích tuyên bố của Nga về các loại siêu vũ khí.
Tên lửa hành trình siêu thanh mới của Nga có tầm bắn không giới hạn, chọc thủng mọi lá chắn phòng thủ
BỘ QUỐC PHÒNG NGA
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong thông điệp liên bang ngày 1.3 công bố các loại “siêu vũ khí” hạt nhân mới, bao gồm tên lửa hành trình “bất khả chiến bại” có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới và xuyên thủng mọi lá chắn phòng thủ. Ông Putin đồng thời cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm đến đồng minh của Moscow đồng nghĩa đánh vào Nga và sẽ bị trả đũa thích đáng ngay lập tức.
Mặc dù vẫn chưa rõ ông Putin muốn nói đến đồng minh nào, nhưng NATO hôm qua chỉ trích rằng cảnh báo của chủ nhân Điện Kremlin không giúp xoa dịu căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine.
“Tuyên bố từ phía Nga mang tính đe doạ nhằm vào các nước đồng minh NATO là không thể chấp nhận và phản tác dụng. Chúng tôi không muốn chiến tranh lạnh mới hay chạy đua vũ trang. Tất cả đồng minh ủng hộ những thỏa thuận kiểm soát vũ khí nhằm xây dựng niềm tin vì lợi ích cho tất cả các bên”, AFP dẫn lời người phát ngôn NATO Oana Lungescu tuyên bố.
Cũng trong ngày 3.3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm bàn về Nga. “Hai lãnh đạo lo ngại tuyên bố của Tổng thống Nga gây ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực kiểm soát vũ khí quốc tế”, theo người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố coi việc Nga giới thiệu các loại vũ khí mới thông qua Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin là hành động “khiêu khích và leo thang căng thẳng”.
Theo giới quan sát, những tuyên bố mới của Tổng thống Putin một phần là nhằm đáp trả những động thái gần đây của Mỹ, bao gồm kế hoạch hiện đại hóa và phát triển thêm vũ khí hạt nhân mới. Một số chuyên gia lo ngại những bước đi từ cả hai phía có thể đẩy nhau vào một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Trong khi đó, ông Putin nhấn mạnh nếu thật sự xảy ra chạy đua vũ trang thì Washington chính là bên châm ngòi khi vào năm 2002 đã rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, vốn được Mỹ và Liên Xô ký năm 1972.
Tổng thống Putin muốn ngăn Liên Xô tan rã nếu có thể thay đổi lịch sử
Phát biểu tại diễn đàn Sự thật và Công lý của Mặt trận nhân dân toàn Nga, Tổng thống Vladimir Putin cho biết nếu có cơ hội thay đổi điều gì đó trong lịch sử thì ông muốn ngăn chặn sự tan rã của Liên Xô, theo Hãng tin TASS ngày 3.3. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh không muốn thay đổi thực tại để trở về một giai đoạn trong quá khứ mà mục tiêu của ông là đất nước thành công, mạnh mẽ, ổn định, tiến về phía trước.
Trước đây, Tổng thống Nga từng nhiều lần chia sẻ quan điểm xem sự tan rã của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20. Theo ông, nếu các cuộc cải tổ theo bản chất dân chủ diễn ra đúng hướng thì Liên Xô có thể vẫn tồn tại.
|
PHÚC DUY