Trung Quốc mạnh tay với giới tài phiệt
Vụ điều tra lãnh đạo công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất Trung Quốc cho thấy sự mạnh tay của chính quyền đối với những doanh nghiệp từng được coi là “không thể đụng đến”.
Trung Quốc mạnh tay với giới tài phiệt
Vụ điều tra lãnh đạo công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất Trung Quốc cho thấy sự mạnh tay của chính quyền đối với những doanh nghiệp từng được coi là “không thể đụng đến”.
Chủ tịch CEFC Diệp Giản Minh ẢNH: CEFC
Chưa đầy một tuần sau khi thông tin Chủ tịch Tập đoàn bảo hiểm Anbang Ngô Tiểu Huy bị truy tố, dư luận Trung Quốc tiếp tục xôn xao với tin Chủ tịch công ty năng lượng tư nhân CEFC Diệp Giản Minh bị điều tra vì cáo buộc phạm tội kinh tế. Tờ South China Morning Post dẫn nguồn giấu tên tiết lộ ông Diệp bị bắt giữ ngay trước mùng một Tết âm lịch theo lệnh trực tiếp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng thông tin đến ngày 2.3 mới được công bố. Trong khi đó, CEFC đăng thông cáo tuyên bố công ty vẫn “hoạt động bình thường”.
Logo CEFC tại trụ sở công ty ở Thượng Hải, Trung Quốc ẢNH: REUTERS |
Ông Diệp Giản Minh (41 tuổi) được xem là một trong những doanh nhân trẻ thành công nhất Trung Quốc những năm gần đây. Ông thành lập CEFC năm 2002 khi chỉ mới 25 tuổi. Theo số liệu của công ty, đây là doanh nghiệp dầu mỏ và khí đốt tư nhân lớn nhất Trung Quốc với 50.000 nhân viên, doanh thu năm 2016 lên đến 43,7 tỉ USD. Tháng 9.2017, CEFC gây chấn động khi đồng ý mua 14,16% cổ phần của Rosneft – tập đoàn năng lượng quốc doanh lớn nhất của Nga với giá 9,1 tỉ USD. Công ty của ông Diệp cũng có nhiều đầu tư tại CH Czech, và bản thân doanh nhân này giữ vị trí cố vấn kinh tế của Tổng thống Milos Zeman.
Từ một công ty giao dịch nhỏ, CEFC chuyển mình nhanh chóng thành doanh nghiệp năng lượng hàng đầu Trung Quốc khiến nhiều người nghi ngờ về nguồn gốc của nó. Từng xuất hiện nhiều đồn đoán tại Trung Quốc cho rằng ông Diệp là cháu nội của cố Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, nguyên soái Diệp Kiếm Anh, nhưng doanh nhân này một mực phủ nhận. Năm 2017, tờ The Financial Times từng có bài điều tra về quan hệ đáng ngờ giữa ông Diệp và một số quản lý cấp cao của CEFC với lực lượng tình báo quân đội. Bên cạnh đó, CEFC giành được nhiều hợp đồng giá trị trong ngành năng lượng nội địa, điều bị coi là bất thường khi thị trường này lâu nay do các tập đoàn quốc doanh thống trị. Ngoài ra, nhiều hợp đồng đầu tư của CEFC cũng thường được ký kết trong các chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập.
Thông tin về việc ông Diệp Giản Minh bị nhắm đến xuất hiện chưa đầy một tuần sau khi Ủy ban Quản lý bảo hiểm Trung Quốc (CIRC) tiếp quản Tập đoàn bảo hiểm Anbang và truy tố Chủ tịch Ngô Tiểu Huy. Giới quan sát nhận định các vụ điều tra liên tiếp diễn ra cho thấy chính quyền đang mạnh tay với những doanh nghiệp từng được cho là “không thể đụng đến”, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách ngăn chặn dòng vốn chạy ra nước ngoài qua các thương vụ thâu tóm tài sản của những tập đoàn lớn, theo Reuters.
Trung Quốc lo ngại những tập đoàn và doanh nghiệp với những khoản nợ lớn một khi gặp vấn đề có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh tài chính. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Tài Kinh hồi năm ngoái, ông Diệp cho biết tổng số nợ của CEFC là hơn 60 tỉ nhân dân tệ (214.710 tỉ đồng), trong đó hơn một nửa là vay của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc. Giáo sư Christopher Balding thuộc Trường Kinh doanh HSBC (Đại học Bắc Kinh) dự báo chính quyền Trung Quốc rõ ràng sẽ tiếp tục tiếp quản thêm nhiều doanh nghiệp khác trong thời gian tới, gây lo ngại cho nhà đầu tư về môi trường kinh doanh sắp tới. Giá trị cổ phiếu và trái phiếu của các công ty liên quan đến CEFC sụt giảm mạnh tại những sàn giao dịch chứng khoán ở Hồng Kông, Thâm Quyến và Singapore sau thông tin ông Diệp bị điều tra, khiến công ty mất tổng cộng 4 tỉ nhân dân tệ (14.328 tỉ đồng), theo South China Morning Post.
BẢO VINH