Mỹ đưa thông điệp rõ ràng về an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương
Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng can dự đối với châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục di chuyển khí tài quân sự đến khu vực này như dưới thời tổng thống Barack Obama.
Mỹ đưa thông điệp rõ ràng về an ninh tại châu Á – Thái Bình Dương
Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng can dự đối với châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục di chuyển khí tài quân sự đến khu vực này như dưới thời tổng thống Barack Obama.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis không thể chấp nhận việc Trung Quốc thực hiện các hành động vi phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, làm suy yếu một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc, một trật tự mang lại lợi ích cho tất cả quốc gia, đặc biệt là chính Trung Quốc – Ảnh: Q.TR. |
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong phát biểu trấn an các đồng minh và đối tác tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore sáng 3-6.
Ưu tiên
Mở đầu bài phát biểu trong phiên toàn thể thứ nhất chủ đề “Mỹ và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương”, ông chủ Lầu Năm Góc cho biết những chuyến công du châu Á gần đây của Ngoại trưởng Rex Tillerson và Phó tổng thống Mike Pence cho thấy chính quyền Mỹ ưu tiên quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Mattis lấy dẫn chứng rằng trong chuyến công du đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Úc, Phó tổng thống Mike Pence đã khẳng định Mỹ cam kết lâu dài với an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Sự cam kết lâu dài này, theo ông Mattis, dựa trên mối quan hệ đối tác quân sự, quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ, và mối quan hệ giữa người dân hai bên.
Trong bài phát biểu, ông Mattis cũng không quên nhắc đến những hỗ trợ và quan hệ đối tác khăng khít của Mỹ đối với các quốc gia Đông Nam Á.
Theo đó, Mỹ giúp huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng Philippines chống lại các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở miền nam, đồng thời tiếp tục hỗ trợ hiện đại hóa lực lượng quân đội nhằm giúp nước này đối phó với các thách thức an ninh.
Trong cuộc chiến chống khủng bố, Mỹ cũng hợp tác chia sẻ thông tin và nhận thức về vấn đề hàng hải đối với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Indonesia và Malaysia.
Ngoài ra, Mỹ lần đầu tiên chuyển giao một tàu tuần duyên cho Việt Nam và vừa mới hoàn thành biệt đội không quân Mỹ – Singapore ở Guam.
Ông Mattis nhấn mạnh Mỹ sẽ nỗ lực tăng cường khả năng quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bởi vì “an ninh chính là nền tảng của sự thịnh vượng và giúp giao thương dễ dàng hơn”.
Theo ông, 60% lực lượng hải quân Mỹ, 55% lực lượng quân đội và 2/3 lực lượng thủy quân lục chiến ở Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương.
Trả lời câu hỏi của các cử tọa nghi ngờ về “độ tin cậy” cũng như “độ nhất quán” trong quan điểm của Tổng thống Donald Trump khi nói về một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc, ông Mattis trấn an rằng: “Hãy kiên nhẫn với chúng tôi. Một khi chúng tôi đã bị vắt kiệt sức bởi các phương án thay thế, người Mỹ sẽ chọn điều đúng nhất. Chúng tôi vẫn sẽ ở đó (duy trì sự can dự ở châu Á – Thái Bình Dương – PV)”.
“Có một sự nhất trí rằng thông điệp của Mỹ lần này rất rõ ràng, không chỉ từ quan điểm của thông điệp mà còn từ người phát đi thông điệp đó” – Channel News Asia dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen nhận xét về phát biểu của người đồng cấp James Mattis.
Trung Quốc bị chỉ trích về Biển Đông
Trong bài phát biểu và trả lời câu hỏi kéo dài 50 phút, ông Mattis dành đến 30 phút đề cập đến Trung Quốc, mà ông thừa nhận rằng xung đột sẽ khó tránh khỏi vì hai nước đang cạnh tranh về kinh tế và chính trị.
Đầu tiên, ông đánh giá cao những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tạo ảnh hưởng lên Triều Tiên cũng như cam kết mới nhất của nước này về hợp tác với cộng đồng quốc tế hướng đến phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên; và sau đó… chỉ trích “thẳng mặt” các hành động quân sự hoá của nước này ở Biển Đông.
Dù phát biểu của ông Mattis về chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương không có nhiều thay đổi so với những người tiền nhiệm của các chính quyền trước nhưng lần này thông điệp đối với Trung Quốc về các vấn đề an ninh rõ ràng hơn.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ chỉ rõ những hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở Biển Đông khác các nước khác ở bốn điểm: quy mô quân sự hoá, bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường lợi ích của các nước khác, và nỗ lực ngăn cản cách giải quyết vấn đề theo cách không gây mâu thuẫn.
“Chúng tôi phản đối các quốc gia quân sự hoá các đảo nhân tạo và ra sức củng cố các yêu sách chủ quyền không tuân theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận các thay đổi đơn phương và hành động cưỡng ép nhằm thay đổi nguyên trạng” – ông Mattis nói.
Trong phiên toàn thể thứ hai chủ đề “Duy trì một trật tự khu vực dựa trên các nguyên tắc” diễn ra ngay sau đó, cả ba bộ trưởng quốc phòng Nhật, Úc và Pháp đều chỉ trích việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như hầu hết Biển Đông, trong đó bà Tomomi Inada – bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản – bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông.
“Về vấn đề Biển Đông, bất chấp phán quyết của Toá trọng tài tháng 7-2016 về vụ kiện Trung Quốc của Philippines, các hoạt động xây dựng các tiền đồn phục vụ cho mục đích quân sự vẫn đang tiếp tục. Tôi quan ngại sâu sắc về tình huống này” - bà Tomomi Inada nói.
Bà Tomomi cho biết Nhật Bản ủng hộ các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải (FONOPs) của Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, vì thông qua FONOPs, Mỹ muốn tìm cách duy trì một trật tự hàng hải quốc tế an toàn, mở rộng, tự do và hoà bình. Bà Tomomi cũng gửi đi thông điệp rằng đừng vì lợi ích trước mắt của riêng một nước mà làm mất đi lợi ích chung lâu dài của nhiều nước trong quan hệ quốc tế.
Mong muốn lắng nghe ý kiến các nước về Biển Đông Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề Đối thoại Shangri-La, trung tướng Nguyễn Đức Hải – viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, trưởng đoàn đại biểu quốc phòng Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La lần 16 – cho biết đoàn Việt Nam tham dự diễn đàn lần này nhằm tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam cũng mong muốn lắng nghe quan điểm của các nước, đặc biệt đối với những diễn biến mới trong khu vực, trong đó nổi bật nhất vẫn là vấn đề Biển Đông, kế đến là các thách thức về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các vấn đề di cư, biến đổi khí hậu… Đoàn Việt Nam sẽ tham gia đóng góp ý kiến trên các lĩnh vực như: quản lý khủng hoảng (bao gồm các thách thức hạt nhân trong khu vực), quản lý xung đột, và các ứng dụng công nghiệp quốc phòng trong an ninh mạng… |