28/11/2024

Băn khoăn về cam kết của Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 3.6 tuyên bố tiếp tục các cam kết quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương, nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục được giới quan sát.

 

Băn khoăn về cam kết của Mỹ

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 3.6 tuyên bố tiếp tục các cam kết quân sự tại châu Á – Thái Bình Dương, nhưng chưa hoàn toàn thuyết phục được giới quan sát.



Đại biểu Trung Quốc, bà Diêu Vân Trúc (trên màn hình) chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis 
tại phần hỏi đáp
 /// Thục Minh

 

Đại biểu Trung Quốc, bà Diêu Vân Trúc (trên màn hình) chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại phần hỏi đápTHỤC MINH

Phát biểu tại diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất của khu vực – Đối thoại Shangri-La (SLD) – trước sự kỳ vọng đặc biệt của hàng chục người đồng cấp, hơn 600 đại biểu thuộc giới quân sự, ngoại giao và học giả từ trên 50 quốc gia, ông Mattis nhắc lại “cam kết lâu dài đối với an ninh và sự thịnh vượng của khu vực” của Mỹ mà những người tiền nhiệm của ông từng tuyên bố tại SLD. Ông khẳng định cam kết đó xuất phát từ các “lợi ích chiến lược” và “những giá trị chung” của con người tự do, thị trường tự do và lợi ích kinh tế không chỉ của riêng Mỹ.
 
 
Chiều qua, phát biểu trong phiên họp chuyên gia về các biện pháp tránh xung đột trên biển, thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp mang tính nguyên tắc và dựa trên những cơ chế sẵn có mà các bên cần tuân thủ. Thượng tướng Nam cũng khẳng định VN sẽ nỗ lực cao nhất để phát triển và thực thi những biện pháp hữu hiệu nhằm tránh xảy ra xung đột.
 

Chỉ ra vấn đề an ninh nóng nhất hiện nay trong khu vực, mối đe dọa “rõ ràng, hiện hữu đối với Mỹ” là nguy cơ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ông Mattis không tiếc lời chỉ trích CHDCND Triều Tiên và nhắc lại tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Donald Trump: “Thời kỳ nhẫn nại đã kết thúc”. Và ông kêu gọi Trung Quốc, quốc gia được coi là “có trách nhiệm và đủ khả năng chặn đứng những hành động đe doạ an ninh khu vực của chính quyền Bình Nhưỡng”, chủ động trong vấn đề này. “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc nhận ra Triều Tiên là một món nợ chiến lược chứ không phải là một tài sản”, ông nói.

Nhưng cũng với một Trung Quốc “đang lớn mạnh về kinh tế, chiếm lĩnh một vị trí ảnh hưởng quan trọng trong Thái Bình Dương”, ông Mattis quả quyết: “Mỹ không thể chấp nhận các hành động của Bắc Kinh đi ngược lợi ích cộng đồng quốc tế, huỷ hoại trật tự thượng tôn pháp luật mà mọi quốc gia đang hưởng lợi”. Ông chỉ ra đó là việc xây dựng phi pháp đảo nhân tạo và quân sự hóa các cấu trúc ở Biển Đông, làm đảo lộn sự ổn định trong khu vực. “Chúng tôi không thể và sẽ không chấp nhận hành động đơn phương, cưỡng ép làm thay đổi hiện trạng trên biển”, ông nói.
Và để duy trì trật tự, sự ổn định trên biển, để thể hiện sự hiện diện, quyết tâm bảo vệ lợi ích và sự tự do đi lại theo luật định, người đứng đầu Lầu Năm Góc tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra trên biển, trên không và tác chiến ở bất kỳ nơi nào luật pháp cho phép trong Biển Đông”. Ông cũng nhắc lại rằng phán quyết của Tòa trọng tài thường trực LHQ về tranh chấp ở Biển Đông hồi tháng 7.2016 là có tính ràng buộc pháp lý.
Bộ trưởng Mattis cũng phác thảo 3 nỗ lực của ngành quốc phòng Mỹ để duy trì vai trò bảo trợ an ninh tại khu vực. Đó là tăng cường mối quan hệ với các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Philippines, Thái Lan… để bảo vệ và cổ vũ các nguyên tắc phổ quát; trang bị năng lực cho các quốc gia trong khu vực để họ đóng góp mạnh hơn trong việc bảo vệ hòa bình và ổn định của chính mình; và tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ trong khu vực. Ông cho biết hiện quân đội Mỹ có 60% chiến hạm, 50% bộ binh và gần 70% lực lượng lính thủy đánh bộ đang đồn trú trong khu vực thuộc quyền chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Sắp tới, sẽ có 60% lực lượng không quân đồn trú ở nước ngoài được đưa đến đây. “Bằng những nỗ lực trên, cộng với các nỗ lực ngoại giao, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì một trật tự dựa trên luật lệ vì lợi ích của Mỹ và tất cả các nước trong khu vực”, ông Mattis kết luận.
Còn nhiều hoài nghi
Trật tự dựa trên luật lệ mà Bộ trưởng Mattis lẫn Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull trong bài phát biểu dẫn đề tối 2.6 nhấn mạnh cũng là chủ đề được đề cập xuyên suốt trong các phiên thảo luận ngày hôm qua. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada trong phiên họp bàn biện pháp duy trì trật tự này cùng 2 nữ đồng nghiệp khác là Marise Payne (Úc) và Sylvie Goulard (Pháp) khẳng định Tokyo tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc chung. Nhưng trên thực tế, trật tự này đang bị đe doạ, cụ thể là vùng biển Nhật thường xuyên bị xâm nhập trái phép bởi tàu nước ngoài. Khỏi nói thì ai cũng hiểu bà muốn đề cập “nước ngoài” nào. Bà Inada kêu gọi hợp tác, tuân thủ trật tự trên luật lệ để bảo vệ an ninh khu vực.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu thẳng thắn bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của biện pháp mang tính nguyên tắc nhưng đòi hỏi tính tự giác này, khi mà một số quốc gia đặt lợi ích của mình lên trên hết. Câu trả lời từ hai bộ trưởng Mattis lẫn Inada đánh vào tính tự giác dựa trên “lợi ích lâu dài” chưa thuyết phục lắm đối với cử tọa. Bộ trưởng Úc Payne đã bổ sung thêm một yếu tố, đó là “sự cân bằng sức mạnh quân sự” mà trong cái nhìn của giới quan sát, Washington dường như đang để Bắc Kinh lấn tới. Tương tự, việc lặp lại cam kết duy trì lực lượng quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương của Bộ trưởng Mattis dường như cũng chưa tạo được sự an tâm.
Một loạt chuyên gia và học giả mà Thanh Niên phỏng vấn nhanh bên lề SLD cho rằng ông Mattis, vốn được đánh giá cao về năng lực, chưa củng cố được niềm tin của cử tọa bởi “chính ông ấy cũng chưa tin vào điều mình nói”, vì ông đang đứng trong một chính quyền có những hành động khó lường và có khuynh hướng “nuông chiều” Bắc Kinh. Washington sẽ tiếp tục các chính sách quân sự ở khu vực, nhưng mối quan tâm về Biển Đông đã bị vấn đề hạt nhân Triều Tiên phủ lấp, nhiều đại biểu nhận định.
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tướng Vũ Tiến Trọng, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng, thành viên đoàn cán bộ cấp cao Bộ Quốc phòng VN dự SLD, cho rằng bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã bao quát đầy đủ những vấn đề quan tâm chung, gồm những mối nguy an ninh hiện hữu, ghi nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc và mong muốn nước này hành động có trách nhiệm, đưa ra các giải pháp hợp tác, tăng cường sức mạnh của đồng minh, các đối tác và của chính mình… nhằm duy trì an ninh trong khu vực. Không như nhiều đại biểu khác, ông Trọng tin rằng Mỹ sẽ duy trì sức mạnh ở khu vực, vì lợi ích không thể từ bỏ của chính họ. “Chính sách “nước Mỹ là trên hết” của chính quyền mới không có nghĩa là Mỹ sẽ thu vào trong lãnh thổ của mình, mà là ở những nơi nước Mỹ có lợi ích, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương là đặc biệt về chiến lược. Vì vậy Mỹ có cam kết lâu dài để bảo vệ các lợi ích cho chính người Mỹ ở đây”, ông nói.



 

Thục Minh (từ Singapore)