28/11/2024

Thay đổi cách dạy và học từ đề thi

Hôm qua, ngày 3.6, khoảng 73.000 thí sinh tại TP.HCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

 

Thay đổi cách dạy và học từ đề thi

Hôm qua, ngày 3.6, khoảng 73.000 thí sinh tại TP.HCM đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.




Ảnh: Khả Hoà

Đề thi ở cả 3 môn thi toán, ngữ văn và tiếng Anh, đề thi đều được đánh giá hay, nội dung các câu hỏi đề cập đến thực tế cuộc sống, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng, tư duy trong giải quyết yêu cầu.
 
 
Mặt bằng điểm chuẩn sẽ giảm

Với 2 đề ngữ văn, tiếng Anh có độ khó tương đương năm trước, còn đề toán được đánh giá khó hơn, nhiều ý kiến cho rằng mặt bằng điểm thi có thể sẽ thấp hơn năm trước. Như vậy, dự kiến điểm chuẩn sẽ giảm so với mùa tuyển sinh trước, đặc biệt là những trường giảm chỉ tiêu.
Ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), phân tích: “Đề thi toán năm nay độ phân hóa cao, có thể điểm 
9 – 10 sẽ không nhiều. Các trường THPT tốp đầu như: Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), Bùi Thị Xuân (Q.1), Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3)… chỉ có những HS giỏi mới lựa chọn, chỉ tiêu không có thay đổi nhiều nên dự đoán điểm chuẩn giảm so với năm trước”. Một GV ở Q.6 cho biết điểm chuẩn có thể bằng hoặc thấp hơn một chút so với năm trước.    

 

Nhiều giáo viên (GV) và học sinh (HS) cho rằng để đáp ứng được kỳ thi phải thay đổi cách dạy và học.

Trước nhiều ý kiến cho rằng đề toán năm nay quá khó so với sức HS, ông Đỗ Nguyễn Hoài Minh, GV Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6), nhận xét: “Đề thi hay, có sự phân hóa tốt. Ngoài việc phải nắm chắc kiến thức, công thức toán học thì đòi HS phải tư duy, lập luận để biến đổi tìm ra cách giải chứ không đơn thuần áp dụng công thức tìm đáp số như trước đây”.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết: “Đề thi môn toán hay ở chỗ kiến thức dàn đều khiến HS không thể học tủ. Bài toán thực tế đã thực tế hơn khiến HS thấy gần gũi, hứng thú với những dữ liệu ngoài trường lớp”.
GV Nguyễn Anh Hoàng và Nguyễn Đức Tấn, Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cùng chia sẻ: “Các yêu cầu của đề thi phù hợp với mục đích tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu cứ học theo cách truyền thống thì HS sẽ vất vả với đề thi năm nay vì không biết xoay xở để đọc hiểu vấn đề rồi suy luận”.
Cả 2 GV cùng nhấn mạnh đề hay vì qua các câu hỏi đòi hỏi GV và HS phải thay đổi, không thể dạy và học theo kiểu thụ động. Về phía người dạy, ông Nguyễn Đức Tấn cho rằng GV không nên chỉ coi những dạng bài tập trong sách giáo khoa là “nguồn vốn” mà cần đầu tư để mở rộng. Không thể đi theo một trình tự, phải tìm tòi, nghiên cứu nhiều dạng toán khác nhau, nhiều hình thức tư duy phong phú khi tìm ra chung một đáp số… Trước hết, việc làm này, để giúp đáp ứng yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh nhưng sâu xa hơn thì rèn cho HS kỹ năng tư duy trong giải quyết vấn đề, linh động trước các tình huống, giả thiết. Về phía người học, HS phải chủ động trong quá trình học. Đừng chỉ “chăm chăm” vào sách giáo khoa, phải biết rèn kỹ năng, mở rộng kiến thức ngoài nhà trường.
Kết thúc kỳ thi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở, cho biết: “Mục đích của sự đổi mới về đề thi giúp HS hiểu rằng học để vận dụng và GV phải thay đổi mạnh mẽ cách dạy. Đây sẽ là xu hướng trong quá trình biên soạn đề thi tuyển sinh ở những năm tiếp theo. Sở cũng khuyến khích các trường mạnh dạn thay đổi cách kiểm tra đánh giá HS”.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT dự kiến các mốc thời gian như sau: Đáp án các môn thi sẽ công bố vào ngày 6.6, kết quả thi, điểm chuẩn trường lớp chuyên công bố vào ngày 13.6, điểm chuẩn vào lớp 10 thường công bố vào ngày 3.7. Đáp án và các thông tin về điểm thi, bạn đọc xem tại thanhnien.vn.
Để phân loại HS, đề thi không nên quá lắt léo

TS Lê Bá Khánh Trình, Khoa Toán – tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đánh giá: “Đề thi lớp 10 môn toán cho thấy ngay người làm đề rất chịu khó và mong muốn thay đổi. Sự đổi mới được thể hiện rất rõ qua câu 1b và câu 3 còn ở câu số 5 đã không còn mô hình quen thuộc và đỡ máy móc hơn làm cho HS không thể dựa vào thói quen làm bài thông thường. Đề thi toàn những câu hỏi hay nhưng đặt chung trong một đề thi vào lớp 10 thì hơi quá”.
Ông Trình phân tích: “Câu 4b và câu 5c, d là những câu rất hay nhưng khó vì sử dụng kiến thức hơi cao cấp. Câu 4b là câu dành cho HS giỏi còn với HS trung bình, khá sẽ bỡ ngỡ vì các em thường quen với toán đối xứng nhiều hơn. Câu 5c, d nếu là HS bậc THPT thì được nhưng do HS THCS chưa học dạng toán này nên để làm được các em phải đi đường vòng. Câu hỏi này hơi quá sức với các em. Nếu muốn phân loại HS thì không nhất thiết phải dùng câu khó như vậy”. Ông Trình nhấn mạnh: “Cách ra đề này đi ngược lại với chủ trương giảm nhẹ và hướng tới mục tiêu phát triển năng lực mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã hướng dẫn trước đó”.
Cũng theo ông Trình, đề thi này uổng nhất chính là ở bài toán ứng dụng. Bài toán này có ý tưởng hay nhưng cách làm nếu xét về mặt sư phạm thì không mở được cho HS. Đây được kỳ vọng sẽ là bài toán tạo hứng thú nhưng lại đưa ra thách đố ngay từ câu a nên thay vì thích thú HS lại bị sốc.
Theo ông Trình, để đổi mới cách kiểm tra, đánh giá thì đề thi, đề kiểm tra cần dựa vào những giá trị cũ, phương pháp cũ để biến tấu. Tuyệt đối tránh sự nặng nề về kỹ thuật tính toán vì như vậy sẽ khiến HS cảm thấy mệt mỏi.
Lam Ngọc 


Bích Thanh