Kể từ khi bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ vào cuối năm 2014 sau hơn nửa thế kỷ thù địch, việc đi lại giữa Cuba và Mỹ đã trở nên thông thoáng hơn. Tuy nhiên, chính quyền Washington vẫn chưa mở cửa hoàn toàn mà đưa ra 12 hạng mục được cấp phép để người dân Mỹ tới Cuba. Trong số này không có lý do đi để chữa bệnh. Dù vậy, Cuba đang là miền đất hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư phổi ở Mỹ nhờ thành tựu mang tên vắc xin Cimavax.
Phương thuốc kỳ diệu
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hệ thống y tế của Cuba có thể xem là hình mẫu cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Báo The Huffington Post dẫn lời bà Margaret Chan, tổng giám đốc vừa mãn nhiệm của WHO, đánh giá: “Cuba là nước duy nhất có hệ thống y tế sâu sát với quá trình nghiên cứu và phát triển. Đây là hướng cần đi, vì sức khoẻ con người chỉ có thể cải thiện thông qua quá trình không ngừng đổi mới phương pháp ngừa và trị bệnh. Chúng tôi thực sự hy vọng mọi người trên toàn thế giới được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng như ở Cuba”.
Trong điều kiện còn muôn vàn khó khăn nhưng nền y tế Cuba vẫn được đánh giá thuộc tốp đầu của thế giới. Một trong những đột phá lớn nhất của các nhà khoa học Cuba là điều chế thành công vắc xin điều trị ung thư phổi Cimavax. Loại thuốc này do Trung tâm miễn dịch học phân tử Havana phát triển và đưa vào liệu trình điều trị từ năm 2011. Chi phí sản xuất Cimavax không được tiết lộ nhưng chắc chắn rẻ hơn các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay.
Theo tờ The New York Times, tác dụng chính của Cimavax là kiềm chế sự phát triển của khối u, không cho di căn hay tái phát. Vắc xin này kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể gắn vào E.G.F, một protein phát triển của tế bào ung thư, từ đó ngăn không cho bệnh diễn tiến xấu. Các bác sĩ Cuba cho biết vì rất khó có thể trị dứt điểm ung thư nên tốt nhất là dùng vắc xin kiểm soát khối u và biến bệnh thành một dạng mãn tính, kết hợp với các phương pháp dinh dưỡng, cải thiện lối sống để bệnh nhân có thể “sống chung với lũ”.
Cuba được đánh giá là vùng đất hứa mới cho các công du lịch Mỹ nhờ số lượng du khách nước này đến đảo quốc Caribê được dự đoán tăng gấp bảy lần vào năm 2025.
Trường hợp điển hình là bà Lucrecia de Jesus Rubillo, 65 tuổi, ở thủ đô Havana. Hồi tháng 9.2016, bác sĩ phát hiện bà mắc ung thư phổi giai đoạn 4 đã di căn. Kể cả ở những nước có nền y học tiên tiến thì trường hợp tương tự như bà Rubillo chỉ có thể sống tối đa thêm vài tháng. Tuy nhiên, nhờ kết hợp xạ trị và tiêm Cimavax, bà hiện thậm chí có thể tự leo cầu thang bộ lên tầng 5. “Tôi vô cùng hạnh phúc và vẫn sắp xếp kế hoạch cho tương lai chứ không phải ngồi chờ chết. Tôi đang tính đi Tây Ban Nha thăm con”, BBC dẫn lời bà Rubillo.
Bác sĩ Elia Neninger tại Bệnh viện Hermanos Ameijeiras (Havana) từng điều trị cho hàng trăm bệnh nhân bằng Cimavax cho biết: “Tôi có những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn 4 vẫn đang sống dù đã 10 năm kể từ lúc phát hiện bệnh”. Tuy nhiên, bà cũng khuyến cáo Cimavax không phải hiệu quả với tất cả mọi người. Trong quá trình thử nghiệm, khoảng 20% bệnh nhân không có phản ứng tích cực với thuốc, thường là do bệnh tiến triển quá nhanh hoặc có liên quan đến các bệnh khác.
Người Mỹ lách luật
Từ cuối năm 2016, Viện Ung thư Roswell Park tại bang New York (Mỹ) đã ký văn bản hợp tác với Trung tâm miễn dịch học phân tử Havana và được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ cấp phép để đưa Cimavax vào thử nghiệm lâm sàng ở New York. Tuy vậy, quá trình thử nghiệm có thể kéo dài vài năm và nhiều bệnh nhân ung thư phổi không thể chờ đợi. Thế là họ bất chấp các quy định để tìm cách sang Cuba điều trị hoặc mua thuốc, theo The New York Times.
Bà Judy Ingels, 74 tuổi, vừa trở về California sau chuyến đi Havana mua Cimavax. Được chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 4 vào tháng 12.2015, bà chia sẻ “đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy thật sự hy vọng”. Chi phí chuyến đi 6 ngày của gia đình, bao gồm cả tiền mua vắc xin đưa về Mỹ là 15.000 USD. Ông Bill Ingels, chồng bà Judy, cho biết khi giới chức Mỹ hỏi lý do sang Cuba, ông bà trả lời là đi vì mục đích giáo dục. “Cũng đúng thôi, chúng tôi sang đó học về ung thư và dược phẩm”, ông mỉm cười nói với BBC. Bà Zuby Malik, 78 tuổi, cho biết kể từ khi dùng Cimavax, bà đỡ khó thở hơn và cảm thấy có lại năng lượng. Tương tự, ông Mick Phillips, 69 tuổi, ở bang Wisconsin, đến Cuba lần đầu vào năm 2012 và hằng năm vẫn đi đi về về. “Không có Cimavax có lẽ tôi đã chết”, ông nói.
Theo The New York Times, phần lớn bệnh nhân Mỹ lách luật bằng cách bay sang một nước thứ ba như Canada rồi mới tới Cuba mua Cimavax hoặc khai đi vì mục đích trao đổi giáo dục. Có thể nhân viên hải quan cũng thông cảm nên đến nay chưa có báo cáo nào ghi nhận vắc xin bị chặn lại ở sân bay. Thậm chí trên một diễn đàn chuyên về chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi với 53.000 thành viên còn chia sẻ cách đến Cuba mua thuốc về Mỹ.