29/11/2024

Cuộc truy tìm ‘tử huyệt’ tàu sân bay Mỹ

Trung Quốc không bỏ qua cơ hội khai thác điểm yếu của tàu sân bay Mỹ để phát triển năng lực hải quân của mình.

 

Cuộc truy tìm ‘tử huyệt’ tàu sân bay Mỹ

Trung Quốc không bỏ qua cơ hội khai thác điểm yếu của tàu sân bay Mỹ để phát triển năng lực hải quân của mình.




Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ  /// US Navy

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của MỹUS NAVY

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây nói rõ tham vọng đưa hải quân nước này lên tầm đẳng cấp thế giới. Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo này nhấn mạnh xây dựng hải quân mạnh và hiện đại là dấu ấn quan trọng của một nền quân sự hàng đầu, đồng thời khẳng định đây là điểm then chốt để Trung Quốc trở thành cường quốc biển. Để hiện thực hoá tham vọng ấy, Bắc Kinh đang ra sức vươn ra biển lớn thông qua việc phát triển vũ khí hải quân có khả năng làm “đối thủ xứng tầm” với “át chủ bài” của các cường quốc khác, trong đó có tàu sân bay Mỹ. Theo The National Interest, các chuyên gia quân sự Bắc Kinh thời gian qua đã cố gắng truy tìm “tử huyệt” của tàu sân bay Mỹ mà người Pháp từng chiếm lĩnh để phục vụ kế hoạch này.
“Bí kíp” thất lạc
Vào tháng 3.2015, truyền thông Pháp và các chuyên trang quân sự đồng loạt dẫn lại thông tin gây sốc đăng trên trang web của Bộ Quốc phòng lẫn hải quân nước này về cuộc tập trận chung Pháp – Mỹ tại vùng biển ngoài khơi bang Florida. Theo đó, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Saphir S602 thuộc lớp Rubis của Pháp tham gia tập trận hồi giữa tháng 2.2015 cùng nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ do hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt dẫn đầu. Nhóm này còn bao gồm một số tuần dương hạm lớp Ticonderoga, khu trục hạm lớp Arleigh Burke và một tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles. Một trong những mục đích chính là kiểm tra năng lực của USS Theodore Roosevelt sau 4 năm nâng cấp với tổng chi phí 2,6 tỉ USD.
Cuộc truy tìm 'tử huyệt' tàu sân bay Mỹ - ảnh 1

Tàu sân bay Saphir của PhápBỘ QUỐC PHÒNG PHÁP

Theo trang The Aviationist, kịch bản diễn tập giả định một số thế lực tấn công các cơ sở của Mỹ và nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đứng mũi chịu sào đối đầu với lực lượng thù địch. Tàu ngầm Saphir được phân công vào nhóm thù địch với sứ mệnh là định vị và quấy phá tàu Theodore Roosevelt cũng như các chiến hạm hộ tống. Điều bất ngờ là dù siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ có tầng tầng lớp lớp hộ vệ, tàu ngầm Saphir vẫn âm thầm lướt qua lớp phòng thủ trị giá hàng tỉ USD để áp sát. Khi lệnh tấn công được đưa ra, Saphir dễ dàng phóng ngư lôi đánh đắm nhiều tàu hộ tống và hạ luôn USS Theodore Roosevelt. Chi tiết về cách thức Saphir tấn công không được công bố, nhưng các thông tin sơ lược cũng đủ để chứng minh hệ thống phòng thủ dưới nước của tàu sân bay Mỹ không phải là không thể xuyên thủng, theo RT.
 
 
Vụ Saphir “hạ gục” USS Theodore Roosevelt không phải là lần đầu tiên một tàu ngầm nước ngoài “đánh chìm” tàu sân bay Mỹ khi tập trận. Trang Foxtrot Alpha tiết lộ vào năm 2004, tàu ngầm Thuỵ Điển Gotland đã “kết liễu” nhiều tàu ngầm hạt nhân tấn công, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu tên lửa của Mỹ. Gotland thậm chí còn tiếp cận được cả “vùng đỏ” nằm sâu trong vòng phòng thủ chống ngầm cuối cùng của một nhóm tàu sân bay tấn công. Tàu ngầm này được cho là đã tập trận với nhiều siêu tàu sân bay của Mỹ. Trong một cuộc tập trận quy mô lớn với USS Ronald Reagan, nó thực hiện nhiều đợt tấn công nhắm vào siêu tàu sân bay và thậm chí “âm thầm rút lui thành công mà không bị phát hiện”.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận tàu ngầm là mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với tàu sân bay của họ. Chính điều này khiến Mỹ phải để tâm đến năng lực tàu ngầm cũng như khả năng đối phó loại tàu này của Trung Quốc, đặc biệt sau các vụ tàu ngầm Trung Quốc tiếp cận, thậm chí phóng ngư lôi mô phỏng nhằm vào tàu sân bay Mỹ. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc quốc hội Mỹ về chương trình hiện đại hoá hải quân Trung Quốc và các tác động đối với năng lực hải quân Mỹ công bố ngày 12.5, quân đội Mỹ đánh giá hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm đã được quân đội Trung Quốc đặt làm ưu tiên hàng đầu. Nhiều tàu ngầm mới của Trung Quốc được cho là phần nào đạt công nghệ im lặng khi di chuyển và có năng lực tấn công tốt.

 

Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, bài viết về cuộc tập trận trên đã nhanh chóng biến mất khỏi trang mạng của Bộ Quốc phòng Pháp. Giới chức Pháp và Mỹ không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Dẫu vậy, những đồn thổi về việc tàu ngầm Pháp đã tìm ra “tử huyệt” của hạm đội tàu sân bay Mỹ vẫn thu hút sự quan tâm lớn từ Trung Quốc, khiến họ truy tìm “bí kíp bị thất lạc” này và bàn tán về năng lực của tàu sân bay Mỹ.

Khắc tinh tàu sân bay
Cũng trong năm 2015, tạp chí Khoa học kỹ thuật công nghiệp quân sự của Trung Quốc dành hẳn số đặc biệt để phân tích về “chiến tích” của tàu Saphir, phỏng vấn Giáo sư Trì Quốc Thương thuộc Học viện Tàu ngầm Trung Quốc. Trong bài phỏng vấn, ông Trì nhận định hệ thống tác chiến chống ngầm (ASW) của Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào năng lực của radar phát hiện tàu ngầm trên hoặc gần mặt nước. Hệ thống này có thể đặc biệt hiệu quả khi đối phó với các tàu ngầm điện – diesel, nhưng khi đối đầu với các tàu ngầm hạt nhân chạy cực êm và lặn sâu thì sẽ không khác gì “mò kim đáy bể”, The National Interest dẫn lời ông Trì.
Chuyên gia tàu ngầm Trung Quốc cũng cho rằng nhóm tàu sân bay càng lớn thì càng dễ bị phát hiện và theo dõi từ xa. Việc triển khai ASW với một nhóm tàu lớn cũng đồng thời tạo ra lỗ hổng tai hại khác giúp tàu ngầm đối phương dễ dàng tẩu thoát sau khi tấn công. Việc nhiều tàu thành viên đồng loạt triển khai ASW sẽ gây rối loạn môi trường thủy âm, cản trở nỗ lực săn lùng tàu ngầm đối phương.
Theo ông Trì, mặc dù “không thể so sánh diễn tập với thực chiến” và ASW của Mỹ vốn rất hiệu quả, nhưng báo cáo của Pháp vẫn “có độ khả tín cao” và sẽ giúp kiểm tra những lập luận của ông, từ đó giúp hiểu rõ quan điểm hiện nay của Trung Quốc về việc tận dụng tàu ngầm hạt nhân trong chiến tranh hải quân hiện đại. Phát biểu này cho thấy Trung Quốc đặc biệt quan tâm tìm kiếm các thông tin chi tiết cuộc tập trận của tàu Saphir.
Ngoài ra, ông Trì nhấn mạnh yếu tố lượng giãn nước nhỏ đã giúp tàu ngầm Pháp thoát khỏi lưới radar chống ngầm của nhóm tàu sân bay Mỹ. Ông cũng cho biết, Pháp đang sở hữu các tàu ngầm hạt nhân lớp Rubis có kích thước vào hàng nhỏ nhất thế giới (lượng giãn nước 2.670 tấn), do đó các hệ thống săn ngầm sẽ khó phát hiện hơn. Trong khi đó, tàu ngầm lớp Los Angeles (Mỹ) được dùng để bảo vệ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt lại có lượng giãn nước lớn gấp ba lần tàu ngầm Pháp, khiến tàu ngầm Mỹ gặp bất lợi, nhất là trong tình huống thủy thủ đoàn hai phe đều có khả năng tác chiến thành thạo.
Đây không phải lần đầu các chuyên gia tàu ngầm Trung Quốc đánh giá cao tàu ngầm có lượng giãn nước nhỏ của Pháp. Họ cho rằng các tàu ngầm này có thể đặc biệt thích hợp cho việc triển khai ở các vùng biển nông của Tây Thái Bình Dương, theo The National Interest. Những phân tích ông Trì cho thấy giới chuyên gia quân sự Trung Quốc đang cố gắng tìm hiểu các “tử huyệt” của hệ thống vũ khí hải quân Mỹ nhằm khiến siêu cường quân sự này phải nể sợ.


 

Ngọc Mai