11/11/2024

NHÂN SỰ IT TIỀM ẨN “BONG BÓNG” Kỳ 1: Tăng trưởng “nóng”, lương IT tăng vọt

Liên tiếp những báo cáo gần đây của các công ty tư vấn nhân sự đều cho thấy thị trường nhân lực IT Việt đang “khát tột đỉnh”.

 NHÂN SỰ IT TIỀM ẨN “BONG BÓNG”

Kỳ 1: Tăng trưởng “nóng”, lương IT tăng vọt

 Liên tiếp những báo cáo gần đây của các công ty tư vấn nhân sự đều cho thấy thị trường nhân lực IT Việt đang “khát tột đỉnh”.

 

 

 

Kỳ 1: Tăng trưởng “nóng”, lương IT tăng vọt
Các công ty khởi nghiệp công nghệ hiện rất “khát” nhân lực IT có kiến thức vững, trung thành. Trong ảnh: Công ty SetechViet của bạn Đoàn Thiên Phúc – Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016 – Ảnh: T.P.

Chẳng hạn báo cáo quý 1-2017 của hãng tuyển dụng Vietnamworks lẫn công ty tư vấn nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search đều cho biết nhu cầu tuyển dụng ngành IT đang ở mức cao nhất, luôn đứng đầu bảng xếp hạng. Tuy nhiên, song song đó, đang có nhiều cảnh báo được phát ra từ các công ty tư vấn nhân sự, doanh nghiệp lẫn nhà trường.

Mức lương “nhảy múa”, “nhảy việc” vô tư

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Vũ Anh Tuấn (tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, giám đốc Công ty TNHH Ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung) cho biết tình trạng trên hiện rất phổ biến: “Thu nhập khối IT đang rất “ảo”.

Trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ giám đốc điều hành (CEO) của Công viên phần mềm Quang Trung gần đây, các CEO không ngừng than phiền về việc nhiều nơi sẵn sàng trả mức lương cao gấp rưỡi, gấp đôi để “chiêu dụ” nhân lực của họ. Ngay cả một số nhân viên mà các CEO này đang muốn cho thôi việc vì không đáp ứng được yêu cầu vẫn được mời qua công ty khác với mức lương rất tốt”.

TS Trần Việt Hùng (sáng lập viên ứng dụng triệu đô GotIt!, một trong những công ty khởi nghiệp Việt tại Mỹ) có cùng nhận định: “Nhu cầu tăng cao đối với kỹ sư phần mềm dẫn tới mức lương của họ bị đẩy lên cao vút, khiến thị trường bị “loạn”. Tại GotIt! chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp này. Mặc dù chúng tôi sẵn sàng trả xứng đáng với năng lực của các bạn, tuy nhiên nhiều khi vẫn bị sốc khi nghe mức lương đề nghị từ một số ứng viên”.

Những công ty có tầm đã khó khăn là vậy, tình trạng giữ chân nhân lực IT ở các công ty khởi nghiệp vừa và nhỏ càng “bi thảm” hơn vì không có đủ tiềm lực tài chính. Bà Nguyễn Phương Mai (CEO Navigos Search) cho biết hiện mức lương lao động cấp trung khối IT trung bình 2.000 – 3.000 USD/tháng, cấp giám đốc dao động 3.000 – 5.000 USD/tháng.

Sinh viên mới ra trường đến lao động có hai năm kinh nghiệm mức lương tối đa 800 USD/tháng. Mảng phần mềm (bao gồm phát triển sản phẩm và gia công phần mềm) tăng mạnh nhất cả về nhu cầu tuyển dụng và lương. Bà Mai cũng tiết lộ năm 2016, có những doanh nghiệp áp dụng chính sách thưởng khối IT lên đến 7 tháng lương/năm.

Có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, bà Vũ Thị Thu Hiền (giám đốc tuyển dụng nhân sự cấp cao Công ty tuyển dụng HR2B) khẳng định nhu cầu về nhân lực IT trong các năm gần đây tăng đáng kể, đặc biệt nhu cầu lao động mảng gia công phần mềm tăng liên tục…

Theo bà Hiền, mức tăng lương trung bình năm sau so với năm trước của các ngành nghề sẽ trong khoảng 8-15%. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực khối IT tăng cao nên mức tăng lương của họ cao hơn hẳn, với những trường hợp được “săn đón” thì khi “nhảy việc”, mức lương mới của họ có thể chênh với mức cũ đến 30-50%.

Doanh nghiệp than, trường thở dài

Ông Hoàng Quốc Việt (CEO ứng dụng TeraApp) cho biết một thực tế: “Khi ứng tuyển vào công ty tôi, nhiều bạn đòi 500 – 600 USD/tháng trong khi năng lực rất thường, kiến thức mỏng về lập trình. Thậm chí năm vừa rồi tôi cho nghỉ việc một số bạn do lúc đầu nhận vào tôi dự định đào tạo lại họ, nhưng nền tảng của các bạn chưa đủ nên việc này thất bại. Có một số bạn dù tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng cũng không khá hơn là mấy”.

Gương mặt khởi nghiệp được bầu chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2016 Đoàn Thiên Phúc (CEO Công ty SetechViet) chia sẻ qua các buổi phỏng vấn nhân sự mới cho công ty cũng như giảng dạy cho các bạn sinh viên khối ngành IT, ông thấy một bộ phận không nhỏ các bạn ngành IT mất đi yếu tố rất quan trọng trong ngành là khả năng tự học hỏi và đào sâu kiến thức.

Phần lớn các bạn chỉ biết công nghệ bề mặt, làm theo chỉ dẫn rõ ràng thì được nhưng để phát triển kiến trúc hạ tầng của một hệ thống đơn giản thì lại làm không được.

Trong khi đó, ThS Văn Chí Nam (giảng viên khoa CNTT – trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết điều khiến khoa “đau đầu” là mục tiêu tốt nghiệp của các sinh viên giờ là “càng sớm càng tốt” thay vì “càng chắc càng tốt”, mà như vậy nền tảng kiến thức của các bạn khó thể vững chắc.

Ông nêu ví dụ là số lượng sinh viên chọn thực hiện kh luận tốt nghiệp ngày càng giảm đến mức khoa phải tổ chức hai kỳ bảo vệ kh luận/năm thay vì một lần/năm như trước đây, trong khi khoá luận là cách giúp các bạn tổng hợp được các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu, giải quyết vấn đề và nhiều kỹ năng khác…

ThS Lâm Quang Vũ (phó trưởng khoa CNTT Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM) cho biết so với trước đây, năng lực của sinh viên khoa và một số trường hiện nay không giảm (đầu vào thậm chí tốt hơn vì ngành IT đang “hot”, điểm chuẩn tăng, chương trình đào tạo các trường thường xuyên cập nhật, các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp trong nhà trường cũng phát triển hơn…) nhưng động cơ học tập, nâng cao năng lực chuyên môn ở các bạn không cao như trước do được săn đón quá nhiều.

“Chính thị trường tạo ra những giá trị ảo cho các sinh viên” – ông Vũ khẳng định.

Doanh nghiệp chế tạo robot Nhật Bản khát nhân lực

Theo Hãng tin Nikkei (Nhật Bản), tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực chế tạo robot đang khiến hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp của nước này chủ động mở rộng quy mô tuyển dụng ra nước ngoài.

Hãng Rapyuta Robotics có trụ sở tại Tokyo chuyên chế tạo công nghệ điều khiển máy bay không người lái. Giám đốc điều hành của công ty, Gajan Mohanarajah, cho biết công ty ông không thể tìm đủ nhân sự có kỹ năng đáp ứng được nhu cầu công việc hiện tại. Trong số 35 nhân viên của Rapyuta Robotics có tới 70% công dân Mỹ, châu Âu và Ấn Độ.

Theo dữ liệu thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản, số chuyên gia nước ngoài làm việc tại Nhật Bản đang ngày càng tăng.

Cụ thể số người nước ngoài được cấp cơ chế cư trú đặc biệt, như các kỹ sư và các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ nhân đạo và quốc tế, đã vượt mốc 200.000 người trong năm 2016, chiếm 18% trong tổng số công dân nước ngoài hiện sống tại Nhật. Các kỹ sư chiếm khoảng 30% tổng số chuyên gia.

Một công ty robot khởi nghiệp khác là Mujin có trụ sở tại Tokyo cũng là nơi có môi trường làm việc được “quốc tế hoá” đáng kể. Đây là công ty chuyên phát triển các thiết bị điều khiển cho những robot công nghiệp được sử dụng tại các trung tâm phân phối và các nhà máy.

Nhiều kỹ sư về công nghệ robot lựa chọn làm việc tại Nhật Bản một phần vì sự khác biệt trong quan niệm ứng xử với robot giữa Mỹ và Nhật Bản. Mặc dù ở Mỹ chế tạo robot là một ngành được quan tâm nhiều, nhưng doanh nghiệp có xu hướng ngần ngại áp dụng robot vào dây chuyền sản xuất vì lo nguy cơ việc làm của nhiều lao động. Trong khi đó ở Nhật Bản, doanh nghiệp bớt “kỳ thị” với robot hơn.

D.KIM THOA

““Cuộc chiến” giành nhân tài càng xảy ra khốc liệt thì giới quản lý càng có cơ hội tôi luyện các kỹ năng quan trọng, chẳng hạn như tư duy chiến lược trong việc giữ chân 
nhân tài

Bà LÊ THỊ ĐOAN TRINH (giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dịch vụ giao hàng nhanh)
CÔNG NHẬT