15/11/2024

Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn

Ngày 22.5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND tỉnh về việc đề nghị xây dựng nghị quyết quy định ‘Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất sản xuất kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020’.

 

Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn

Ngày 22.5, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thường trực HĐND tỉnh về việc đề nghị xây dựng nghị quyết quy định ‘Chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất sản xuất kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020’.




Trồng ớt cho thu lãi gần 100 triệu đồng/ha so với trồng lúa trên vùng đất thiếu nước tưới /// Ảnh: Hiển Cừ

Trồng ớt cho thu lãi gần 100 triệu đồng/ha so với trồng lúa trên vùng đất thiếu nước tướiẢNH: HIỂN CỪ

Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi dự kiến hơn 8.220 ha, kinh phí thực hiện trên 23,7 tỉ đồng. Các loại đất sản xuất khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi gồm: đất trồng lúa thường xuyên thiếu nước, sản xuất bấp bênh, năng suất thấp dưới 50 tạ/ha; các loại đất bằng và đất có độ dốc dưới 10 độ đang trồng keo chuyển sang trồng cỏ hoặc các loại cây trồng ngắn ngày khác. Các loại cây trồng khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi gồm: bắp lai, đậu phộng, rau đậu các loại, mè, cỏ phục vụ chăn nuôi.
Phương thức hỗ trợ trực tiếp bằng hạt giống cho người sản xuất thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất sản xuất kém hiệu quả. Cụ thể: bắp lai hỗ trợ 20 kg/ha; đậu các loại 20 kg/ha; mè 6 kg/ha; rau, đậu thực phẩm các loại không quá 2 triệu đồng/ha; giống cỏ chăn nuôi không quá 4 triệu đồng/ha. Đối với các huyện đồng bằng và TP.Quảng Ngãi: ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện, TP hỗ trợ 30%; các huyện miền núi: ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đề ra một số giải pháp thực hiện chính sách như: khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào vùng quy hoạch chuyển đổi; đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm; tổ chức liên kết trong sản xuất, liên kết nông dân với nông dân thành vùng hàng hoá, liên kết nông dân với hợp tác xã, với doanh nghiệp để cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân tiếp cận, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, tạo sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ, giảm bớt các khâu trung gian…
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trong những năm qua, việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh còn chậm, diện tích đất sản xuất phân tán, manh mún, hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc chuyển đổi rất hạn chế, chưa có hệ thống thu mua, bao tiêu sản phẩm, sản phẩm tiêu thụ thô, chưa qua chế biến, đầu ra bấp bênh nên thường xuyên diễn ra điệp khúc “được mùa, mất giá”, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý khiến nông dân ngại chuyển đổi. Do vậy, việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất sản xuất kém hiệu quả là hết sức cần thiết nhằm mục đích vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất vừa duy trì quỹ đất trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần giảm nghèo và làm giàu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Hiển Cừ