‘Vua’ chim trĩ trên đất đồi trung du
Tốt nghiệp ĐH, Trần Minh Thiệp (31 tuổi, thôn Cẩm Lãnh, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) khám phá các tỉnh phía Bắc nhiều tháng trời, tìm hiểu cách nuôi chim trĩ.
‘Vua’ chim trĩ trên đất đồi trung du
Tốt nghiệp ĐH, Trần Minh Thiệp (31 tuổi, thôn Cẩm Lãnh, xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) khám phá các tỉnh phía Bắc nhiều tháng trời, tìm hiểu cách nuôi chim trĩ.
Anh Trần Minh Thiệp bên trang trại chim trĩ của mình – Ảnh: VIỆT HÙNG |
Nuôi chim không chỉ để kiếm tiền mà phải đam mê, quý trọng và có trách nhiệm với nó. Ngoài ra, bản thân không ngại khó, phải có sức bền, chậm mà chắc mới theo đến cùng cái đích mình hướng đến được |
TRẦN MINH THIỆP |
Anh đã biến đồi đá núi khô cằn trung du thành trang trại nuôi chim trĩ khang trang, hằng năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bán xe, phiêu du đất Bắc học nuôi chim
Thiệp tốt nghiệp khoa văn hoá du lịch Trường ĐH Quảng Nam. Ngày nhận bằng ĐH về nhà, cha mẹ anh mừng vui khôn tả, mong con với tấm bằng này sẽ tìm kiếm một nghề để sống.
Thế nhưng chàng trai sinh ra ở đồi núi trung du Tiên Phước ấy lại có một quyết định làm cho cả nhà “té ngửa”: “Con sẽ nuôi chim trĩ, ít bữa nữa con đi ra Bắc học hỏi kỹ thuật nuôi chim”.
Nghe vậy, cha anh quát: “Mày điên à, nuôi gì không nuôi lại chọn động vật hoang dã để nuôi”. Nhưng anh nhất quyết thực hiện ấp ủ của mình.
Thiệp lý giải rằng lúc nhỏ rất yêu các loài động vật hoang dã ở rừng, đặc biệt là loài chim. Trong những năm tháng ĐH, anh liên tục lên mạng nghiên cứu loài trĩ, một loài chim rất đẹp. Và từ đó niềm đam mê nuôi loài vật này cứ ăn sâu vào trong máu của anh.
Những ngày sau đó, Thiệp kêu người tới bán chiếc xe tay ga của mình được 45 triệu đồng, đón xe ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, tìm đến các trang trại nuôi chim trĩ học hỏi kinh nghiệm.
“Mình tới đó xin họ ở lại, cả ngày nhìn cách chăm sóc, ấp trứng chim trĩ riết rồi cũng biết chút ít” – Thiệp kể lại. Và cứ thế Thiệp lân la xin ở lại hết trang trại này đến trang trại khác trong gần ba tháng để tìm hiểu cách nuôi chim.
Trở về quê nhà, việc đầu tiên Thiệp làm là xin giấy phép nuôi chim trĩ từ hạt kiểm lâm. Vì lúc này ở tỉnh chưa có mô hình nuôi chim trĩ bởi đây là động vật hoang dã nằm trong sách đỏ, nên việc xin giấy phép của Thiệp cũng phải ngốn gần một tháng mới xong.
Sau khi có giấy phép, Thiệp đặt mua từ Hà Nội khoảng 50 con chim trĩ giống, mỗi con nặng 1kg đem về quê nuôi. Thiệp đã nài nỉ cha mẹ cầm sổ đỏ nhà vay ngân hàng gần 100 triệu đồng xây dựng ba khu chuồng trại trên 1ha đất đồi đá nhà mình và nhập thêm chim về để nuôi.
“Lúc đầu làm chuồng, sợ thuê thợ tốn thêm tiền nên mình và những người thân trong nhà vác từng hòn đá, bao ximăng lên đồi núi xây chuồng” – Thiệp kể.
Ngoài ra, anh cũng mạnh dạn mua thêm ba máy ấp trứng gần 20 triệu đồng để ấp trứng bán. Mới bước đầu nuôi còn bỡ ngỡ, chim giống chết gần một nửa. Nhưng sau dần dà rồi cũng quen, tỉ lệ chim chết hiện nằm trong tầm kiểm soát của anh, tỉ lệ ấp trứng của anh cũng khá cao.
Không ngại khó
Thiệp kể những cái khó trong lúc chăn nuôi như chim trĩ thuộc động vật rừng chưa được thuần nên chuồng trại phải làm kỹ, nếu không trật ra ngoài sẽ bay đi mất. Ngoài ra, chim trĩ đẻ không ấp, tỉ lệ phôi trứng không cao (khoảng 50%). Nhưng ưu điểm của nó là có ngoại hình đẹp, thức ăn dễ nuôi, thị trường ổn định…
Hiện trang trại của anh có 100 cặp chim trĩ bố mẹ để đẻ và nhiều loài khác như gà Đông Tảo, vịt. Ngoài ra, anh còn kiếm thêm thu nhập mỗi tháng từ việc ấp trứng gà, vịt.
Anh kết hợp với những thanh niên khác làm trang trại, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cung cấp con giống, tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện ở 18 huyện của tỉnh thì anh có 18 trang trại như vậy.
Thiệp truyền kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi và cung cấp giống; khi chim lớn, những trang trại ấy sẽ chuyển sản phẩm lại cho Thiệp tìm đầu ra. “Chăn nuôi rất nhiều rủi ro, vì vậy mình phải có một chiến lược dài hơi như vậy. Nếu trang trại của mình không may xảy ra dịch bệnh, chim chết hết, mình sẽ không rơi vào cảnh trắng tay mà còn có những trang trại khác cung cấp lại giống cho mình” – Thiệp chia sẻ.
“Thiệp có bản lĩnh, không ngại khó và truyền kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cho anh em tận tình, tâm huyết nên ai cũng quý anh ấy! Mọi người còn gọi vui anh ấy là “vua chim trĩ” trên đồi núi nữa đó” – anh Nguyễn Văn Sơn (quê huyện Bắc Trà My), một người được anh Thiệp cung cấp giống và kỹ thuật nuôi chim trĩ, kể.
Không dừng ở đó, tận dụng địa hình đồi núi và suối, ruộng bậc thang rất thơ mộng ở trang trại của mình, vợ chồng anh Thiệp đang hoàn tất những khâu cuối cùng để cho ra đời một mô hình khu du lịch sinh thái. Khu du lịch này sẽ phục vụ khách vừa nghỉ mát, ngắm những chú chim trĩ và thưởng thức thịt của nó tại nhà hàng.
Sản phẩm tiêu biểu Mới đây, mô hình trang trại nuôi chim trĩ của Thiệp được huyện Tiên Phước chọn làm sản phẩm tiêu biểu tại hội chợ nông nghiệp huyện. Anh còn cùng với một số cán bộ xã Tiên Cẩm đang nghiên cứu, xúc tiến thành lập một hợp tác xã hỗ trợ nông dân chăn nuôi, đặc biệt là chim trĩ. Anh từng được Tỉnh đoàn Quảng Nam trao chứng nhận thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, UBND tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tỉnh. |