Loay hoay chống thuốc lá lậu
Trong khi buôn lậu thuốc lá vẫn tung hoành, thuốc lá lậu lại đang có cơ hội được “chính thức hoá” ở thị trường nội địa. Cùng với đó là nỗi lo doanh nghiệp ngoại sẽ tăng cường tiếp tay buôn lậu thuốc lá.
Loay hoay chống thuốc lá lậu
Trong khi buôn lậu thuốc lá vẫn tung hoành, thuốc lá lậu lại đang có cơ hội được “chính thức hoá” ở thị trường nội địa. Cùng với đó là nỗi lo doanh nghiệp ngoại sẽ tăng cường tiếp tay buôn lậu thuốc lá.
Sắp tới có thể sẽ không tiêu hủy thuốc lá lậu nữa, mà cho bán đấu giá tiêu thụ nội địa. Trong ảnh: cơ quan chức năng tiêu hủy thuốc lá lậu – Ảnh: AN LONG |
Hiệp hội Thuốc lá VN có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu thay vì bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất. Trong khi đó, tình trạng buôn lậu thuốc lá nói mãi nhưng hiện vẫn rất tấp nập.
Bức xúc kho thuốc sát VN
An Giang đang bước vào mùa du lịch năm 2017, khách thập phương đổ về tấp nập, TP Châu Đốc mùa này phương tiện lưu thông trên đường đông hơn hẳn bình thường.
Tuy nhiên, điều này dường như chẳng làm bận tâm những tay nài chở thuốc lá lậu. Những chiếc xe máy không biển số chở những bao xanh bịt kín vẫn rú ga ầm ĩ trên tuyến đường.
Vẫn cách thức cũ, cứ vài xe đi một nhóm, 10 phút sau lại một nhóm khác lạng lách, đánh võng…
Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, hiện nay phía ngoại biên đối diện có tới 26 kho hàng chứa thuốc lá lậu chờ chuyển vào VN. Cơ quan chức năng đã nắm rõ địa điểm nhưng vẫn gặp khó.
Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu cũng ngày càng “kinh nghiệm” hơn, thường chuyển theo từng đoạn đường, liên tục thay đổi phương tiện và địa điểm nhận hàng, đặc biệt thường để thuốc lá ở các khu đất trống, cử người canh giữ và giao nhận. Khi bị phát hiện thì sẵn sàng bỏ tang vật để chạy.
Ở Long An, tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu cũng bắt đầu nóng trở lại. Những cung đường từ các xã Lộc Giang (Đức Hoà), Mỹ Quý Tây (Đức Huệ) xuôi theo tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 9 về TP.HCM sau các đợt cao điểm lại tấp nập nài vận chuyển thuốc lá lậu.
Quy định cứ xung đột mãi
Trong khi thuốc lá lậu đang ngày đêm chảy vào nội địa, những bất cập liên quan đến phòng chống buôn lậu thuốc lá vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Tháng 9-2016, trong công văn về công tác chống buôn lậu thuốc lá gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng “rắc rối” đầu tiên là việc xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm hay là hàng kinh doanh có điều kiện.
Rồi quy định căn cứ để xử lý hình sự tại các quy định cứ vênh nhau, chỗ nói buôn lậu 500 bao có thể khởi tố (có nghị định nhưng 2 năm chưa có văn bản hướng dẫn), chỗ nói phải 1.500 bao.
Bộ luật hình sự 2015 cũng thay đổi căn cứ xử lý hình sự đối với các tội danh liên quan đến buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu, từ căn cứ vào số lượng bao thuốc lá (trên 1.500 bao) sang căn cứ theo giá trị (trên 100 triệu đồng).
Điều này dẫn đến nguy cơ xử lý hình sự với buôn lậu thuốc lá hầu như không thể thực hiện được, vì không có căn cứ pháp lý xác định giá thuốc lá lậu. Trong khi đó, 100 triệu đồng có thể tương đương hơn 6.000 bao thuốc lá lậu.
Điều này khiến gần 70 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu từ 500 bao trở lên do lực lượng chức năng An Giang bắt trong ba tháng đầu năm 2017 đến nay chưa thể xử lý được, trong đó có 19 vụ đã quá thời hạn xử lý.
Còn tính từ đầu năm 2016, ở Cần Thơ đang tồn đọng hơn 20 vụ tương tự, Long An còn 23 vụ…
Tranh cãi việc cho đấu giá thuốc lá lậu
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương và UBND hai tỉnh Long An và An Giang, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về đề án tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.
Theo đó, nếu thuốc lá lậu phát hiện là thuốc giả, không đảm bảo chất lượng sẽ tiêu hủy.
Với loại còn chất lượng, sẽ thí điểm theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất. Sẽ chỉ cho phép tái xuất qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Ông Nguyễn Xuân Hồng – phó giám đốc Sở Công thương Long An – đồng tình với chủ trương trên vì cho rằng việc tiêu huỷ thuốc lá lậu vô hình trung góp phần tiêu thụ nhanh hơn thuốc lá của các nhà máy ở nước ngoài.
Trong khi đó, khi tái xuất sẽ thu được bình quân 6.000 đồng/bao, giúp bổ sung kinh phí chống buôn lậu.
Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn và Tổng công ty Khánh Việt (Khánh Hoà) lại có văn bản gửi các bộ ngành chỉ ra bất cập trong việc cho tiêu thụ nội địa cũng như tái xuất thuốc lá lậu: quy chuẩn nào để xác định thuốc lá lậu còn chất lượng hay không.
Khoảng 80% thuốc lá lậu vào VN là Jet và Hero, nhưng các nước trên thế giới hầu như không dùng dòng sản phẩm này. Do đó việc tái xuất hàng có nguy cơ quay lại VN.
Đặc biệt, đại diện các công ty cho rằng hiện nay thuốc lá trong nước chịu rất nhiều khoản thuế, quỹ như: thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, quỹ phòng chống tác hại thuốc lá…
Do đó nếu cho tiêu thụ thuốc lá lậu, các doanh nghiệp kiến nghị không thu các khoản thuế, phí trên với doanh nghiệp trong nước!
Đại diện Hiệp hội Thuốc lá VN cũng cho rằng việc thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa thuốc lá lậu là chưa phù hợp với các quy định.
Như Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã quy định rất rõ nhiều chi tiết về nhãn, tem, mã vạch, ngày sản xuất…
Quan trọng hơn là các loại thuốc lá lưu hành trên thị trường hiện nay phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thuốc lá.
Trong khi đó, các loại thuốc lá nhập lậu không đảm bảo được điều kiện này, nếu cho lưu thông trên thị trường là chưa tương thích với luật, sẽ tạo khoảng chênh giữa hai loại thuốc.
Thuốc lá lậu ẩn chứa chất độc hại Theo báo cáo kiểm nghiệm của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an và Viện Thuốc lá, trong khói thuốc lá một số loại thuốc lá nhập lậu, tỉ lệ các thành phần độc hại như coumarin, cadimi có hàm lượng vượt mức cho phép của Bộ Y tế. Lượng cadimi trung bình của 54 nhãn hiệu thuốc lá điếu hợp pháp lấy mẫu là 1,48 mg/kg. Trong khi đó, hàm lượng cadimi trong một số loại thuốc lá lậu phổ biến trên thị trường lên tới 2,11 – 2,69 mg/kg. Tại VN, coumarin đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong thực phẩm, nhưng chất độc hại này vẫn đang hiện diện hàm lượng cao trong thuốc lá nhập lậu. |
Lo trái cam kết quốc tế Theo các chuyên gia, VN là thành viên Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). FCTC quy định rõ các quốc gia thành viên phải đảm bảo tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu phải được tiêu huỷ. “Khi không có thị trường tiêu thụ, khả năng các loại thuốc lá nhập lậu tái xuất sẽ tái thẩm lậu vào thị trường nội địa” – một chuyên gia Bộ Công thương lo ngại. |