08/01/2025

Tổng thống Mỹ giữa muôn trùng vây

Sóng gió tiếp tục bủa vây Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến nghi vấn về mối quan hệ của ông với phía Nga.

 

Tổng thống Mỹ giữa muôn trùng vây

Sóng gió tiếp tục bủa vây Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến nghi vấn về mối quan hệ của ông với phía Nga.



 

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ sa thải Giám đốc FBI James Comey hôm 10.5ẢNH: AFP

Giữa lúc vụ sa thải Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey còn chưa có lời giải đáp thỏa đáng, tờ The New York Times hôm qua tung thêm thông tin gây sốc về lời đề nghị bị cho là sai trái của Tổng thống Trump với ông Comey. Tờ báo này dẫn một bản ghi nhớ được cho là của ông Comey tiết lộ Tổng thống Trump đã đích thân bảo ông này chấm dứt cuộc điều tra về mối quan hệ giữa cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn và Nga.
“Bỏ qua cho Flynn”
Bản ghi nhớ được ông Comey viết ngay sau cuộc gặp ông Trump tại Nhà Trắng hôm 14.2, chỉ một ngày sau khi ông Flynn bị buộc từ chức vì nói dối Phó tổng thống Mike Pence về các liên lạc với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak hồi năm ngoái. Ông Comey cũng chia sẻ bản ghi nhớ cho cộng sự của mình ở FBI.
Theo The New York Times dẫn bản ghi nhớ, sau khi thảo luận về chủ nghĩa khủng bố với ông Comey và các quan chức cấp cao khác, ông Trump đã mời mọi người rời Phòng Bầu dục, gồm cả Phó tổng thống Pence và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions. Khi chỉ còn ông Comey, tổng thống Mỹ nói: “Tôi hy vọng ông có thể đồng ý cho qua chuyện này, bỏ qua cho Flynn. Ông ấy là một người tốt”. Ông Comey chỉ đáp: “Tôi đồng ý ông ấy là người tốt”.
Nhà Trắng nhanh chóng bác bỏ rằng thông tin The New York Times tung ra là không xác thực hoặc mô tả không chính xác về cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Comey. “Dù tổng thống nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng tướng Flynn là một người tốt, đã phụng sự và bảo vệ đất nước, nhưng ông chưa bao giờ đề nghị ông Comey hay bất cứ ai chấm dứt cuộc điều tra nào, bao gồm vụ liên quan đến tướng Flynn”, thông cáo Nhà Trắng nêu rõ.


Nguy cơ mất lòng tin từ đồng minh
Tờ The New York Times ngày 16.5 dẫn lời các quan chức Mỹ đương nhiệm và về hưu tiết lộ Israel là phía cung cấp cho Mỹ các thông tin tình báo tuyệt mật bị Tổng thống Donald Trump tiết lộ trong cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Nhà Trắng hồi tuần trước. Cựu Giám đốc CIA Leon Panetta nhận định vụ bê bối này có thể khiến Mỹ phải trả giá vì đánh mất lòng tin của các đồng minh chủ chốt. Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên nói: “Đây là chuyện lớn, và chúng tôi muốn đảm bảo thông tin nhạy cảm được xử lý một cách thích đáng”.


Tuy vậy, tiết lộ mới nhất lập tức khiến chính giới và dư luận Mỹ dậy sóng trong bối cảnh chỉ mới một ngày trước đó, ông Trump và thuộc cấp phải chật vật chống đỡ làn sóng công kích dữ dội liên quan đến nghi vấn tiết lộ thông tin tình báo tuyệt mật cho giới chức Nga. Đài CNN nhấn mạnh bản ghi nhớ trên nếu được xác thực, sẽ là bằng chứng rõ ràng nhất về việc tổng thống cố gắng can thiệp vào cuộc điều tra của Bộ Tư pháp và FBI về mối liên hệ giữa cấp dưới của ông với Nga.

Phe Cộng hoà quay lưng ?
Chỉ vài giờ sau tiết lộ của tờ The New York Times, nhiều nghị sĩ Cộng hòa trước nay ít chỉ trích ông Trump đã thay đổi thái độ rõ rệt, theo trang Politico. Ông Jason Chaffetz, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát và Cải cách chính phủ của Thượng viện, đã gửi thư đến FBI ngay trong đêm 16.5 yêu cầu mọi ghi chép, tài liệu và ghi âm về các cuộc gặp giữa ông Trump và ông Comey phải được chuyển về uỷ ban trước ngày 24.5. Nghị sĩ Cộng hoà này thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng dùng đến trát toà để trưng thu nếu FBI không chịu chia sẻ. Không lâu sau, AshLee Strong – nữ phát ngôn viên của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan tuyên bố: “Chúng ta cần mọi thông tin. Việc Uỷ ban Giám sát và Cải cách chính phủ của Thượng viện yêu cầu lấy các ghi chép này là hợp lý”.
Cáo buộc mới nhất cũng như tiếp thêm lửa cho các thảo luận của nghị sĩ phe Dân chủ đòi luận tội Tổng thống Trump. Hạ nghị sĩ Dân chủ Maxine Waters cho biết vụ bê bối này giúp nỗ lực đòi luận tội ông Trump tiến thêm một bước dài, theo trang The Hill. Bà Waters là một trong những nghị sĩ Dân chủ đầu tiên cho rằng mối liên hệ giữa ê kíp của ông Trump và quan chức Nga đủ mức độ nghiêm trọng để đi đến luận tội. Một nghị sĩ khác của đảng Dân chủ là Ted Deutch viết trên Twitter: “Yêu cầu FBI ngưng điều tra là hành động cản trở công lý. Cản trở công lý là một tội danh cần luận tội”. Trước đó, Hạ nghị sĩ Dân chủ Al Green cũng đăng đàn rằng việc tổng thống sa thải ông Comey là hành động “đe doạ và cản trở” điều tra của FBI.

Sức nóng từ các yêu cầu luận tội của những nghị sĩ đảng Dân chủ ngày một tăng cao. Trước khi xảy ra vụ sa thải ông Comey, phần đông phe Dân chủ đều tránh đề cập đến phương án này, xem nó là quá cực đoan. Ngay cả thượng nghị sĩ kỳ cựu của đảng Cộng hoà John McCain cũng cho rằng vụ bê bối của ông Trump đang dần đạt đến “quy mô và mức nghiêm trọng của Watergate”.

Trang New York Magazine tiết lộ nội bộ đảng Cộng hoà đã bắt đầu bàn thảo về việc chỉ định công tố viên hoặc một uỷ ban độc lập điều tra về vụ bê bối này. Đây là hai phương án mà trước khi bản ghi nhớ của ông Comey hé lộ, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell luôn khăng khăng bác bỏ.
Tổng thống Mỹ giữa muôn trùng vây - ảnh 3

 
 

 

Ngọc Mai