28/12/2024

Triển vọng khôi phục chính sách Ánh dương ở Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là sẽ áp dụng một phiên bản mới của chính sách Ánh dương trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên.

 

Triển vọng khôi phục chính sách Ánh dương ở Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in được cho là sẽ áp dụng một phiên bản mới của chính sách Ánh dương trong quan hệ với CHDCND Triều Tiên.


 

Ngày 10.5, ông Moon Jae-in thuộc đảng Minjoo vừa trở thành tân tổng thống Hàn Quốc. Đây là lần chuyển giao quyền lực từ phe bảo thủ sang phe tự do thứ 2 trong lịch sử dân chủ của Hàn Quốc.
Ông Moon nhậm chức vào thời điểm căng thẳng với CHDCND Triều Tiên dâng cao. Để hiểu được loại chính sách mà ông ấy sẽ đeo đuổi thì cần phải am hiểu tư duy chính sách ngoại giao tự do ở Hàn Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống từ năm 1998 – 2003 của ông Kim Dae-jung.
Tấm gương nước Đức
Cố Tổng thống Kim đã nhìn thấy Chiến tranh lạnh kết thúc một cách hoà bình ở châu Âu và ông ấy muốn có kết thúc phi bạo lực tương tự cho cuộc đối đầu giữa đất nước mình với Triều Tiên. Vì vậy, ông Kim đã đeo đuổi việc tiếp xúc trực tiếp với Triều Tiên và “Chính sách Ánh dương” của ông được người kế nhiệm Roh Moo-hyun kế tục. Trước khi qua đời vào năm 2009, ông Roh (người tôi từng phục vụ với cương vụ ngoại trưởng) là cố vấn chính trị và là người bạn thân của ông Moon.
Sự kiện nước Đức tái thống nhất, xảy đến sau chính sách tiếp xúc trực tiếp của Tây Đức, hay còn được gọi là Ostpolitik (Chính sách hướng Đông – ND), với Đông Đức trong những thập niên cuối cùng của Chiến tranh lạnh, là nguồn cảm hứng mạnh đối với ông Kim. Cựu Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt bắt đầu đeo đuổi Ostpolitik từ thập niên 1970 và ông Helmut Kohl vẫn duy trì chính sách này sau khi lên nắm quyền vào năm 1982. Dù Ostpolitik không thể thay đổi bản chất của chính quyền Đông Đức, nhưng chính sách này đã khiến Đông Đức phụ thuộc nhiều vào Tây Đức và mang lại cho ông Kohl vị thế chính trị đáng kể trong quá trình tái thống nhất.
Tất nhiên, hầu hết những người Hàn Quốc theo chủ nghĩa tự do nhận ra rằng Triều Tiên không giống Đông Đức, vốn không bao giờ đe doạ Tây Đức hay Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Tuy vậy, ông Moon và giới ủng hộ ông lấy làm tiếc rằng những tổng thống Hàn Quốc thuộc phái bảo thủ từ thời ông Lee Myung-bak đã không duy trì Chính sách Ánh dương.
Triển vọng khôi phục chính sách Ánh dương ở Hàn Quốc - ảnh 2

Tổng thống  Kim Dae-jung hội đàm cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-il ở Bình Nhưỡng vào năm 2000 ẢNH: AFP

Thách thức lớn
Giới theo chủ nghĩa tự do ở Hàn Quốc cũng nhận ra rằng tình hình chiến lược đã thay đổi đáng kể từ thời ông Kim Dae-jung và giai đoạn đầu cầm quyền của ông Roh Moo-hyun, khi Triều Tiên chưa trở thành quốc gia hạt nhân trên thực tế. Để hiện thực hoá ước mơ tái thống nhất quốc gia của mình, ông Moon sẽ phải đương đầu với những thách thức lớn.
Ông Moon vẫn sẽ theo đuổi ước mơ của mình, nhưng phải làm điều đó một cách cẩn trọng và phải để mắt đến những thực tại địa chính trị. Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với tờ The Washiongton Post, ông Moon nói rõ rằng ông xem liên minh giữa Hàn Quốc và Mỹ là nền tảng của chính sách ngoại giao và cam kết sẽ không bắt đầu đàm phán với Triều Tiên mà không tham vấn trước với Mỹ. Nhưng ngoài các cuộc đàm phán chính thức, ông ấy cũng có thể cố gắng tiếp xúc với miền Bắc bằng cách khôi phục sự hợp tác liên Triều trong lĩnh vực sức khỏe hoặc môi trường, vốn nằm ngoài phạm vi của những lệnh trừng phạt quốc tế.
 
 
Chính sách Ánh dương
Chính sách Ánh dương do Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung khởi xướng từ năm 1998 nhằm cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên. Vào tháng 6.2000, ông Kim có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, tại Bình Nhưỡng. Tình hình bắt đầu đảo ngược dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak, vốn có lập trường cứng rắn đối với miền Bắc. Đến ngày 18.11.2010, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ra Sách trắng tuyên bố Chính sách Ánh dương đã thất bại vì dù được Seoul viện trợ và khích lệ trong một thập niên, “Bình Nhưỡng vẫn không thể hiện thay đổi tích cực trong hành vi”.

 

Trong 9 năm qua, hai tổng thống bảo thủ – đặc biệt là bà Park – đã cắt mọi liên lạc với Triều Tiên nhằm buộc Bình Nhưỡng tiến tới phi hạt nhân hóa. Những người theo chủ nghĩa tự do ở Hàn Quốc lập luận rằng chính sách này gây tổn hại đến mục tiêu quốc gia là tái thống nhất hòa bình, bằng cách biến nó thành khẩu hiệu suông. Họ tin rằng duy trì quan hệ liên Triều sẽ tạo cơ sở cho việc tái thống nhất trên bán đảo, như Ostpolitik từng phát huy tác dụng ở Đức. Do vậy, ông Moon rất có khả năng sẽ đeo đuổi chiến lược hai mũi là vừa phi hạt nhân hóa vừa tiếp xúc và chuẩn bị cho việc tái thống nhất về sau.

Ông Moon đã thừa nhận rằng những biện pháp trừng phạt khắt khe sẽ cần thiết cho việc mang Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Vì thế, chính quyền của ông sẽ không có bất đồng cơ bản với Mỹ, đặc biệt khi Ngoại trưởng Rex Tillerson đã tuyên bố Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Triều Tiên.
Ông Moon cũng sẽ có được sự linh động hơn so với những người tiền nhiệm bảo thủ để có thể chấp nhận một thoả thuận kiểu Iran do Mỹ dẫn đầu nhằm đóng băng các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Nhưng nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump cố buộc Hàn Quốc trả chi phí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vừa được triển khai, ông Moon sẽ phải từ chối. Nếu không, ông ấy sẽ đối mặt cơn thịnh nộ ở trong nước từ cả phe cánh tả lẫn phe cánh hữu.
Yếu tố Trung Quốc
Yếu tố cuối cùng nhưng mang tính quyết định là Trung Quốc, vốn có lịch sử cay đắng với Triều Tiên. Trung Quốc luôn can thiệp quân sự bất kỳ khi nào nước này xem bán đảo Triều Tiên là bàn đạp tiềm tàng để cho một cường quốc biển xâm lược nước họ.
Trung Quốc đã can thiệp quân sự vào năm 1592, khi Nhật Bản chuẩn bị tấn công nhà Minh bằng cách đánh bại triều đại Triều Tiên ở bán đảo này. Tình trạng này tái diễn trong cuộc chiến Trung – Nhật năm 1894 và Chiến tranh Triều Tiên trong những năm đầu của thập niên 1950.
Bất chấp lịch sử đó, những người Hàn Quốc theo chủ nghĩa tự do công nhận rằng sự hợp tác của Trung Quốc sẽ cần thiết cho việc tái thống nhất. Theo đó, chính quyền của ông Moon sẽ phải duy trì liên minh vững chắc với Mỹ trong khi vẫn cố gắng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, vốn trở nên lạnh nhạt kể từ khi Seoul tiếp nhận hệ thống THAAD. Ông Moon có thể cố gắng xoa dịu quan ngại của Trung Quốc bằng cách lý giải rằng việc triển khai THAAD chỉ mang tính tạm thời và hệ thống này có thể được rút đi khi Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân.
Những người dự đoán rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Moon sẽ phá vỡ các mối quan hệ của Hàn Quốc với Mỹ và Nhật chắc chắn nhầm lẫn. Xét cho cùng, chính trong nhiệm kỳ làm tổng thống của ông Roh mà Hàn Quốc đã đạt được hiệp định thương mại tự do với Mỹ và điều quân chiến đấu bên cạnh lính Mỹ ở Iraq. Ông Moon sẽ xác nhận di sản đó và cố gắng khôi phục phiên bản nâng cấp và đổi mới của Chính sách Ánh dương, vốn thể hiện khát vọng lâu dài cơ bản nhất của Hàn Quốc.
Văn Khoa (chuyển ngữ) 
© Project Syndicate

 

Yoon Young-kwan 
(Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc)