Triển vọng hợp tác kinh tế ASEAN – Mỹ thời hậu TPP
Quyết định không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Washington vào đầu năm nay đã tạo một cú sốc lớn đối với cộng đồng kinh tế trong khu vực.
Triển vọng hợp tác kinh tế ASEAN – Mỹ thời hậu TPP
Quyết định không tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Washington vào đầu năm nay đã tạo một cú sốc lớn đối với cộng đồng kinh tế trong khu vực.
Vậy các nước ASEAN, đặc biệt các nước đã xây dựng chính sách hội nhập dựa trên các giá trị của TPP như VN, sẽ cần phải lựa chọn phương án hợp tác xây dựng chính sách thương mại như thế nào với Mỹ trong tương lai?
Cánh cửa thương mại điện tử
Để trả lời câu hỏi này trước hết cần phân tích rõ những thay đổi trong chính sách thương mại quốc tế của Mỹ. Từ cương lĩnh tranh cử cho tới những tuyên bố hậu bầu cử, có thể thấy rõ Tổng thống Donald Trump đang hướng tới một chính sách kinh tế đối ngoại thực dụng, trong đó Mỹ sẽ ưu tiên những thoả thuận thương mại song phương với các đối tác trên cơ sở bình đẳng và có thể tạo nhiều công ăn việc làm tại Mỹ, giúp thúc đẩy cải tiến công nghệ cũng như hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong bối cảnh này, thương mại điện tử có thể sẽ là một trong những lĩnh vực mà ASEAN và Mỹ rất có thể tìm được tiếng nói chung. Thương mại điện tử là một lĩnh vực kinh doanh có tiềm năng phát triển rất cao tại ASEAN và đáp ứng hầu hết các tiêu chí của Washington. Nó trực tiếp hỗ trợ cho đầu ra của các ngành sản xuất (đặc biệt là ngành công nghiệp nhẹ), dịch vụ kỹ thuật số, vận tải và logistics. Đồng thời, với nền tảng là công nghệ số, thương mại điện tử cũng thúc đẩy sự phát triển của các phát minh, sáng chế. Hợp tác phát triển thị trường thương mại điện tử với ASEAN sẽ giúp tạo ra một kênh đầu tư mới cho các doanh nghiệp trong khu vực và tạo công ăn việc làm tại các ngành công nghiệp liên quan. Đó là điều chính phủ Mỹ không thể bỏ qua. Từ phía ngược lại, bốn nền kinh tế ASEAN đã ký TPP (VN, Singapore, Malaysia và Brunei) đang xây dựng nền kinh tế hướng tới thị trường Mỹ (trên nền tảng của TPP) cũng sẽ không từ chối duy trì cơ hội hợp tác với đối tác thương mại lớn nhất thế giới này thông qua thương mại điện tử.
Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử của Mỹ đang rất cố gắng tìm kiếm cơ hội thâm nhập thị trường ASEAN, đặc biệt là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và VN – các thị trường có dân số thành thị ngày càng gia tăng, cơ sở hạ tầng kết nối internet tương đối phát triển, nhưng vẫn có sự thiếu hụt tương đối của cơ cấu bán lẻ ngoại tuyến. Trong những năm qua, không chỉ eBay, Amazon mà nhiều thương hiệu lớn của Mỹ như Nike, Apple, Dell… đã tiến hành đầu tư vào thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á. Với nhiều nhà phân tích, thị trường thương mại điện tử của ASEAN còn rất sơ khai và có nhiều tiềm năng phát triển. Ước tính doanh thu từ thương mại điện tử tại ASEAN đã đạt khoảng 7 tỉ USD mỗi năm nhưng hiện lĩnh vực thương mại này chỉ chiếm dưới 1% tổng lượng bán lẻ tại các nước ASEAN. Thương mại điện tử cũng có mức tăng trưởng ổn định khoảng 6 – 10%/năm trong suốt 8 năm qua.
Hiện nay, theo các chuyên gia, thách thức của thương mại điện tử tại ASEAN không phải là công nghệ mà là sự chia cắt nhỏ của thị trường. Sự chia cắt này được hình thành từ các quy định mang tính kỹ thuật cho tới các hạn chế về hạ tầng cho thanh toán. Rõ ràng, việc thiết lập một hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất giữa Mỹ và ASEAN sẽ giúp giảm bớt những rào cản kỹ thuật chia cắt thị trường thương mại điện tử, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình thương mại điện tử khác nhau phát triển. Điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu từ Mỹ tới ASEAN, và ngược lại.
Từ đây, nhiều người có thể nghĩ tới Chương 14 về thương mại điện tử của Hiệp định TPP. Đàm phán Hiệp định TPP đã thiết lập được một khung pháp lý quốc tế khá hoàn chỉnh về thương mại điện tử. Thực tế, sự phối hợp và hài hòa hóa các điều khoản về thương mại điện tử của TPP và Bộ Kế hoạch tổng thể xây dựng ASEAN (ASEAN Blueprint) sẽ có thể là nền tảng để xây dựng các quy tắc cho hiệp định xúc tiến thương mại điện tử tại ASEAN và Mỹ (nếu Mỹ sẵn sàng nhìn nhận ASEAN là một khối thống nhất và đối tác đàm phán song phương trong lĩnh vực thương mại điện tử).
Thách thức cho một sự mở đầu mới
Tuy nhiên, thiết lập một hành lang pháp lý cho thương mại điện tử khu vực ASEAN – Mỹ đòi hỏi các bên phải có sự thay đổi tư duy về “khuôn mẫu” quen thuộc của hiệp định thương mại khu vực (FTA) (bao gồm các thoả thuận bao trùm lên nhiều lĩnh vực thương mại khác nhau như hàng hoá, dịch vụ, đầu tư…) mà các nước vẫn đang theo đuổi trong hơn hai thập niên qua, và được coi là tương thích với yêu cầu của pháp luật WTO.
Các bên nếu chấp nhận ý tưởng của mô hình này sẽ phải tập suy nghĩ vượt ra những khuôn mẫu về các giá trị và đòi hỏi của hợp tác thương mại khu vực và đặt niềm tin vào những lợi ích tiềm tàng của một ngành công nghiệp mới dựa trên nền tảng internet. Đồng thời họ cũng phải bảo đảm nội dung của thỏa thuận này phù hợp với các quy định của WTO về hợp tác thương mại khu vực.
Hiệp định FTA với trọng tâm là thương mại điện tử sẽ là một giải pháp mới và đầy tiềm năng cho ASEAN trong việc đối mặt với thách thức mới từ Mỹ. Tuy nhiên, sáng kiến này có lẽ cũng sẽ rất thức thời vì Mỹ cũng đang trong quá trình xây dựng khung chính sách mới cho thương mại quốc tế. Riêng đối với các nước ASEAN đã ký TPP, kế hoạch này có thể sẽ dễ dàng được tiếp nhận vì thoả thuận thương mại theo mô hình trên chủ yếu dựa trên Chương 14 của TPP về thương mại điện tử và họ có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này sau quá trình đàm phán cam go của TPP.
PGS-TS Trần Việt Dũng
(Trưởng khoa Luật quốc tế, Đại học Luật TP.HCM)