29/11/2024

Đột phá hạ tầng, mở lối cho đặc khu Vân Đồn

Chỉ hơn 3 năm, Quảng Ninh đã huy động được hơn 48.000 tỉ đồng để phát triển hạ tầng. Bước đột phá này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hình thành đặc khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai gần.

 

Đột phá hạ tầng, mở lối cho đặc khu Vân Đồn

Chỉ hơn 3 năm, Quảng Ninh đã huy động được hơn 48.000 tỉ đồng để phát triển hạ tầng. Bước đột phá này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự hình thành đặc khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai gần.



 

Đường cao tốc nối TP.Hạ Long và sân bay Vân Đồn dự kiến hoàn thành cuối tháng 6.2018 /// Ảnh: D.C

Đường cao tốc nối TP.Hạ Long và sân bay Vân Đồn dự kiến hoàn thành cuối tháng 6.2018 ẢNH: D.C

Nhiều dự án trọng điểm sắp về đích
Trong chuyến kiểm tra các dự án giao thông lớn tại Quảng Ninh cuối tháng 2.2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể không tiếc lời khen ngợi tư duy thu hút vốn đã tạo nên bức tranh đột phá về hạ tầng giao thông cho Quảng Ninh.
 
Ông Thể chia sẻ, bản thân ông khi còn là Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã cử một số đoàn công tác đến Quảng Ninh học hỏi. Nhưng khi trở lại Quảng Ninh vẫn ngỡ ngàng vì trong một thời gian ngắn đã có sự thay đổi rất lớn, trong khi nhiều địa phương có điều kiện tương đồng với Quảng Ninh nhưng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông rất chậm.
 
Mấu chốt thành công của Quảng Ninh, theo ông Thể chính là nhờ tư duy đột phá trong thu hút vốn xã hội hóa vào hạ tầng giao thông. Cụ thể từ trường hợp nhỏ bến tàu khách tại cảng hành khách quốc tế Hòn Gai, nhà nước bỏ ra 300 tỉ đồng để xây dựng cầu dài 700 m, nhà đầu tư xây dựng một cảng khách cùng khu dịch vụ khoảng 400 tỉ.
 
“Nhà nước đầu tư một phần công việc, nhà đầu tư sẽ đầu tư những hạng mục chính để phối kết hợp. Địa phương bỏ ra kinh phí giải phóng mặt bằng, sau khi xong nhà đầu tư sẽ đầu tư, trách nhiệm rất rõ, rất hay. Giải phóng mặt bằng nhanh hay chậm do địa phương, vì vậy tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ nhanh hơn rất nhiều, nhà đầu tư yên tâm bỏ kinh phí ra làm”, ông Thể nói.
 
Trong một thời gian rất ngắn, khoảng 3 – 4 năm, Quảng Ninh đã huy động vốn xã hội hóa để làm giao thông với 48.000 tỉ đồng, trong đó địa phương bỏ ra tổng cộng hơn 12.000 tỉ đồng, còn lại vốn của nhà đầu tư. Tương ứng nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 25% vốn, nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành những công trình vĩnh cửu, để đời cho con cháu như sân bay, cầu lớn, đường quốc lộ… “Đây là biểu tượng về phát triển giao thông đột phá của Quảng Ninh”, người đứng đầu Bộ GTVT đánh giá và khẳng định Bộ GTVT sẽ học hỏi mô hình đối tác công tư hiệu quả mà Quảng Ninh đang triển khai.
 
Trong số các đại dự án đang được triển khai, cao tốc Hải Phòng – Hạ Long được khởi công từ năm 2014 với 2 dự án thành phần là cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 7.600 tỉ đồng và Dự án đường nối TP.Hạ Long với cầu Bạch Đằng, được đầu tư bằng ngân sách tỉnh với tổng vốn là 6.400 tỉ đồng, dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 6.2018.
 
Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp QL18, đoạn Hạ Long – Mông Dương theo hình thức hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư 10.062 tỉ đồng, trong đó dự án thành phần nâng cấp QL18 đã hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đoạn Vân Đồn – Móng Cái với chiều dài tuyến khoảng 91 km, tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỉ đồng đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức đối tác công – tư (PPP)… Về đường biển, Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) đã chính thức trở thành điểm trung chuyển trên tuyến hàng hải quốc tế ACS (Ấn Độ tới Malaysia, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc) từ tháng 6.2017.
 
Đặc biệt, để hoàn chỉnh bức tranh giao thông kết nối, dự án Cảng hàng không Quảng Ninh do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư với tổng vốn gần 7.500 tỉ đồng đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào hoạt động dự kiến cuối quý 2/2018. Đây cũng là dự án sân bay đầu tiên trên cả nước được triển khai thực hiện theo hình thức PPP, mở thêm cơ hội để Quảng Ninh nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
 
Bước đệm cho đặc khu Vân Đồn
Theo TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, mô hình hợp tác công tư PPP trên thế giới đã có nhiều kinh nghiệm, dù khi áp dụng tại VN dưới hình thức BOT tại một số dự án giao thông đã để lại nhiều hệ lụy vì thiếu minh bạch. “Về nguyên tắc vẫn cần tiếp tục mô hình xã hội hóa qua hình thức PPP, nhưng phải có khung luật pháp, quy định chi tiết và giám sát từ phía nhà nước, cơ quan dân cử, xã hội để đảm bảo minh bạch, hiệu quả”, ông Doanh nhìn nhận.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia này, Quảng Ninh với một số dự án theo mô hình hợp tác công tư, trong đó có mô hình sân bay đầu tiên do tư nhân xây dựng là một điểm sáng tích cực. Sự nhanh nhạy của Quảng Ninh khi đi trước đón đầu xây dựng hạ tầng sẽ là bước đệm để sớm hình thành đặc khu kinh tế Vân Đồn trong tương lai gần sắp tới. “Điều này cho thấy sự nhìn xa trông rộng trong hợp tác giữa chính quyền tỉnh và nhà đầu tư hướng tới đặc khu kinh tế. Những điều kiện để Quảng Ninh đẩy nhanh xây dựng đặc khu Vân Đồn đến nay đều chín muồi và tích cực. Có biển, cảng biển, phong cảnh thiên nhiên, vị trí địa lý và đặc biệt là kết nối hạ tầng…”, ông Doanh nhìn nhận.
 
TS Nguyễn Hữu Thuỷ, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh, cũng cho rằng sự phát triển về hạ tầng giao thông của Quảng Ninh là một trong những yếu tố quyết định tạo nên sức hút các dòng vốn đầu tư. Những dự án đã mang lại cho Quảng Ninh diện mạo mới, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách và tạo nhiều công ăn việc làm cho xã hội.
 
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 10,2 – 10,5%
Năm 2017 Quảng Ninh thu ngân sách đứng thứ 5 cả nước. Năm 2018 Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 10,2 – 10,5%, thu ngân sách nội địa tăng 10%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10% so với năm 2017.


DIỆP CHI