Làn gió mới trên bán đảo Triều Tiên
Nỗ lực cô lập Triều Tiên của Mỹ có thể bị phá sản nếu một tổng thống có quan điểm mềm mỏng với Bình Nhưỡng lên nắm quyền ở Hàn Quốc sau cuộc bầu cử ngày 9-5.
Làn gió mới trên bán đảo Triều Tiên
Nỗ lực cô lập Triều Tiên của Mỹ có thể bị phá sản nếu một tổng thống có quan điểm mềm mỏng với Bình Nhưỡng lên nắm quyền ở Hàn Quốc sau cuộc bầu cử ngày 9-5.
Ứng viên tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In vận động tranh cử tại Goyang ngày 4-5 – Ảnh: Reuters |
Thời gian qua, giới quan sát đã lưu ý đến sự gấp rút của Mỹ và chính quyền đương nhiệm Hàn Quốc trong việc gây sức ép lên Triều Tiên, tiêu biểu là việc đẩy nhanh triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Giả thiết cho rằng Washington lo ngại những chuyển biến khó lường trong chính sách của Seoul sau cuộc bầu cử ngày 9-5 (một kinh nghiệm họ đã có với Philippines).
Bất cứ nỗ lực nào của Mỹ mở rộng cô lập Triều Tiên sẽ va chạm với chính sách của tân chính quyền Hàn Quốc |
Chuyên gia JEFFREY ROBERTSON (ĐH Yonsei) |
Gốc gác Bắc Hàn
Ông Moon Jae In – ứng viên nặng ký cho chiếc ghế tổng thống Hàn Quốc – là một trong những người góp phần xây dựng chính sách Ánh dương thúc đẩy quan hệ liên Triều khi còn giữ chức chánh văn phòng dưới quyền tổng thống Roh Moo Hyun (2003-2008).
Ông Moon đã ngỏ ý sẽ hồi sinh chính sách này – động thái hứa hẹn không ít tranh cãi với đồng minh Washington.
Ông Moon Jae In có một tiểu sử khá thú vị, là con trai của một gia đình người tị nạn từ Bắc Hàn. Khi còn trong biên chế lực lượng đặc nhiệm Hàn Quốc hồi thập niên 1970, ông Moon đã tỏ ra nổi bật.
Cựu binh Roh Chang Nam, người từng chỉ huy đơn vị của ông Moon, mô tả ông trông thư sinh hơn các đồng đội và rất thích ngắm hoa dại.
Nhiều người suy đoán rằng ông Moon Jae In phải phục vụ trong lực lượng này như là một hình phạt vì tham gia các cuộc biểu tình đòi dân chủ (nhà độc tài Park Chung Hee khi đó đang nắm quyền).
Đối với ông Moon, vấn đề Triều Tiên không chỉ đơn thuần là chính trị, mà còn mang đậm tính cá nhân.
Bố mẹ ông rời khỏi miền Bắc trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên trên một tàu chiến của Mỹ. Năm 2004, ông cùng mẹ về thăm lại miền Bắc và được đoàn tụ cùng người em gái sau hàng chục năm xa cách.
Ông Moon, giờ đây 64 tuổi, đang đứng trước cơ hội lớn trở thành nhân vật quyền lực nhất Hàn Quốc.
Nếu tình thế không có gì thay đổi, kết quả cuộc bầu cử ngày 9-5 sẽ chấm dứt 9 năm cầm quyền của lực lượng bảo thủ tại Hàn Quốc, hứa hẹn mang lại sự thay đổi trong cách Seoul xử lý mối quan hệ nhạy cảm với Bình Nhưỡng.
Ánh dương 2.0
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Moon khẳng định: “Mối đe doạ hạt nhân của Triều Tiên cần phải được xử lý trước, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn phải khôi phục chính sách Ánh dương vì sự thống nhất”.
Trái với các ứng viên tổng thống khác, ông Moon lập luận rằng chủ trương cô lập Triều Tiên đã không có tác dụng.
Ông kêu gọi mở cửa lại khu công nghiệp liên Triều để gây dựng lại lòng tin giữa hai miền, dù ông cũng cảnh báo rằng điều này sẽ không xảy ra nếu Bình Nhưỡng tiếp tục thử hạt nhân.
Nếu căng thẳng giảm, ông Moon ủng hộ tăng cường kết nối kinh tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, trong đó bao gồm dự án đường ống dẫn khí từ Siberia (Nga) đi qua Triều Tiên đến Hàn Quốc.
Theo các cố vấn của ông Moon, những bước đi trên chỉ là “khúc dạo đầu” và nhiều dự án liên Triều khác sẽ tiếp nối.
Một hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng nằm trong kế hoạch của ông Moon Jae In.
Ngoài ra, ông tuyên bố sẽ cân nhắc lại việc có cho phép hay không hệ thống THAAD của Mỹ hoạt động trên đất Hàn.
Dân Hàn Quốc đi bỏ phiếu sớm Trong hai ngày 4 và 5-5, người dân Hàn Quốc đã đi bỏ phiếu sớm bầu tổng thống tại 3.510 điểm bỏ phiếu khắp cả nước. Hàn Quốc có hơn 42,4 triệu cử tri đủ điều kiện đi bầu. Các cuộc khảo sát cho thấy ứng viên Moon Jae In đang dẫn đầu, giữ một khoảng cách an toàn so với hai đối thủ theo sau. Hãng tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group trong tuần này nâng khả năng chiến thắng của ông Moon lên 80% từ mức 55% của tháng trước. Người chiến thắng cuộc bầu cử sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hàn Quốc ngay lập tức, bỏ qua khoảng thời gian hai tháng chuyển giao như thông lệ. Tân tổng thống sẽ phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm. |