29/11/2024

Triều Tiên công khai chỉ trích Trung Quốc

“CHDCND Triều Tiên sẽ không đánh đổi chương trình hạt nhân quý như mạng sống để cầu xin duy trì tình hữu nghị với Trung Quốc”.

 

Triều Tiên công khai chỉ trích Trung Quốc

“CHDCND Triều Tiên sẽ không đánh đổi chương trình hạt nhân quý như mạng sống để cầu xin duy trì tình hữu nghị với Trung Quốc”.



Quang cảnh trên đỉnh núi lửa PaektuẢNH: AFP

Đó là tuyên bố được đưa ra trong bài bình luận bằng tiếng Anh được Thông tấn xã Triều Tiên KCNA đăng tải ngày 3.5. Bài viết còn chỉ trích việc truyền thông Trung Quốc thời gian qua tuyên bố rằng các đợt thử hạt nhân của Triều Tiên đe doạ lợi ích an ninh của nước láng giềng đồng thời kêu gọi tăng cường trừng phạt. “Những bình luận này tuyên bố rằng CHDCND Triều Tiên gây ra nguy cơ cho vùng đông bắc Trung Quốc bằng những đợt thử hạt nhân cách biên giới chưa tới 100 km. Chúng còn nói nhảm rằng CHDCND Triều Tiên gây căng thẳng tại Đông Bắc Á và tạo cớ cho Mỹ triển khai thêm lực lượng chiến lược đến khu vực”, Yonhap trích lại bài xã luận viết.
KCNA còn cảnh báo: “Cần phải hiểu rõ rằng chính sách hạt nhân của CHDCND Triều Tiên gắn liền với sự tồn tại, phát triển của đất nước và sẽ không bao giờ thay đổi. CHDCND Triều Tiên sẽ không đánh đổi chương trình hạt nhân quý như mạng sống để cầu xin duy trì tình hữu nghị với Trung Quốc dù tình hữu nghị đó có quý giá đến đâu”. Hãng thông tấn này tiếp tục cho rằng Trung Quốc “cần suy xét đến hậu quả nghiêm trọng nếu khinh suất chặt đi cột trụ quan hệ song phương”.
Theo giới quan sát, đây là sự thể hiện công khai hiếm hoi sự bất bình của Triều Tiên đối với những động thái gần đây của Trung Quốc liên quan tới vấn đề hạt nhân và tên lửa. Hồi tuần trước, KCNA cũng đăng bài xã luận được cho là chỉ trích Bắc Kinh và đề cập “hậu quả thảm khốc” trong quan hệ giữa hai bên. Tuy nhiên, khi đó hãng thông tấn Triều Tiên không chỉ đích danh mà viết là “một nước gần CHDCND Triều Tiên”.
Đến nay, Trung Quốc chưa có phản ứng về các thông tin trên. Theo Reuters hôm qua, nước này đang thảo luận với Mỹ về phản ứng mạnh mẽ hơn từ HĐBA LHQ đối với Bình Nhưỡng, có thể là các biện pháp trừng phạt mới. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các bên kiềm chế và nhanh chóng quay lại bàn đàm phán về vấn đề Triều Tiên.
Nguy cơ thảm hoạ núi lửa
Cũng trong hôm qua, CNN dẫn lời các chuyên gia cảnh báo một vụ thử hạt nhân đủ lớn của Triều Tiên có thể đánh động núi lửa Paektu (Bạch Đầu) nằm vắt ngang biên giới Trung – Triều. Chương trình núi lửa toàn cầu thuộc Viện Smithsonian (Mỹ) ước tính khoảng 1,6 triệu công dân hai nước đang sống trong khu vực bán kính 100 km quanh Paektu. Ngọn núi này cũng chỉ cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri khoảng 115 – 130 km. Theo nhà phân tích quốc phòng cấp cao Bruce Bennett tại Tổ chức Nghiên cứu Rand Corporation, chưa rõ một vụ thử hạt nhân lớn cỡ nào có thể làm núi lửa phun trào, nhưng điều này chắc chắn xảy ra và sẽ có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người thiệt mạng.
Trước đó, các nhà khoa học Hàn Quốc cho biết túi nham thạch trong lòng núi Paektu đang ngày càng phình to do tích tụ khí sulphur dioxide trong nhiều năm. “Núi lửa có thể bị đánh thức bởi các chuyển động địa chất lớn. Một vụ nổ do thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất sẽ đe doạ sự ổn định của khoang chứa dung nham”, Yonhap dẫn lời Giáo sư Hong Tae-kyung thuộc Đại học Yonsei (Seoul) cho biết. Thêm vào đó, các vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên được cho là đã tạo ra thay đổi áp suất khí quyển, làm gia tăng nguy cơ phun trào.
Paektu vốn được xem là một trong những địa danh linh thiêng và quan trọng nhất của Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên. Theo thư tịch cổ và huyền sử, dân tộc Triều Tiên khởi phát từ ngọn núi này. Đỉnh Paektu cũng được nhắc tới trong quốc ca Hàn Quốc. Ngoài ra, tài liệu lịch sử CHDCND Triều Tiên tuyên bố cố lãnh đạo Kim Jong-il đã chào đời trên ngọn núi này. Trong khi đó, Trung Quốc gọi Paektu là núi Trường Bạch. Do vị trí địa lý đặc biệt nên đây cũng là đối tượng tranh chấp chủ quyền giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc. Theo tờ Chosun Ilbo, vào năm 1962, Triều Tiên và Trung Quốc ký hiệp định phân chia núi Paektu với phía Bình Nhưỡng sở hữu khoảng 54,5% diện tích nhưng Hàn Quốc tuyên bố không chấp nhận việc phân chia này.

 

Ngọc Mai