29/11/2024

Lần đầu tiên công bố đề thử nghiệm theo bài thi

Dự kiến giữa tháng 5 này, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi thử nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia theo dạng bài thi.

 Thi THPT quốc gia:

Lần đầu tiên công bố đề thử nghiệm theo bài thi

 

Dự kiến giữa tháng 5 này, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi thử nghiệm của kỳ thi THPT quốc gia theo dạng bài thi.




Học sinh làm bài kiểm tra môn giáo dục công dân theo dạng đề trắc nghiệm /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh làm bài kiểm tra môn giáo dục công dân theo dạng đề trắc nghiệmẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Thầy trò hồi hộp chờ đợi
Trước đó, đầu tháng 10.2016, Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh hoạ lần 1 theo các môn thi. Đến tháng 1.2017, Bộ công bố đề thi minh hoạ thử nghiệm lần 2 cũng theo môn thi. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Điểm khác biệt so với đề thi minh hoạ và đề thi thử nghiệm đã công bố trước đó là đề thi sắp tới sẽ theo hình thức của bài thi chứ không theo dạng đề thi của các môn độc lập. Các câu hỏi sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó”.
Cũng theo ông Hồng, đề thử nghiệm đợt này công bố vào giữa tháng 5 vì lúc này học sinh (HS) đã học cơ bản đầy đủ kiến thức của lớp 12. Bộ sẽ công bố các đề thi của các bài thi thử nghiệm để giúp HS ôn luyện và làm quen với hình thức các bài thi.
Ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy HS và các trường đang rất mong chờ đề thi thử nghiệm lần này, để có hình dung rõ nhất về đề thi THPT quốc gia cả về hình thức, cấu trúc lẫn cách thức phân hoá.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nhận xét: “Việc Bộ quyết định công bố đề thi thử nghiệm vào thời điểm này là rất hợp lý, đáp ứng được mong đợi của giáo viên và HS”.
Ông Tùng Lâm cũng cho biết ngay sau khi Bộ công bố đề minh hoạ, Trường Đinh Tiên Hoàng sẽ cho giáo viên lấy đề thi đó trộn thành nhiều mã đề khác nhau và tổ chức thi thử lần cuối để HS được tập dượt cho kỳ thi THPT quốc gia. Sau đó, trường cũng chỉ còn 1 tháng nữa cho HS làm đi làm lại dạng đề thi này để các em không bỡ ngỡ khi vào phòng thi. “Trường tôi sẽ tổ chức ôn tập cho HS lớp 12 đến sát ngày thi nên đề thi thử nghiệm lần tới sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình này”, ông Tùng Lâm cho biết.
Ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, thì cho rằng đề thi thử nghiệm công bố lần 1 với môn khoa học xã hội là khá ổn với hình thức thi trắc nghiệm, có phân hoá và phù hợp với thời gian làm bài. Dù vậy, lần trước chỉ công bố theo từng môn mà địa là một trong những môn lần đầu thi trắc nghiệm hoàn toàn, nằm trong bài thi tổ hợp khoa học xã hội, nên thầy trò cũng rất quan tâm tới việc Bộ công bố đề thi thử nghiệm theo dạng bài thi.
 
 
Ngân hàng câu hỏi đang được hoàn thiện
Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD-ĐT về việc chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ đã gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu trắc nghiệm đã có tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục bằng nhiều nguồn khác nhau như huy động giáo viên giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành; các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT có nhiều kinh nghiệm thi kiểm tra đánh giá và có ý thức trách nhiệm cao. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi vào tháng 6.2017.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức 5 bài thi gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân đối với HS giáo dục phổ thông; sử, địa đối với HS giáo dục thường xuyên).

 

Theo ông Lịch, giáo viên và HS quan tâm xem liệu đề thi có điều chỉnh gì so với lần trước không. Quan trọng hơn, do trước đây công bố đề thi từng môn độc lập nay xếp thành bài thi tổ hợp thì HS mới thực sự được “thử sức” với việc làm một lúc cả ba môn trong một bài thi. Lúc bấy giờ mới biết liệu có xảy ra tình trạng quá tải như có ý kiến lo ngại hay không.

Một HS lớp 12 ở Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội) bày tỏ: “Ngày nào chúng em cũng nói chuyện về đề thi, tâm trạng chung là khá lo, nếu đề thi thử nghiệm công bố lần tới lại khác nhiều so với đề minh hoạ và đề thử nghiệm lần 1 thì chúng em không còn thời gian để ôn tập kịp”.
Không thay đổi về độ khó – dễ
Một số giáo viên ở Hà Nội cho biết dựa vào đề thi minh họa và đề thi thử nghiệm mà Bộ công bố lần trước, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức khảo sát cho toàn bộ HS lớp 12 vào tháng 3 vừa qua nhưng kết quả ở hầu hết các môn đều khá thấp. Các giáo viên thắc mắc kết quả này liệu có phải do đề thi hay không. Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng do tâm lý của HS chưa nghiêm túc khi tham gia kỳ khảo sát này và kết quả đó cũng không tính điểm kiểm tra nên không làm hết sức mình.
Tuy nhiên, ông Tùng Lâm cũng đề nghị: Sau 2 lần thử nghiệm thì đề thi lần này sẽ phải chuẩn chỉnh nhất, đừng khiến HS hoang mang vì thay đổi nhiều so với đề thi thử nghiệm công bố lần trước. Cũng không nên thay đổi theo hướng khó hơn hoặc dễ hơn quá nhiều mà chỉ nên tinh chỉnh về mặt kỹ thuật. Đã là đề thi thử nghiệm cho HS trước một kỳ thi lớn thì đề thi phải đạt độ chuẩn hóa cao, đặc biệt là về mặt khoa học.
Trả lời PV Thanh Niên trước đó, ông Sái Công Hồng cho biết: “Quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa được thực hiện theo 8 bước nghiêm ngặt. Mỗi bước bao gồm nhiều quy trình nhỏ để chuẩn hoá câu hỏi trong ngân hàng đề thi, từ việc ra câu hỏi thô, rồi từ thô sang câu hỏi được chuẩn h, qua các vòng biên tập, thẩm định, thử nghiệm, tinh chỉnh… Như vậy thử nghiệm chỉ là một khâu trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn h“.
Kết quả bài làm của HS qua các đợt thử nghiệm, theo ông Hồng sẽ được phần mềm khảo thí chuyên dụng phân tích các thông số định chuẩn của các câu hỏi và các đề thi. Những câu hỏi không đạt độ tin cậy (do quá sức thí sinh, không nằm trong chương trình, sai kiến thức không giải được…) sẽ được hiển thị trên kết quả phân tích và lập tức được xem xét lại hoặc loại bỏ.
Môn địa lý thi ngày càng dễ ?

Nhận định về đề thi môn địa lý chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm, ông Vũ Quốc Lịch, giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cho rằng hạn chế lớn nhất là không kiểm tra được kỹ năng thực hành của HS, cụ thể là vẽ biểu đồ. “Trước đây trong quá trình dạy học, chúng tôi rất chú trọng đến kỹ năng thực hành cho HS, nhưng nay thi quốc gia không đặt ra yêu cầu đó nữa nên HS cũng chểnh mảng hơn trước”, ông Lịch nói.
Cũng theo ông Lịch, chính đề thi trắc nghiệm không đưa vào được yêu cầu thực hành vẽ biểu đồ, lại cộng thêm quy định cho phép thí sinh dùng Atlat, nên môn địa càng dễ hơn. Đây cũng chính là môn khiến thí sinh quyết định chọn bài thi khoa học xã hội nhiều như năm nay.


Trường ĐH Luật TP.HCM công bố đề mẫu bài kiểm tra minh hoạ

Trường ĐH Luật TP.HCM đã công bố đề mẫu bài kiểm tra minh hoạ kiến thức tổng hợp dành cho thí sinh có nguyện vọng thi vào trường năm nay. Bài kiểm tra theo dạng trắc nghiệm, gồm 100 câu thực hiện trong 75 phút. Nội dung câu hỏi của đề xoay quanh 4 lĩnh vực: kỹ năng tiếng Việt, kiến thức pháp luật, kiến thức xã hội tổng hợp, tư duy logic và IQ.
Thí sinh có thể thực hiện thử bài kiểm tra trên website của trường. Theo đề án tuyển sinh đã công bố, điểm bài kiểm tra này là một trong các bước để trường xét tuyển thí sinh.
Theo đề án tuyển sinh trường đã công bố, bài kiểm tra năng lực là một trong các bước để trường xét tuyển thí sinh, chiếm 40% tổng số điểm trúng tuyển (điểm học bạ 10% và điểm thi THPT quốc gia 50%). Theo kế hoạch, thí sinh xét tuyển vào trường này sẽ tham gia làm bài kiểm tra năng lực vào ngày 16.7.
Hà Ánh

 

Tuệ Nguyễn