29/11/2024

Cuộc chiến đầu tiên lên truyền hình

Sự phát triển của truyền hình trong thập niên 1960 đã lần đầu tiên phơi bày rõ ràng cho người dân Mỹ sự khốc liệt của cuộc chiến tại VN.

 

Cuộc chiến đầu tiên lên truyền hình

Sự phát triển của truyền hình trong thập niên 1960 đã lần đầu tiên phơi bày rõ ràng cho người dân Mỹ sự khốc liệt của cuộc chiến tại VN.



Một gia đình Mỹ theo dõi tin tức truyền hình về chiến tranh VN năm 1968  /// Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

 

Một gia đình Mỹ theo dõi tin tức truyền hình về chiến tranh VN năm 1968ẢNH: THƯ VIỆN QUỐC HỘI MỸ

“Truyền hình đã mang những hình ảnh tàn khốc của chiến tranh đến từng căn phòng khách”, Giáo sư sử học người Canada Marshall McLuhan mô tả về truyền thông thời Chiến tranh VN.
Từ sau Thế chiến 2, ti vi gia đình bắt đầu trở nên phổ cập tại nhiều nước nhưng số hộ có thể sở hữu “đồ chơi xa xỉ” này còn khá ít trong khi công nghệ và quy trình tác nghiệp vẫn rất thô sơ. Những hình ảnh về Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) cũng từng xuất hiện trên ti vi nhưng rất tản mạn và khá cũ so với diễn biến thực địa. Chính vì thế, các chuyên gia, trong đó có cựu Trưởng văn phòng đại diện Đài NBC tại Sài Gòn Ronald Steinman, khẳng định Chiến tranh VN là cuộc chiến đầu tiên được phát sóng rộng rãi trên truyền hình.
Đội ngũ hùng hậu
NBC, CBS và ABC là 3 đài truyền hình Mỹ có mặt tại chiến trường VN trong thập niên 1960. Thông thường, mỗi văn phòng đại diện của NBC trên thế giới chỉ 1 phóng viên, 2 người quay phim cùng 1 nhân viên văn phòng, nhưng ở Sài Gòn thì hoàn toàn khác. “Chúng tôi có 5 phóng viên, đội quay phim 5 người từ nhiều quốc gia khác nhau, xướng ngôn viên và kỹ sư bảo trì thiết bị, 5 tài xế, cùng nữ quản lý người Việt phụ trách mọi thủ tục hành chính từ thị thực, hóa đơn chứng từ cho đến thực phẩm và dịch thuật”, tờ The New York Times dẫn lời nhà báo Steinman kể.
Cuộc chiến đầu tiên lên truyền hình1

Thẻ tác nghiệp của ông Ronald Steinman do Bộ Quốc phòng Mỹ cấpẢNH: DEPARTMENT OF DEFENSE

Theo ông, Văn phòng đại diện của NBC tại Sài Gòn sở hữu thiết bị tác nghiệp thuộc hàng đẳng cấp nhất thế giới lúc bấy giờ với máy quay phim Auricon và máy quay dự phòng Bell & Howell nhỏ nhưng chắc chắn hơn cũng như sử dụng băng cuộn để ghi hình. Thủ tục xin cấp phép tác nghiệp tại VN cũng phải trải qua các bước như phóng viên báo in, phát thanh và phóng viên ảnh gồm thông qua Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, chính quyền VNCH… nhưng còn nhiêu khê hơn vì có quá nhiều thiết bị cần kiểm tra và thông quan. Lúc tác nghiệp, phóng viên “báo hình” phải mang ra chiến trường nhiều cuộn phim và pin dự phòng. Mỗi người vác khoảng 16 kg thiết bị, chưa kể nón sắt và áo giáp chống đạn. “Ở chiến trường, mang thiết bị nặng nề và thay phim là điều cực kỳ khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, ông Steinman kể.
 
 
Vào giữa thập niên 1960, truyền hình được xem là nguồn thông tin chính và có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với người dân Mỹ. Trong Chiến tranh Triều Tiên, chỉ khoảng 9% số hộ gia đình tại nước này có ti vi. Đến năm 1966, tỷ lệ này tăng lên đến 93% và ngày càng nhiều người Mỹ bắt đầu xem tin tức từ màn ảnh nhỏ nhiều hơn các nguồn khác. Trong giai đoạn 1965 – 1968, khoảng 86% chương trình tin tức hằng đêm của đài CBS và NBC tập trung vào chiến trường VN, thu hút gần 50 triệu người Mỹ theo dõi. Vào năm 1964, chỉ có 40 phóng viên chiến trường nước ngoài ở VN, nhưng con số này tăng lên đến 419 vào năm 1965 và sau đó là trên 600. Trong đó, hơn 60 người thiệt mạng, theo sách The Vietnam Veteran: A History of Neglect (tạm dịch: Cựu binh VN: Một lịch sử bị lãng quên) xuất bản năm 1984.
 

Phải sống

“Tôi đến Sài Gòn vào giữa tháng 4.1966. Công việc của tôi được định nghĩa đơn giản là cung cấp tất cả thông tin về cuộc chiến một cách chi tiết nhất cho khán giả xem đài ở Mỹ, không nghỉ phép, không kể ngày đêm và mất mạng bất kỳ lúc nào”, nhà báo Steinman hồi tưởng.
Ngày làm việc bắt đầu vào lúc 4 hay 5 giờ sáng, khi đó trưởng văn phòng chủ trì cuộc họp, phân công nhiệm vụ cho phóng viên. Do đưa tin truyền hình từ chiến trường vẫn quá mới mẻ nên hầu hết phóng viên đến VN đều là những người ít kinh nghiệm. Họ chủ yếu phải tự rèn luyện, vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm vì không trường lớp nào có thể trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng tác nghiệp ở vùng bom đạn. “Chúng tôi vẫn còn trẻ và không biết gì nhiều về quân đội, văn hóa, con người VN, nhưng phải học hỏi thật nhanh để thích ứng và sống sót. Phóng viên chiến trường phải sống cùng với binh sĩ trong các doanh trại, rừng hay thậm chí phải học cách nhảy dù từ máy bay quân sự, lăn lê bò trườn như người lính thực thụ”, ông Steinman kể.
Bên cạnh đó, họ còn nỗ lực tự học cách phân biệt tiếng súng AK-47, M-16 hay súng cối và luôn phải đội nón sắt, mặc áo chống đạn khi vào vùng chiến sự.
Mỗi khi không ra chiến trường, Steinman và các đồng nghiệp ở Sài Gòn lấy tin. Họ chủ yếu khai thác thông tin trực tiếp từ nguồn tin ngoại giao, quân sự và quan chức VNCH ngay trong bữa trưa, bữa tối hay uống cà phê tại những quán thời thượng, được coi là “trung tâm báo chí” không chính thức của Sài Gòn thời đó như Givral và Brodard. Tuy nhiên, quân đội Mỹ rất hợp tác với các phóng viên và cho phép họ đi cùng trong mọi chiến dịch. “Tài xế đưa chúng tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Cả nhóm lên trực thăng đến vùng chiến sự ghi hình. Phóng viên thường viết và thu lời bình ngay tại chỗ”, ông Steinman cho biết. Sau mỗi buổi ghi hình, ông trở về văn phòng, phân loại từng cuốn phim, bỏ vào túi màu đỏ mang chữ NBC rồi lại lập tức ra phi trường ký gửi hàng lên máy bay thương mại chuyển sang văn phòng tại Tokyo, Bangkok hoặc London. Tại đó, nhà đài mới bắt đầu biên tập, dựng phim để gửi về Mỹ phát sóng.
Nhóm phóng viên NBC nhiều lần đối mặt với tử thần khi trực thăng quân sự Mỹ mà họ “đi nhờ” trúng đạn. Trong một chuyến tác nghiệp năm 1967, một nữ cộng sự trẻ người Việt tên Tu Ngoc Suong bị thương nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Sau đó, bà đã bình phục, kết hôn với Steinman và có 3 con. “Nhiệm vụ của người phóng viên chiến trường là phải sống sót để đưa tin phục vụ khán giả qua màn ảnh nhỏ”, ông nói.
Cuộc chiến đầu tiên lên truyền hình2

Cuộc chiến đầu tiên lên truyền hình3

Phóng viên Đài ABC News tác nghiệp tại chiến trường VN năm 1968ẢNH: TƯ LIỆU CỦA ABC NEWS

Từ đưa tin đến phản chiến
Vào đầu năm 1967, các đài truyền hình chủ yếu tập trung khai thác những đợt hành động quân sự của quân đội Mỹ, không mấy bận tâm đến đời sống thường dân VN, theo quyển sách Inside Television’s First War: A Saigon Journal (tạm dịch: Cuộc chiến đầu tiên lên truyền hình: Nhật trình tại Sài Gòn) của Steinman. “Nhà sản xuất và biên tập viên từng đề ra nguyên tắc bang-bang (tiếng súng nổ – NV), tức luôn phải có cảnh chiến trường máu lửa, bom rơi và súng nổ vang trời. Nếu chúng tôi không ghi được hình ảnh lính Mỹ nổ súng, trực thăng giải cứu binh sĩ bị thương hay máy bay thả bom xuống những cánh đồng lúa, thì họ xem đó là bản tin yếu và không xuất bản. Tất cả những câu chuyện về đời sống hằng ngày của người dân đều bị gạt bỏ”, Steinman viết. Các vị sếp NBC lúc đó không hề quan tâm cuộc sống của một người đàn ông VN sẽ ra sao khi vừa mất đi vợ con sau trận bom Mỹ. Tuy nhiên, với tư cách trưởng văn phòng đại diện, Steinman không ngừng đấu tranh quyết liệt để những câu chuyện như thế có thể đến với khán giả Mỹ dù chỉ được 2 phút lên hình.
Thế nhưng, không lâu sau, giới truyền thông Mỹ dần thay đổi quan điểm đưa tin về Chiến tranh VN vì khán giả đã quá chán ngán cảnh khói lửa. Bên cạnh đó, nhiều phóng viên chiến trường ngày càng cảm thấy mệt mỏi vì những đau thương, mất mát mà họ chứng kiến hằng ngày. Nhiều người dần quên đi vai trò “quan sát viên” của mình và chuyển hướng sang phản đối chiến tranh, theo nhà báo Steinman. Bên cạnh đó, cũng nhờ truyền hình mà người dân Mỹ tận mắt chứng kiến hậu quả của cuộc chiến phi nghĩa do chính phủ phát động tại một đất nước cách nửa vòng trái đất. Điều này góp phần không nhỏ xây dựng tâm lý phản chiến của các thành phần tiến bộ tại Mỹ lẫn thế giới.
Theo The New York Times, nhà báo Steinman đã trở lại VN vào dịp 30.4.1985 để thực hiện chương trình truyền hình kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước. “Tôi một lần nữa được đi vòng quanh các con đường ở nơi tôi xem là nhà”, ông bồi hồi kể lại.
Không bảo hiểm y tế, tự thanh toán viện phí
Trong thập niên 1960, đa số phóng viên chiến trường tại VN phải chấp nhận rủi ro trong môi trường làm việc đầy nguy hiểm, không có bảo hiểm vùng chiến sự hay bảo hiểm y tế. Một trường hợp cụ thể là cựu phóng viên Đài phát thanh – truyền hình CBC (Canada) Michael Maclear, nhà báo phương Tây đầu tiên được phép vào miền Bắc VN để tác nghiệp vào tháng 9.1969. Một lần về Toronto nghỉ phép, ông Maclear phải nhập viện do viêm gan nặng sau nhiều lần bị đỉa bám hút máu lúc tác nghiệp trong rừng ở VN. “Suốt 6 tuần, tôi nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Hoá đơn viện phí lên đến 1.200 USD, cao gấp nhiều lần khoản tiết kiệm khiêm tốn của tôi”, Maclear viết trong sách Guerrilla Nation (tạm dịch: Quốc gia du kích). Đài CBC thanh toán viện phí nhưng sau đó khấu trừ lương của ông, mỗi tháng 100 USD trong suốt một năm. Theo nhà báo Maclear, lương của phóng viên chiến trường vào cuối thập niên 1960 là khoảng 13.400 USD/năm, với cam kết “làm việc mỗi ngày, kể cả ngày lễ”.


 

Phúc Duy