Chương trình giáo dục giới tính hiện nay vẫn chưa được chú trọng, giáo viên lúng túng, mức độ quan tâm mỗi trường mỗi khác. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT phải quan tâm đến giáo dục giới tính cho học sinh ngay từ sớm.
Giáo dục giới tính cho học sinh: Giáo viên đứng lớp còn ‘đỏ mặt tía tai’!
Chương trình giáo dục giới tính hiện nay vẫn chưa được chú trọng, giáo viên lúng túng, mức độ quan tâm mỗi trường mỗi khác. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT phải quan tâm đến giáo dục giới tính cho học sinh ngay từ sớm.
Giáo dục giới tính đang trở thành một vấn đề quan trọng trong quá trình giáo dục học sinh khi độ tuổi dậy thì của trẻ ngày một sớm đồng thời xã hội có những diễn biến phức tạp khi tình trạng xâm hại tình dục trẻ ngày càng nhiều. Thế nhưng, theo chương trình giáo dục hiện hành, giới tính chỉ là một nội dung tích hợp trong môn khoa học ở bậc tiểu học.
Giáo viên Trần Thị Thu Vân, Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM), nhận xét: “Hầu như từ lớp 1 đến lớp 3 không đề cập đến giáo dục giới tính, trong khi có một số học sinh dậy thì từ năm lớp 3. Học sinh lớp 4, 5 mới bắt đầu tiếp cận một vài kiến thức đơn giản qua nội dung cơ thể người, sự sinh sản, vệ sinh tuổi dậy thì…”.
Một chuyên viên tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong (Q.5, TP.HCM) nêu ý kiến: “Nội dung giáo dục giới tính chưa được tách bạch thành môn học hoặc chương trình chuyên biệt mà vẫn còn lồng ghép vào các bộ môn khác như “sức khoẻ” hay “sinh học”. Thời điểm bắt đầu học khá trễ (đầu năm lớp 5) và không liên tục (lớp 5, lớp 8, lớp 11)… Số tiết/bài quá ít, chỉ khoảng 8 tiết (lớp 5), 5 bài ở lớp 9, còn bậc THPT thì lồng ghép. Nội dung mang tính giới thiệu, phân tích sơ bộ hơn là giáo dục cả về mặt tâm lý lẫn kỹ năng cho học sinh”.
Không cho ai nhìn vào, sờ vào khu vực mặc đồ lót… là một trong những bài học mà học sinh Trường THCS Chu Văn An được học để bảo vệ bản thân tránh khỏi xâm hại tình dục.
Vị chuyên viên trên cho biết thêm: “Giáo viên đứng lớp thường e ấp, ngại ngùng, “đỏ mặt tía tai” khi phải nói đến cơ quan sinh dục, cơ chế sinh sản, giao hợp, sự thụ tinh… Còn nếu có tự tin để nói thì vấp phải sự chủ quan, cảm tính, ít chịu khó đào sâu chuyên môn và ứng dụng linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại… Do đó, học sinh không lĩnh hội được đầy đủ, muốn hỏi cũng ngại, mà chịu hỏi chưa chắc đã nhận được câu trả lời như mong đợi”.
Giáo viên đứng lớp thường e ấp, ngại ngùng, “đỏ mặt tía tai” khi phải nói đến cơ quan sinh dục, cơ chế sinh sản, giao hợp, sự thụ tinh…
Một chuyên viên tâm lý học đường Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM
Là một trong những người được gọi là “chịu khó xông pha” giáo dục giới tính nói chung và trang bị kiến thức về phòng chống xâm hại cho học sinh ở các tỉnh, thành, thạc sĩ Lê Minh Huân thừa nhận: “Nhận thức của các nhà quản lý, giáo viên chưa đồng đều, thiếu ăn khớp với nhau, một bộ phận chưa thực sự xem trọng nội dung này dẫn đến cách thức tiếp cận, tổ chức các nội dung giáo dục giới tính chưa đồng bộ, thống nhất. Hệ quả là khi tổ chức chương trình hoặc mời chúng tôi báo cáo chuyên đề về giới tính thường ở trong tâm thế bắt buộc, như phụ huynh đề xuất, phòng GD khuyến khích, xã hội đang quan tâm và cả vì phong trào cũng không phải là hiếm”.
Cần đưa vào chương trình giáo dục từ 3 tuổi
Giảng viên Nguyễn Thị Thu Huyền, Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng: “Việc dạy trẻ trong một vài giờ đồng hồ chỉ là giải pháp tình thế, khó hình thành được kỹ năng ứng phó trước các tình huống có nguy cơ. Mà giáo dục giới tính là học hỏi suốt đời, hằng ngày, trong gia đình và nhà trường. Bộ GD-ĐT phải đưa môn này vào nhà trường thành môn chính thức”.
Còn theo một giáo viên tiểu học tại Q.4: “Thời gian qua liên tục xảy ra các vụ trẻ bị xâm hại tình dục, vì thế gia đình, nhà trường và xã hội cần tăng cường biện pháp bảo vệ các bé. Tôi nghĩ nhà trường phải giáo dục giới tính cho các em ngay từ lớp 1. Nếu không trẻ mù mờ thông tin, yếu kỹ năng, sẽ gặp nguy hiểm vì không biết cách tự vệ”.
Phụ huynh Nguyễn Mai Phương (H.Bình Chánh, TP.HCM) cũng nói: “Không thể để đến lớp 4 mới bắt đầu cho học sinh tiếp cận các kiến thức về giáo dục giới tính mà phải càng sớm càng tốt. Ở mỗi bậc học, cấp lớp, các nhà quản lý giáo dục, đội ngũ xây dựng nội dung chương trình phải nghiên cứu, xem xét nên đưa mức độ kiến thức, kỹ năng nào cho phù hợp. Từ đó giúp học sinh hiểu được bản chất của việc giáo dục mà vận dụng kỹ năng để bảo vệ mình. Chứ tuyệt đối không nên dạy theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, dạy cho có. Vì như vậy chỉ khiến học sinh tò mò, không khéo lại gây tác dụng ngược”.
Thạc sĩ Lê Minh Huân cũng bày tỏ quan điểm giáo dục giới tính phải bắt đầu càng sớm càng tốt, có thể đặt điểm mốc là từ 3 tuổi. Khởi đầu của chương trình là đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và những giáo viên dạy nội dung này cho học sinh. Đây có thể ví như là cái gốc quan trọng. Quản lý, giáo viên có nhận thức được tầm quan trọng của một vấn đề thì họ mới triển khai thật sự có tâm, có tầm. Nếu không khả năng làm chiếu lệ, qua loa, làm vì phải làm là khó tránh khỏi…
Một phụ huynh trường mầm non ngạc nhiên và hoảng hốt khi con gái 5 tuổi về kể: “Con thấy cái vòi của bạn H. mẹ ơi”. Phụ huynh này trò chuyện với con thì biết bé thấy khi đi chung nhà vệ sinh với bạn.
Trong khi chúng ta cần những động thái mạnh mẽ từ việc viết sách giáo khoa, lên chương trình giáo dục giới tính với nội dung logic, đầy đủ và thiết thực thì bản thân mỗi người làm giáo dục cần là những lá cờ đầu trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức, kỹ năng, tâm lý giới tính cho học sinh trong khả năng có thể, ở mọi lúc, mọi nơi. Nhà trường căn cứ các chủ đề, chủ điểm tuần, tháng… để chủ động lồng ghép giáo dục giới tính, biến nó thành những cuộc thi, những tờ báo tường, những buổi tuyên truyền sinh động, hấp dẫn…