29/11/2024

Mỹ đề cao Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên

Giới chức Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đang leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

 

Mỹ đề cao Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên

Giới chức Mỹ đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng đang leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.




 

Tổng thống Donald Trump trả lời phỏng vấn Reuters ở Nhà TrắngẢNH: REUTERS

Những sự kiện kỷ niệm quan trọng ở Triều Tiên đã trôi qua và không xảy ra một vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa nào có thể dẫn đến hành động tấn công của Mỹ. Giới chức tại Washington tin rằng điều này có thể xuất phát từ việc Bắc Kinh đã có những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm kiềm chế Bình Nhưỡng, sau những lời kêu gọi của Mỹ.
Trung Quốc “rất cố gắng”
Lời khen ngợi Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình, được Tổng thống Donald Trump đưa ra khi trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters tại Phòng Bầu dục Nhà Trắng vào ngày 27.4. “Tôi tin ông ấy đang cố gắng rất nhiều. Ông ấy chắc chắn không muốn chứng kiến sự hỗn loạn và chết chóc”, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định. Tổng thống Mỹ cho biết ông tin nhà lãnh đạo Trung Quốc “có thể sẽ làm điều gì đó” để hoá giải nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh mới trên bán đảo Triều Tiên.
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump đề cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc xử lý cuộc khủng hoảng với Bình Nhưỡng. Trong một cuộc phỏng vấn khác được phát trên Đài Fox News hôm 18.4, chủ nhân Nhà Trắng nói rằng ông đang đối xử “hết sức tôn trọng” với Trung Quốc, do những hành động “chưa từng thấy” của nước này đối với Triều Tiên.
Cùng ngày 27.4, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết phía Trung Quốc thông báo họ đã khuyến cáo Triều Tiên rằng sẽ đơn phương áp đặt những biện pháp trừng phạt nếu Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6. “Chúng tôi biết Trung Quốc đang liên lạc với chính quyền Bình Nhưỡng. Họ đã xác nhận với chúng tôi rằng nếu Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân, họ sẽ đơn phương hành động trừng phạt”, ông Tillerson phát biểu trên Đài Fox News.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ thời điểm Trung Quốc đưa ra cảnh báo cùng những biện pháp mới của Bắc Kinh, nhưng ông ghi nhận rằng những diễn biến gây căng thẳng đã không xảy ra trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày vừa qua. Ngày 28.4 (theo giờ Mỹ), ông Tillerson chủ trì cuộc họp cấp bộ trưởng tại HĐBA để gây áp lực thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Trong phát biểu đưa ra tại cuộc họp này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo tình hình trên bán đảo Triều Tiên “có thể vuột khỏi tầm kiểm soát”.
Các phát biểu ngày 27.4 của ông Tillerson cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump tin những nỗ lực của họ đã khiến Bắc Kinh mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng. Hồi tháng 2, Trung Quốc đã cấm hoàn toàn việc nhập khẩu than từ Triều Tiên và truyền thông Trung Quốc gần đây đề cập đến khả năng hạn chế việc cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng nếu họ có thêm hành động gây căng thẳng. Bên cạnh đó, Trung Quốc được cho là đã điều quân áp sát biên giới và đặt các oanh tạc cơ vào tình trạng báo động cao trước tình huống bất ngờ có thể xảy ra ở Triều Tiên.
Không loại trừ nguy cơ xung đột
Rõ ràng, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã trở thành thách thức an ninh lớn nhất mà Tổng thống Trump phải đối mặt kể từ khi lên cầm quyền. Chính quyền của ông đầu tuần này tuyên bố sẽ tiếp tục tập trung vào các công cụ kinh tế và ngoại giao nhằm gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 27.4, ông Trump không loại trừ nguy cơ xảy ra xung đột nghiêm trọng với Triều Tiên, nhưng cho biết vẫn chuộng giải pháp ngoại giao hơn vũ lực. “Có khả năng chúng tôi cuối cùng phải đi đến một cuộc xung đột lớn với Triều Tiên. Chúng tôi thích giải quyết mọi việc theo cách ngoại giao hơn nhưng điều này thực sự quá khó”, ông nói. Theo giới quan sát, việc ông vận động Trung Quốc hành xử mạnh tay hơn với Triều Tiên được xem là một nỗ lực tránh dùng vũ lực để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên Đài phát thanh NPR sáng 28.4, Ngoại trưởng Tillerson đã đề cập vấn đề đàm phán trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông Tillerson cho biết Washington để ngỏ khả năng trên kèm theo một điều kiện Triều Tiên phải sẵn sàng đối thoại với Mỹ về lịch trình phù hợp cho lâu dài, chứ không chỉ là dừng lại ở hiện tại, trong vài tháng hoặc vài năm rồi bắt đầu lại mọi thứ như thời gian qua. Ông Tillerson cũng nói ông tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un là người “có thể thương thuyết”.
Các cuộc đàm phán đa phương với Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này đã lâm vào tình trạng bế tắc hồi năm 2008. Chính quyền của ông Barack Obama nỗ lực khôi phục vào năm 2012 nhưng thỏa thuận cung cấp lương thực cho Triều Tiên để đổi lấy việc ngừng chương trình hạt nhân đã sụp đổ. Theo AP, dự kiến vào tuần tới, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành công nghiệp vận tải biển Triều Tiên và những đối tượng sử dụng lao động Triều Tiên ở nước ngoài.

Mỹ đề cao Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên - ảnh 1

 
 

 

Trùng Quang