Theo dự kiến, chiều nay (1.3), lãnh đạo UBND TP sẽ họp để nghe các đơn vị liên quan báo cáo, góp ý đề án thí điểm thuê xe công. Nếu được thông qua, thời gian thí điểm sẽ kéo dài trong 6 tháng.
Trước mắt, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm tại 5 đơn vị: Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, UBND Q.Bình Thạnh và UBND H.Bình Chánh. Các đơn vị sẽ chuyển giao số xe công cùng lực lượng tài xế, tạp vụ và bảo vệ của đơn vị mình cho Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích (TNXP) quản lý. Khi có nhu cầu, các đơn vị sẽ thuê lại xe, tài xế, tạp vụ, bảo vệ để sử dụng.
Nhiều hình thức lựa chọn
Ông Lê Minh Khoa, Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP TP.HCM – đơn vị xây dựng đề án “Kinh doanh và phục vụ hoạt động chính quyền TP.HCM”, cho biết 5 đơn vị thí điểm đang quản lý 26 đầu xe, 22 lái xe, 50 bảo vệ, 21 nhân viên tạp vụ. Với chi phí hoạt động mỗi xe (tính cả tiền lương cho lái xe) là gần 17 triệu đồng/tháng (số ki lô mét đi là 22.932 km/tháng/26 xe), chi hoạt động bảo vệ, tạp vụ khoảng 7,2 tỉ đồng/5 đơn vị; thu nhập bình quân của lái xe là 10,1 triệu đồng/tháng, bảo vệ gần 8,1 triệu đồng/tháng, tạp vụ 7,8 triệu đồng/tháng. Khi thực hiện thí điểm đề án, thu nhập của người lao động sẽ thấp hơn mức cũ bởi tính theo lương khoán phụ thuộc đơn giá cho thuê được Sở Tài chính phê duyệt. Dự kiến, lái xe gần 8,1 triệu đồng, bảo vệ hơn 6,1 triệu đồng và tạp vụ hơn 6,1 triệu đồng.
Đề án cũng nêu mỗi đơn vị chỉ được bố trí cho thuê 2 xe, nếu có nhu cầu thuê thêm hoặc đột xuất ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật hay lễ, tết thì công ty sẽ bố trí thêm 10 ô tô từ 4 – 16 chỗ đời mới (từ 2015 trở lên) phục vụ 24/24 để đáp ứng nhu cầu. Đơn giá tính theo ki lô mét hoặc theo chuyến. Bên cho thuê sẽ bố trí thường trực ô tô cho thuê theo tháng tại trụ sở làm việc của bên thuê nhằm điều động kịp thời nhu cầu công tác của bên thuê. Việc thanh toán vào cuối tháng.
Đơn giá thuê ô tô 4 – 5 chỗ 20 triệu đồng/tháng; 7 – 8 chỗ 24 triệu đồng/tháng; 12 chỗ 25 triệu đồng/tháng; 15 – 16 chỗ 28 triệu đồng/tháng. Định mức mỗi xe 2.000 km/tháng. Thời gian làm việc từ 7 – 18 giờ từ thứ hai đến thứ bảy. Xe chạy ngoài định mức, cứ mỗi ki lô mét tính thêm 5.000 – 9.000 đồng/km, tùy loại xe. Nếu xe đi ngoại tỉnh, thu thêm phí lưu trú lái xe là 200.000 đồng/đêm.
Ngoài ra, đơn vị có thể lựa chọn thuê theo hình thức ki lô mét, với đơn giá 12.000 – 18.000 đồng/km, tùy loại xe. Đối với đơn giá cho thuê nhân viên bảo vệ, tạp vụ, nếu làm 12 tiếng/ngày giá 7,9 triệu đồng/người/tháng, làm 24 giờ/ngày đơn giá 14 triệu đồng/người/tháng.
|
|
Theo Bộ Tài chính, nếu đề án thí điểm thuê xe công được áp dụng trên cả nước sẽ giảm khoảng 10.000 xe công, ngân sách tiết kiệm được 3.400 tỉ đồng/năm. Đồng thời nạn dùng xe công đi việc riêng chắc chắn sẽ chấm dứt.
|
|
|
Tiết kiệm tiền tỉ mỗi năm
Cũng theo đề án, các đơn vị sẽ đặt xe thông qua số điện thoại tổng đài trung tâm hoặc đặt xe qua ứng dụng TNXP car được cài đặt trên điện thoại, máy tính của người dùng. Xe của 5 đơn vị sau khi TNXP tiếp nhận sẽ đầu tư, mua sắm, lắp đặt hộp đen giám sát hành trình, thiết bị dẫn đường phục vụ công tác quản lý, vận hành trong thời gian thí điểm.
“Việc thực hiện thí điểm 5 đơn vị sẽ tiết kiệm cho ngân sách hơn 105 triệu đồng/tháng, tương đương hơn 1,26 tỉ đồng/năm. Cụ thể, Văn phòng UBND TP.HCM giảm nhiều nhất trong 5 đơn vị, thay vì phải chi trả gần 6,4 tỉ đồng cho hoạt động xe, bảo vệ, tạp vụ thì khi thí điểm chỉ trả gần 4,7 tỉ đồng/năm; riêng Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tăng từ gần 1,3 tỉ đồng/năm lên hơn 1,9 tỉ đồng/năm (do trước đây ban chưa phải chi trả hoạt động tạp vụ), Sở Tài chính tăng 23 triệu đồng/năm; còn các đơn vị khác giảm từ 37 triệu đồng đến 232 triệu đồng/năm”, đề án nêu.
Rà soát, thanh lý xe dôi dư
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, TP hiện có khoảng 700 ô tô công. Đa phần các xe này đã cũ, tiền bảo trì, bảo dưỡng, duy tu sửa chữa mỗi năm rất lớn. Đáng lưu ý, việc bố trí xe công ở một số đơn vị còn chưa phù hợp, có sở ngành quá mức quy định cho phép về xe công, có đơn vị ít. Qua thí điểm, TP rà soát lại số xe công phục vụ chức danh, phục vụ công tác chung và chuyên dùng. Các xe công dư ra TP thu hồi, chờ thanh lý nộp tiền vào ngân sách. Tất cả xe công sẽ gắn biển số trắng, thay vì biển số xanh như hiện nay.
“Xe và nhân viên đưa về một đầu mối quản lý giúp tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp đóng trên địa bàn, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, lại đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác trong các cơ quan, đơn vị đang làm việc tại TP”, ông Tuyến đánh giá và cho rằng việc thí điểm giúp quản lý, sử dụng xe công hiệu quả hơn vì hiện nay có những ngày lãnh đạo sở ngành, quận huyện không đi họp hoặc chỉ đi họp một buổi thì lãng phí xe và lái xe.