Khánh thành tượng Pieta Việt Nam tại đảo Jeju: Thông điệp hoà bình
Lễ họp báo và khánh thành tượng Pieta Việt Nam diễn ra lúc 15h ngày 26-4 tại Trung tâm hoà bình St. Francis, Jeju, Hàn Quốc.
Khánh thành tượng Pieta Việt Nam tại đảo Jeju: Thông điệp hoà bình
Lễ họp báo và khánh thành tượng Pieta Việt Nam diễn ra lúc 15h ngày 26-4 tại Trung tâm hoà bình St. Francis, Jeju, Hàn Quốc.
Các thành viên của hội đồng Quỹ hoà bình Hàn – Việt và các đại biểu chụp hình kỷ niệm trước tượng Pieta Việt Nam ngày 26-4 – Ảnh: Woohae CHO |
Dự buổi họp báo và lễ khánh thành tượng Pieta Việt Nam có hơn 200 đại diện từ các cơ quan báo chí, đài truyền hình lớn tại Hàn Quốc đến đưa tin, đại diện của Quỹ hoà bình Hàn – Việt, đại diện từ các cơ quan tôn giáo cùng người dân trong khu vực làng Gangjeong nói riêng và đảo Jeju nói chung.
Lời xin lỗi sâu sắc
Buổi lễ khánh thành tượng Pieta Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa kêu gọi hòa bình, tình hữu nghị Hàn – Việt và gửi lời xin lỗi sâu sắc đến người dân Việt Nam vì những vết thương mà quân đội Nam Hàn trước đây gây ra với người dân miền Trung Việt Nam trong quá khứ, mà còn là thông điệp gửi đến toàn thể người dân Hàn Quốc cũng như Chính phủ Hàn Quốc về việc cần công khai và xác nhận sự thật lịch sử về những tội ác chiến tranh của quân đội Nam Hàn tại Việt Nam.
Buổi họp báo được mở đầu trong bầu không khí ấm cúng với ca khúc Mùa xuân của Đoàn Nghĩa do hai nghệ sĩ Moon Jin O và Kim Eun Hee trình diễn. Bài hát được sáng tác nhạc dựa trên lời bài thơ cùng tên của nhà thơ Kim Kyung Hoon, diễn tả nỗi đau và sự day dứt của Đoàn Nghĩa, một trong những nạn nhân trực tiếp của vụ thảm sát Bình Hoà năm nào. Ca từ của bài hát cùng giọng hát da diết của các nghệ sĩ đã khiến nhiều người tham dự buổi lễ không khỏi xúc động.
Bạn Kim Kwang Chul, đại diện cho thế hệ trẻ tham dự buổi lễ, cũng là MC chính của buổi họp báo, đã bày tỏ sự xúc động khi được nghe lại bài hát một lần nữa tại Jeju. Bạn cũng là một trong số các bạn trẻ Hàn Quốc đến thăm lại hiện trường của những cuộc thảm sát khi xưa, được gặp các nạn nhân cũng như nghe bài hát về nỗi đau day dứt của họ.
Bà Jung Seon Nye, chủ tịch Trung tâm hòa bình St. Francis, đã có lời phát biểu cảm nghĩ về buổi lễ cũng như nhấn mạnh về việc cần thiết nâng cao, nhân rộng hơn nữa những buổi toạ đàm bổ ích về Việt Nam để nhiều thế hệ trẻ có thể biết đến rộng rãi hơn, kêu gọi hoà bình và xoa dịu vết thương chiến tranh của các bên.
Hòa bình cho tất cả chúng ta
Nhà điêu khắc Kim Seo Gyeong, một trong hai tác giả của bức tượng Pieta Việt Nam, chia sẻ câu chuyện và những cảm xúc của mình về bối cảnh sáng tác tượng Pieta Việt Nam và ý nghĩa của bức tượng với những thành viên có mặt trong buổi lễ, đồng thời tác giả cũng đọc phần diễn giải ghi dưới bức tượng Pieta Việt Nam.
Cũng trong buổi lễ, toàn thể đại biểu tham dự đã được nghe bài thơ Bông súng của nhà thơ Chim Trắng cũng như những chia sẻ chân tình, sự cảm động của nhà thơ Thanh Thảo gửi đến phong trào “Xin lỗi Việt Nam” cho những nỗ lực không ngừng nghỉ đòi lại sự thật và công bằng cho những người dân ở làng Bình Hoà. Nhà thơ Thanh Thảo gửi lời nhắn về thông điệp hòa bình đến những người dân ở làng Gangjeong, góp một phần tiếng nói hi vọng hoà bình và công bằng sẽ sớm lập lại tại mảnh đất xinh đẹp này: “Xin hãy để cho hai dân tộc cùng cất cao tiếng hát hoà bình. Xin hãy để cho hoà bình được thực sự là hoà bình cho tất cả chúng ta”.
Buổi lễ khép lại với phần trình diễn múa Salpuri ấn tượng của nghệ sĩ múa Kim Mi Seon như một lời cầu siêu đến các nạn nhân của thảm sát chiến tranh cũng như một lời cầu nguyện hoà bình đến với hai đất nước Việt Nam và Hàn Quốc. Trang phục múa màu trắng ấn tượng cùng vũ đạo thanh thoát và biểu cảm xúc động thực sự đã lay động tất cả những ai có mặt trong buổi lễ.
Ông Kang U Il, chủ tịch Quỹ hoà bình Hàn – Việt, trong bài phát biểu đã gửi lời xin lỗi sâu sắc đến Việt Nam về những tội ác chiến tranh do quân đội Nam Hàn trước đây gây ra. Thông qua việc đặt tượng Pieta Việt Nam tại Jeju, Quỹ hoà bình Hàn – Việt hi vọng sẽ đóng góp được phần nào vào việc làm sáng tỏ và phục hồi sự thật lịch sử về việc thảm sát thường dân của quân đội Nam Hàn trước đây. Bài phát biểu một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc có sự xác nhận chính thức và trách nhiệm đối với việc giải quyết các vấn đề liên quan đến sự hiện diện của quân đội Nam Hàn tại Việt Nam trong quá khứ. |