29/11/2024

Khởi nghiệp từ trái mãng cầu xiêm ở lề đường

Xuất thân từ “nghề” bán trái mãng cầu xiêm ở lề đường, Đặng Quý Ngọc (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã phấn đấu trở thành một doanh nghiệp ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu thức uống mãng cầu với các đối tác Singapore, Hong Kong, Malaysia, Hàn Quốc…

 

Khởi nghiệp từ trái mãng cầu xiêm ở lề đường

Xuất thân từ “nghề” bán trái mãng cầu xiêm ở lề đường, Đặng Quý Ngọc (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đã phấn đấu trở thành một doanh nghiệp ký kết được nhiều đơn hàng xuất khẩu thức uống mãng cầu với các đối tác Singapore, Hong Kong, Malaysia, Hàn Quốc…

 

 

 

Khởi nghiệp từ trái mãng cầu xiêm ở lề đường
Đặng Quý Ngọc (trái) tiếp thị với khách hàng về sản phẩm của công ty tại hội chợ Hàng Việt về nông thôn ở Lai Vung – Ảnh: Thành Nhơn

Khởi nghiệp khó tránh khỏi những thất bại ban đầu, nếu ai thiếu kiên trì sẽ dễ dàng chùn bước. Do đó, để khởi nghiệp thành công thì ngoài kinh nghiệm và tài chính thì bản thân người khởi nghiệp phải cứng đầu.

Đặng Quý Ngọc

“Tôi chọn khởi nghiệp từ trái mãng cầu xiêm trước hết là giúp bà con nông dân một nắng hai sương quê tôi có đầu ra ổn định, không còn phải chịu cảnh thương lái ép giá rồi phải bán rẻ như cho. Ngoài ra, tôi muốn nâng cao giá trị cho loại trái cây đặc sản này của quê nhà mà nhiều người lâu nay vẫn nghĩ đó chỉ là loại trái cây để ăn chơi” – Ngọc chia sẻ.

Mãng cầu lề đường

Những ngày này, Ngọc di chuyển như con thoi giữa Đồng Tháp và TP.HCM để ký kết hợp đồng với khách hàng, đồng thời giám sát, quản lý cơ sở sản xuất tại quê nhà.

Anh chia sẻ: “Tôi vừa xuất lô hàng thức uống mãng cầu dinh dưỡng và mãng cầu sấy dẻo ra Hà Nội hơn 100 triệu đồng, bước đầu ghi nhận những tín hiệu hết sức tích cực từ thị trường. Các đối tác nước ngoài cũng đã bắt đầu tin tưởng sản phẩm sau khi thăm trực tiếp vùng nguyên liệu mãng cầu sạch được trồng tại Đồng Tháp”.

Để có được thành công như hôm nay, ít ai biết chàng trai nhỏ thó này phải trải qua quá trình khởi nghiệp với không ít biến cố. Gia đình Ngọc chỉ có vài công đất trồng mãng cầu xiêm, nhưng hễ đến mùa thì bị thương lái mua với giá rẻ mạt. Thương công sức cha mẹ và cũng để phụ giúp gia đình, Ngọc tình nguyện chở mãng cầu của nhà mình đi bán lẻ ở lề đường tại các chợ ở Sa Đéc, Long Xuyên.

Học hết lớp 12, Ngọc lên TP.HCM làm công nhân may, song song vẫn đưa trái mãng cầu từ quê nhà lên bán. “Tôi vẫn nhớ như in ngày lãnh tháng lương đầu tiên có 630.000 đồng mà tôi mừng muốn khóc. Ngày đó công việc rất vất vả nhưng lại dạy cho tôi những bài học đáng quý. Nó dạy tôi quý trọng sức lao động cũng như tiếp thêm nghị lực để tôi thay đổi số phận”.

Ngoài giờ làm công nhân, Ngọc tranh thủ học tin học, ngoại ngữ vì biết chỉ có kiến thức mới giúp bản thân tìm kiếm những cơ hội đổi đời. May mắn đến với Ngọc khi trong một lần tuyển dụng, với vốn tiếng Hoa của mình, Ngọc được một công ty sản xuất linh kiện máy photocopy ở TP.HCM nhận vào làm việc, có cơ hội tiếp xúc với ngành xuất nhập khẩu.

Dù đã làm nhân viên với mức lương tương đối, nhưng ước mơ khởi nghiệp với trái mãng cầu quê nhà vẫn thôi thúc Ngọc hằng ngày. Bằng chứng là anh vẫn đi liên hệ với các chợ đầu mối trái cây lớn tìm đối tác cung ứng trái cây tươi. Không chỉ dừng lại ở đó, thông qua công việc làm chứng từ xuất nhập khẩu, Ngọc bắt đầu tìm hướng đi giúp trái mãng cầu xuất ngoại.

Thế rồi những lô hàng mãng cầu tươi đầu tiên được Ngọc xuất sang Singapore. Bắt đầu từ những lô hàng xách tay chừng 10kg, sau đó tăng lên 50kg, 100kg rồi hơn 1 tấn mỗi lần xuất hàng. “Tuy xuất được hàng, kiếm được tiền nhưng bản thân tôi luôn trăn trở. Chẳng lẽ cứ xuất mãng cầu tươi hoài, tại sao lại không tìm cách nâng cao giá trị cho trái mãng cầu quê nhà. Thế là tôi bắt đầu với vô vàn thử thách, biến cố” – Ngọc chia sẻ.

“Muốn thành công phải cứng đầu”

Nghĩ là làm, với số vốn ít ỏi tích góp cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, Ngọc tập tành mở công ty, sản xuất các sản phẩm từ trái mãng cầu quê nhà.

Là dân tay ngang chuyển qua lĩnh vực chế biến thực phẩm đầy mới mẻ, Ngọc đón nhận thách thức đầu tiên khi sản phẩm liên tục thất bại trong quá trình thử nghiệm. Mãng cầu bị lên men, xuống màu, hương vị sản phẩm cũng thay đổi nhiều so với trái mãng cầu tươi nguyên chất, khiến nhiều lô hàng sản xuất liên tục thất bại.

Ngoài ra, thị trường cũng chưa tiếp nhận loại thức uống còn mới mẻ này nên Ngọc đã có lúc xuống tinh thần.

“Lúc đó, hơn 600 triệu đồng của tôi và bạn bè tích góp nhiều năm trời mất sạch. Bản thân tôi đã nghĩ đến cái chết để trốn nợ, tuy nhiên sau khi bình tâm lại thì tôi quyết tâm sẽ tiếp tục với hướng đi mà mình đã chọn” – Ngọc nói.

Rồi Ngọc lần mò đến các hội chợ thương mại quốc tế, triển lãm quốc tế về thực phẩm và công nghệ thực phẩm tìm hướng đi thích hợp cho các sản phẩm mà bản thân đang muốn phát triển.

Thông qua những cộng sự chuyên sâu trong lĩnh vực thực phẩm cũng như sự hỗ trợ từ đối tác bên Singapore, Ngọc cho ra thị trường thức uống mãng cầu xiêm mới toanh vào tháng 9-2016 với hương vị, màu sắc sản phẩm như mãng cầu tươi nguyên chất. Lô hàng đầu tiên được khách hàng đón nhận nhiệt tình, nhiều đối tác lớn cũng đến liên hệ hợp tác.

Ngoài thức uống mãng cầu dinh dưỡng, hiện Ngọc đang nghiên cứu phát triển nước cốt mãng cầu, trà mãng cầu, nước giải khát mãng cầu để phục vụ nhu cầu của thị trường. “Đa dạng các dòng sản phẩm từ trái mãng cầu đồng nghĩa với việc nâng cao giá trị của loại nông sản này, từ đó giúp nông dân quê tôi không phải bán trái mãng cầu tươi với giá rẻ mạt nữa” – Ngọc tâm tình.

Hiện tại, Ngọc đang hướng dẫn nông dân Lai Vung và các huyện lân cận trồng, chăm sóc trái mãng cầu xiêm theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP để có thể xâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế và tạo vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất của mình. Ngọc cho rằng điều đó có lợi cho nông dân vì họ sẽ bán được với giá cao hơn.

Ông Cao Trọng Danh, chánh văn phòng UBND huyện Lai Vung, cho rằng Ngọc là điển hình của lớp thanh niên khởi nghiệp mới với sự sáng tạo, học hỏi không ngừng nghỉ.

Ông nói: “Từ loại trái cây giá trị thấp tại quê nhà, Ngọc đã mày mò tạo ra những dòng thực phẩm có giá trị cao, góp phần ổn định thu nhập của bà con nông dân và nâng cao vị thế nông sản của địa phương”.

THÀNH NHƠN