29/11/2024

Lo ngân hàng né cổ tức

Đang “mùa” đại hội cổ đông, một số ngân hàng, doanh nghiệp đã có những đại hội “nóng” với tranh luận xoay quanh vấn đề cổ tức và giá cổ phiếu.

 

Lo ngân hàng né cổ tức

 Đang “mùa” đại hội cổ đông, một số ngân hàng, doanh nghiệp đã có những đại hội “nóng” với tranh luận xoay quanh vấn đề cổ tức và giá cổ phiếu.

 

 

 

Lo ngân hàng né cổ tức
Cổ đông cho rằng dù ít dù nhiều, ngân hàng, doanh nghiệp nên có cổ tức cho cổ đông. Trong ảnh: tại đại hội cổ đông Ngân hàng SCB – Ảnh: A.H.

Tuy nhiên, cổ đông của một số ngân hàng (NH), doanh nghiệp năm nay sẽ vẫn không có cổ tức…

Nhà đầu tư ngóng chờ…

Tại đại hội cổ đông NH Sài Gòn (SCB) vừa tổ chức, cổ đông Thân Trọng Tâm than làm cổ đông của NH hơn 10 năm mà chưa được chia cổ tức. Trong khi đó giá cổ phần của SCB hiện ở mức rất thấp.

“Nay NH đang trong giai đoạn tái cơ cấu nên cổ đông không biết chờ đợi đến khi nào. Tôi đề nghị hội đồng quản trị NH mua lại cổ phần của cổ đông nhỏ lẻ của chúng tôi (dự đoán khoảng 100 tỉ đồng), chúng tôi chịu đựng lâu dài quá” – cổ đông này nói.

 

Trả lời, ông Võ Tấn Hoàng Văn – tổng giám đốc SCB – cho biết lợi nhuận để lại của SCB đến nay còn hơn 500 tỉ đồng nhưng SCB không được chia vì theo quy định của NH Nhà nước, NH phải giữ lại để tăng năng lực tài chính.

 

“Nếu NH Nhà nước cho phép, SCB sẵn sàng chia. Giữ lại để vốn sinh sôi nảy nở, giúp NH hoạt động tốt hơn. Đây là chủ trương chung chứ không phải ý chí chủ quan của hội đồng quản trị” – ông Văn khẳng định.

Không chỉ SCB, Techcombank năm nay cũng không chia cổ tức. NH này cho biết trong số 3.996 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2016, NH sẽ trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, trích quỹ dự phòng tài chính cho NH mẹ và công ty con.

NH động viên cổ đông rằng năm 2017 sẽ trích lập hết các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, năm 2018 kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn rất nhiều.

Trong khi đó, VPBank cũng không chia cổ tức bằng tiền mặt. Lý do là NH vẫn cần một nguồn vốn lớn để thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2017 nên năm nay đề xuất trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Dù là một trong hai NH thương mại tại TP được duyệt chi mức cổ tức 10% (trong đó 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu) nhưng nhiều cổ đông của NH Phương Đông vẫn than phiền về mức giá quá thấp.

Nhiều cổ đông cho biết họ mua cổ phần OCB cách đây 10 năm với giá gấp 3 lần mệnh giá, nay giá chỉ còn 6.500 đồng/cổ phần. Cổ đông đề nghị NH vực dậy giá cổ phần, đồng thời nói rõ thời gian sẽ niêm yết.

Trả lời, lãnh đạo OCB mong cổ đông kiên trì thêm… 1-2 năm nữa, khi đó giá cổ phần sẽ ở trên mức 10.000 đồng. Về việc niêm yết, lãnh đạo OCB cho biết khi nào có phương án cụ thể sẽ thông báo đến cổ đông và trấn an cổ đông sẽ không phải chờ… quá lâu.

“Cơm không ăn, 
gạo còn đó?”

Trước bức xúc tại đại hội cổ đông SCB, ông Nguyễn Văn Dũng – cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II) – nêu vấn đề mà các NH phải giải quyết trước khi chia cổ tức là: xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính…

“Trong bối cảnh tái cơ cấu hiện nay, NH cần phải ưu tiên nâng cao năng lực tài chính trước. Điều chúng ta muốn chính là đảm bảo hoạt động NH an toàn, cơm không ăn gạo còn đó” – ông Dũng nói và mong muốn cổ đông hiểu, chia sẻ.

Không chỉ NH, cổ đông của nhiều doanh nghiệp khác cũng than phiền việc doanh nghiệp liên tục “né” trả cổ tức bằng tiền.

Như anh P.N.T. (Hà Nội) sở hữu hơn 40.000 cổ phiếu F (doanh nghiệp có tiếng trong ngành bất động sản) cho biết rất ngại mỗi lần nghe doanh nghiệp này nói trả thưởng bằng cổ phiếu.

Họa hoằn lắm doanh nghiệp trên mới trả bằng tiền nhưng tỉ lệ rất ít, còn lại vẫn là trả bằng cổ phiếu, có thể còn kèm cả phát hành thêm.

“Mỗi lần như vậy, giá cổ phiếu lại đi xuống. Chúng tôi thiệt kép” – anh T. cho biết. Doanh nghiệp luôn có nhu cầu đầu tư, nhưng anh T. cho rằng các doanh nghiệp cần chia sẻ với nhà đầu tư. “Muốn đầu tư lâu dài mà thấy doanh nghiệp luôn khát vốn, ít tiền mặt thế này chúng tôi cũng ngại. Có lẽ sẽ phải bán” – anh T. nói.

A.HỒNG – A.ĐỨC