Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, do đa số TS chọn xét tuyển khối A và D1 nên xu hướng chọn ngành nghề của TS nhiều ở khối ngành kỹ thuật, trong đó nhiều nhất là ngành công nghệ thông tin…
Thí sinh chọn ngành công nghệ thông tin nhiều nhất
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, do đa số TS chọn xét tuyển khối A và D1 nên xu hướng chọn ngành nghề của TS nhiều ở khối ngành kỹ thuật, trong đó nhiều nhất là ngành công nghệ thông tin…
Nguyện vọng thí sinh tăng, Bộ GD-ĐT hứa sẽ giúp các trường lọc ảo, phần lớn thí sinh vẫn chọn xét tuyển theo 3 môn của khối thi truyền thống… là những thông tin đáng chú ý sau khi kết thúc thời hạn đăng ký dự thi THPT quốc gia 2017 vào hôm qua (20.4).
Trung bình mỗi thí sinh 4 – 5 nguyện vọng
Gần 860.000 TS đăng ký dự thi
Thống kê của Bộ GD-ĐT đến 17 giờ ngày 20.4 , cả nước có 859.835 hồ sơ đăng ký dự thi được cập nhật lên hệ thống. Trong đó, có 643.157 đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ (74,8%); số hồ sơ TS tự do là 79.714 (9,27%); 37,39% TS chọn bài khoa học tự nhiên; 48,54% chọn bài thi khoa học xã hội; 8,26% chọn cả hai bài thi.
Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy dù năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển, nhưng phần đông thí sinh (TS) chỉ chọn lựa 4 – 5 NV. Thậm chí, có đến 13% TS chỉ đăng ký 1 NV, 30% TS đăng ký 2 NV.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận xét TS đã biết phân tích, tính toán phương án đăng ký xét tuyển một cách khoa học để không phải điều chỉnh NV sau khi có kết quả thi. Qua phân tích dữ liệu cho thấy, đa số TS đã suy nghĩ kỹ càng: đăng ký một vài NV cao hơn kết quả thi dự kiến, một vài NV sát với kết quả và một vài NV thấp hơn. “Với cách thức đăng ký xét tuyển mà các em đã thực hiện như vậy, sau khi có kết quả thi, sẽ có ít TS thực hiện điều chỉnh NV, trừ những TS có kết quả thi lệch xa với kết quả mà các em dự kiến”, ông Ga nhìn nhận.
Bộ sẽ giúp các trường “lọc ảo” ?
Không ít trường lo ngại việc cho phép TS đăng ký NV không giới hạn sẽ dẫn tới tình trạng NV ảo rất lớn và việc xác định điểm chuẩn trúng tuyển sẽ phức tạp hơn.
Xung quanh vấn đề này, ông Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ cũng đã lường trước được việc này nên đã có giải pháp hỗ trợ các trường lọc ảo. Bộ sẽ cung cấp tất cả dữ liệu của TS để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất. Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên cổng tuyển sinh của Bộ. Phần mềm sẽ loại bỏ những NV thấp của TS đã trúng tuyển nhiều NV để đảm bảo mỗi TS chỉ trúng tuyển 1 NV cao nhất (nếu có) trong tất cả các danh sách mà các trường gửi lên”.
Để xử lý vấn đề TS ảo hiệu quả, ông Ga đề nghị các trường nên phối hợp với nhau thành nhóm để xét tuyển. Khi đó, nhóm có thể loại bỏ trước những TS trúng tuyển NV thấp trong nhóm để khi đưa lên cổng tuyển sinh chỉ còn lọc những TS trúng tuyển ngoài nhóm. Khi tham gia nhóm, các trường có thể ngồi lại với nhau để xác định điểm chuẩn phù hợp.
Khối thi truyền thống vẫn chiếm ưu thế
Thống kê của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy các tổ hợp xét tuyển truyền thống (khối A, A1, B, C, D1 cũ) vẫn chiếm tỷ lệ TS đăng ký cao nhất (trên 80% số NV). Trong đó, các môn thuộc khối A (toán – vật lý – hoá học) vẫn đạt tỷ lệ cao nhất, chiếm 1/3 tổng số NV đăng ký vào các trường. Sau đó là khối D1 (toán – ngữ văn – tiếng Anh), khối C (ngữ văn – lịch sử – địa lý), khối A1 (toán – vật lý – tiếng Anh), khối B (toán – hoá học – sinh học). Tổ hợp văn – sử – địa cũng đạt khoảng 15% lượng đăng ký, nhỉnh hơn một vài năm trước.
Thống kê của Bộ GD-ĐT hết ngày hôm qua (19.4), số lượng nguyện vọng (NV) đăng ký của thí sinh (TS) vào các trường tiếp tục tăng lên.
Theo ông Ga, do đa số TS chọn xét tuyển khối A và D1 nên xu hướng chọn ngành nghề của TS nhiều ở khối ngành kỹ thuật, trong đó nhiều nhất là ngành công nghệ thông tin; tiếp đến là ngành luật, tài chính ngân hàng, kinh tế, quản trị kinh doanh. TS chọn xét tuyển theo khối B truyền thống thì đa số chọn ngành bác sĩ đa khoa.
Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng nếu có thay đổi nhiều về việc chọn tổ hợp môn thì chắc sẽ trong một vài năm tới, khi học sinh có thời gian chuẩn bị ít nhất là 2 năm học cho việc ôn tập.
Trong số những tổ hợp xét tuyển mới, đứng đầu về lượng đăng ký là tổ hợp C3 (ngữ văn – toán – lịch sử), tiếp đến là các tổ hợp C4 (ngữ văn – toán – địa lý), C1 (ngữ văn – toán – vật lý), D14 (ngữ văn – lịch sử – tiếng Anh). Tuy nhiên, ngay cả tổ hợp có lượng đăng ký cao nhất trong số các tổ hợp mới cũng đạt chưa đến 5% lượng đăng ký…
Thí sinh chọn môn khoa học tự nhiên không giảm
Số lượng TS chọn bài thi khoa học xã hội tăng mạnh, nhưng theo Bộ GD-ĐT, điều này không đồng nghĩa với việc số TS chọn môn khoa học tự nhiên giảm. Thống kê cho thấy TS chọn các môn khoa học tự nhiên vẫn giữ ổn định như các năm trước.
Sau 6 ngày thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy xu hướng chọn môn thi khoa học xã hội của học sinh lớp 12 năm nay tăng hơn hẳn các năm trước.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga lý giải: “Các năm trước, TS chủ yếu chọn môn ưu thế trùng với môn đã chuẩn bị để đăng ký xét tuyển. Do tổ hợp truyền thống toán – lý – hóa (khối A) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp văn – sử – địa (khối C cũ), nên số TS đăng ký dự thi các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia cao vượt trội so với các môn khoa học xã hội. Tuy nhiên, với phương án thi năm 2017, có xuất hiện các bài thi tổ hợp, quy chế lại cho phép TS được lựa chọn một trong hai bài thi, nhưng cũng có thể chọn lựa cả hai bài để lấy kết quả bài thi cao hơn xét tốt nghiệp”.
Theo ông Ga, bên cạnh việc lựa chọn bài thi để xét tuyển, TS cũng cân nhắc chọn bài thi phù hợp để đủ điều kiện xét công nhận tốt nghiệp. Việc đổi mới phương thức thi từ tự luận sang trắc nghiệm, không bắt buộc phải học thuộc lòng máy móc, cũng giúp cho TS ôn tập các môn xã hội hiệu quả hơn. Ngoài ra, năm nay các trường cũng đề ra các tổ hợp xét tuyển mới trong đó nhiều tổ hợp có các môn xã hội cũng tạo điều kiện cho TS có nhiều cơ hội lựa chọn. “Đó chính là những lý do số lượng TS chọn bài thi khoa học xã hội tăng lên nhiều”, ông Ga nói.
HS thay đổi nguyện vọng “tưng bừng”
Tại TP.HCM, theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố số liệu TS đăng ký vào một số trường ĐH, học sinh (HS) đã điều chỉnh hồ sơ khá nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu phó Trường THPT Thủ Đức, có khoảng 5% số HS điều chỉnh NV thấp hơn đăng ký ban đầu.
Tương tự, ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, cho biết: “Sau khi tham khảo số liệu từ Bộ GD-ĐT, HS thay đổi NV tưng bừng”. Cũng theo ông Phước, có khoảng 20% HS thay đổi thứ tự NV, nhà trường phải trấn an HS hãy yên tâm vì sau khi thi, từ mức độ làm bài thi của mình, HS sẽ vững cơ sở để thay đổi NV hơn”.
Ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, thông tin: “Bộ phận nhập liệu của trường 2 ngày nay làm việc khá vất vả. Do có nhiều thay đổi từ hình thức thi cho đến xét tuyển nên các em khá bối rối, lúng túng”.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, phán đoán HS một số trường THPT thuộc tốp đầu, kiến thức khá ổn định nên hầu như không bị ảnh hưởng trước những số liệu đăng ký NV lần này. Ông Khương còn cho biết có một HS của trường đăng ký 20 NV chủ yếu là các ngành kiến trúc và xây dựng.