29/11/2024

Nguy cơ học xong thất nghiệp

Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời năm 2014 quy định người tốt nghiệp THCS chỉ cần học 2 năm là có bằng trung cấp. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung cấp, đối tượng này mới 17 tuổi, nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng.

 

Nguy cơ học xong thất nghiệp
 
 
Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời năm 2014 quy định người tốt nghiệp THCS chỉ cần học 2 năm là có bằng trung cấp. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung cấp, đối tượng này mới 17 tuổi, nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng.





Chương trình học rút ngắn khiến học sinh lớp 9 chọn học trung cấp sẽ là lao động chưa thành niên khi tốt nghiệp nên khó được tuyển dụng
 /// Ảnh: T.C

 

Chương trình học rút ngắn khiến học sinh lớp 9 chọn học trung cấp sẽ là lao động chưa thành niên khi tốt nghiệp nên khó được tuyển dụngẢNH: T.C

 

Doanh nghiệp e ngại
Phó hiệu trưởng một trường trung cấp nói: “Chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai để tạo đầu ra cho học sinh. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, các doanh nghiệp cho biết sẽ không nhận người lao động chưa đủ 18 tuổi. Trong khi đó, luật Giáo dục nghề nghiệp và Thông tư 09 của Bộ LĐ-TB-XH quy định về thời gian đào tạo trung cấp, với đối tượng tốt nghiệp THCS chỉ cần học từ 1 – 2 năm là xong chương trình. Lúc đó các em mới 16 – 17 tuổi!”.
Theo bộ luật Lao động, dưới 18 tuổi là lao động chưa thành niên. Nhà tuyển dụng chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách và có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động chưa thành niên về các mặt lao động, tiền lương, sức khoẻ, học tập trong quá trình làm việc. Ngoài ra, doanh nghiệp phải lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
“Đó là lý do mà doanh nghiệp họ e ngại vì sử dụng lao động lứa tuổi này phải ưu tiên, ưu đãi về thời gian, chính sách, phải hết sức cẩn trọng vì các em còn nhỏ. Nhất là những doanh nghiệp sản xuất, nếu họ tuyển người dưới 18 tuổi thì không được sử dụng quá 8 tiếng/ngày, trong khi người lao động phải tăng ca, làm thêm giờ mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho hay.
Nguy cơ học xong thất nghiệp - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Hai lựa chọn cho học sinh chọn học nghề

Theo ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, kỳ tuyển sinh năm nay tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ linh hoạt, cởi mở tạo điều kiện cho người học…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM, cũng khẳng định: “Ở trung tâm chúng tôi chỉ giới thiệu cho các doanh nghiệp đối tượng lao động từ 18 tuổi trở lên, không giới thiệu lao động chưa thành niên”. Trong khi đó, ông Mai Văn Thiên, Phó ban Quản lý nguồn nhân lực Tập đoàn dệt may VN, cho rằng mặc dù bộ luật Lao động cho phép sử dụng lao động dưới 18 tuổi nhưng mỗi doanh nghiệp có những nguyên tắc, quy định riêng phù hợp với đặc thù của họ thì cũng không trách được.
Ông Cao Thanh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường TC Kinh tế – Kỹ thuật Đồng Nai, thông tin thêm: “Bộ luật này cũng quy định không được sử dụng lao động chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng hiện nay tại nhiều trường đang đào tạo những nghề nặng nhọc như hàn, cơ khí, điện, ô tô cho đối tượng này… Vì vậy, các trường đang rất rối. Người học mà không xin được việc làm ngay, phải đợi đủ 18 tuổi thì rất thiệt thòi, mà chính sách phân luồng của nhà nước cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
Chỉnh sửa luật hay chương trình học ?
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng có sự vênh giữa quy định về thời gian học trong luật Giáo dục nghề nghiệp và thực tế sử dụng lao động. “Quy định đào tạo trung cấp từ 1 – 2 năm đối với người tốt nghiệp THCS, khiến nhiều trường không thể biết thiết kế chương trình như thế nào để có trình độ trung cấp. Chưa kể doanh nghiệp ngại tuyển lao động dưới 18 tuổi vì lứa tuổi này thiếu hụt các kỹ năng xã hội, kỹ năng hành vi và nhận thức, rất cần cho người lao động ngày nay. Vì thế, đối với người vị thành niên, có thể có 2 con đường, tùy theo ngành nghề, hoặc là chọn hệ 9+3 hoặc là chọn chương trình đào tạo kỹ năng để lấy chứng chỉ nghề nghiệp và tham gia thị trường ở những lĩnh vực ngành nghề phù hợp như nhiều quốc gia khác”, ông Vinh chia sẻ.
Ông Cao Thanh Tuấn cũng muốn thời gian học trung cấp của người tốt nghiệp THCS nên là 3 năm như trước để học xong có thể ra xin việc làm được ngay. Trong đó, chương trình vẫn phải thiết kế các môn văn hoá để người lao động có nền tảng tiếp cận khoa học kỹ thuật mới trong công việc sau này.
Nguy cơ học xong thất nghiệp - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Gấp rút nâng chuẩn trung cấp ngành y

Trước quy định của Bộ Y tế về việc từ năm 2021, các cơ sở y tế trong nước sẽ ngừng tuyển dụng người tốt nghiệp các ngành đào tạo y dược trình độ trung cấp, nhiều trường trung cấp như ngồi trên lửa, tìm đường cứu mình.
Trong khi đó ý kiến khác cho rằng nên chỉnh sửa một điều khoản nào đó trong bộ luật Lao động để phù hợp hơn với thực tế. Ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhận định: “Các em đã trải qua 2 năm học trung cấp, đã có sự chuẩn bị tâm lý và được học tập, rèn luyện, tiếp cận với công việc nên hoàn toàn có thể làm việc bình thường. Nên chăng bộ luật Lao động đưa thêm quy định, đối với học sinh trung cấp chính quy đã có tay nghề, có sức khoẻ nếu chưa đủ tuổi thì vẫn được tuyển dụng, làm việc trước 18 tuổi như những lao động đủ tuổi khác”.
Theo hầu hết các chuyên gia, trên thực tế, thị trường lao động rất cần người có tay nghề đã thông qua đào tạo, và lực lượng tốt nghiệp THCS đi học trung cấp chính là một nguồn lực tốt cho các doanh nghiệp. “Nếu như 17 tuổi các em tốt nghiệp, có sức khoẻ và vững vàng tay nghề, thì cũng nên điều chỉnh độ tuổi lao động chính thức là 17. Doanh nghiệp có thể sử dụng mà không cần phải ưu đãi. Các em vẫn được bảo vệ bằng chính sách, hợp đồng lao động, luật pháp như mọi lao động khác. Có như vậy doanh nghiệp mới không e ngại và việc phân luồng mới hiệu quả”, ông Trần Anh Tuấn nêu quan điểm.

 

Mỹ Quyên