02/11/2024

Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 16.4, khoảng 50 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đến phòng phiếu để tham gia cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp, theo tờ Le Monde.

 

Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 16.4, khoảng 50 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ đến phòng phiếu để tham gia cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp, theo tờ Le Monde.



Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu tại một phòng phiếu ở Istanbul
 /// Ảnh: Reuters

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu tại một phòng phiếu ở IstanbulẢNH: REUTERS

Tính đến 0 giờ 30 hôm nay, tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 51,32% sau khi hơn 97,9% số phiếu được kiểm, theo Hãng tin Anadolu.
Giới quan sát đánh giá đây là cuộc trưng cầu lịch sử vì sẽ giúp chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tăng cường đáng kể quyền lực. Nếu người dân ủng hộ cải cách hiến pháp, phần lớn quyền hành pháp sẽ được tập trung vào tổng thống. Vị trí thủ tướng – hiện do ông Binali Yildirim nắm giữ – sẽ bị xóa bỏ.
Tổng thống sẽ có thêm quyền bổ nhiệm các phó tổng thống, bộ trưởng, 12/15 thành viên Tòa án Hiến pháp và 6/13 thành viên Hội đồng Thẩm phán và Công tố viên cấp cao. Như vậy, vị nguyên thủ chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng đến hệ thống tư pháp. Một thay đổi quan trọng khác là bầu cử tổng thống và tổng tuyển cử sẽ được tổ chức 5 năm một lần, thay vì 4 năm như hiện nay. Với hiến pháp mới, ông Erdogan cũng được quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong trường hợp xảy ra “bạo động có thể gây chia rẽ đất nước”. Việc bổ nhiệm các vị trí cấp cao của quân đội, tình báo và hiệu trưởng các đại học công lập cũng thuộc về tổng thống. Quyền hạn của quốc hội sẽ trở nên hạn chế.
Cuộc trưng cầu dân ý lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ - ảnh 1

Các quan chức bầu cử kiểm phiếu tại một phòng phiếu ở TP.IzmirREUTERS

Do tính chất cực kỳ quan trọng của cuộc bỏ phiếu ngày 16.4 nên ông Erdogan đã nỗ lực vận động sự ủng hộ của cử tri Thổ Nhĩ Kỳ. Trong vòng vài tuần qua, vị tổng thống đã có mặt tại các buổi mít tinh ở khoảng 40 thành phố của nước này. Ankara còn gửi nhiều bộ trưởng đi vận động cộng đồng người Thổ tại EU nhưng bị cấm tổ chức gặp mặt ở nhiều nơi, dẫn đến căng thẳng ngoại giao với một số nước như Hà Lan và Đức.

Ông Erdogan cũng bị các đảng phái đối lập trong nước chỉ trích dữ dội vì cho rằng ông muốn tập trung quyền lực để trở thành “siêu tổng thống”. An ninh đã được tăng cường tối đa vào ngày 16.4 sau khi các tay súng của lực lượng vũ trang người Kurd tấn công xe chở một quan chức của đảng cầm quyền AKP tại khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ vài giờ trước khi các phòng phiếu mở cửa, làm 1 người thiệt mạng và 1 người bị thương. Ngoài ra, theo Hãng thông tấn Anadolu, có 3 người chết vì xô xát bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở tỉnh Diyarbakir do tranh chấp đất đai, trong khi Hãng tin Dogan cho hay nguyên nhân là do tranh cãi về quan điểm chính trị.

 

Lan Chi