Tiết kiệm hàng chục tỉ đồng nhờ thay bóng đèn chong thanh lo
Hàng chục ngàn hộ nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang đã thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact để chong đèn cho ra hoa trái vụ, mỗi năm tiết kiệm được hơn 82 tỉ đồng tiền điện.
Tiết kiệm hàng chục tỉ đồng nhờ thay bóng đèn chong thanh lo
Hàng chục ngàn hộ nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang đã thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact để chong đèn cho ra hoa trái vụ, mỗi năm tiết kiệm được hơn 82 tỉ đồng tiền điện.
Chương trình Hỗ trợ nông dân trồng Thanh Long thay đèn tròn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện đã được Tập đoàn điện lực VN (EVN) phát động vào tháng 7.2014 tại 3 tỉnh nhiều thanh long nhất cả nước là Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Khi đó, Tổng công ty điện lực miền Nam và các công ty điện lực của 3 tỉnh đã ký kết hợp đồng hợp tác với Đoàn thanh niên, Hội Nông dân tỉnh để triển khai thực hiện chương trình đến với nông dân.
Giảm hơn 2/3 lượng điện tiêu thụ
Sau 3 năm, phương thức trồng thanh long bằng đèn compact đã phổ biến ở 3 tỉnh này. Ông Trần Ngọc Lê (63 tuổi, ngụ TT.Thuận Nam, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) trồng 7 ha thanh long thì có đến 6 ha ông dùng phương pháp chong đèn để kích cho thanh long ra hoa trái vụ. Trước đây, mỗi tháng ông Lê sử dụng đèn sợi đốt (bóng đèn tròn loại 60 W) để chong đèn, tốn khoảng 2.700 kWh với tổng tiền điện hơn 4 triệu đồng/1.000 m2 (sử dụng cho khoảng 100 trụ thanh long). Sau khi thay bằng bóng compact, lượng điện tiêu thụ chỉ còn 810 kWh (tiết kiệm 1.800 kWh), tiền điện còn 1,2 triệu đồng. “Cứ theo bài toán này, mỗi năm gia đình tôi tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng tiền điện nhờ thay bóng đèn compact”, ông Lê nói.
Tương tự, nông dân Nguyễn Văn Hưởng (50 tuổi, ở H.Chợ Gạo, Tiền Giang) dù với diện tích thanh long ít hơn nhiều so với ông Lê ở Bình Thuận, nhưng trong suốt 3 năm qua, nhờ sử dụng bóng đèn compact, gia đình ông cũng tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng tiền điện, trong khi sản lượng và chất lượng quả không thay đổi. “Việc thay bóng đèn sợi đốt bằng đèn compact với bà con nông dân ở Chợ Gạo hiện nay là khá phổ biến và ai cũng biết làm vì nó đơn giản, kinh tế”, ông Hưởng nói. Còn ông Trần Đình Tân (49 tuổi, ngụ TT.Ma Lâm, H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), cho biết không chỉ tiết kiệm tiền điện, dùng bóng đèn compact còn giảm được áp lực quá tải công suất trạm biến áp. “Trước đây, khi cả xóm dùng bóng đèn sợi đốt để chong đèn cho thanh long, trạm biến áp hay bị hỏng do quá tải công suất. Giờ bà con ở Hàm Thuận Bắc cơ bản đã chuyển sang bóng đèn compact nên hiện tượng quá tải không còn như trước”, ông Tân nói.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận Phan Tấn Khế cho biết chương trình thay bóng đèn sợi đốt sang bóng tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hội trong 3 năm qua. “Ở cấp huyện, chúng tôi kết hợp với đoàn thanh niên đến từng nhà vườn hỗ trợ bà con thay bóng đèn. Ban đầu bà con còn e ngại, sợ năng suất giảm. Nhưng qua kết quả thử nghiệm cho thấy năng suất, chất lượng không ảnh hưởng, nên đến nay có đến 70% nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận đã chuyển sang sử dụng bóng đèn tiết kiệm”.
Cần phổ biến mạnh hơn nữa
Tại buổi tổng kết chương trình Hỗ trợ nông dân trồng thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện giai đoạn 2014 – 2016, diễn ra ngày 12.4 ở Bình Thuận, ông Phan Tấn Khế nêu lên trở ngại lớn nhất hiện nay của nông dân là giá bóng đèn compact vẫn còn khá cao (từ 30.000 – 40.000 đồng/bóng, trong khi đèn sợi đốt chỉ từ 7.000 – 8.000 đồng/bóng). Do thiếu vốn đầu tư ban đầu, nên vẫn còn hộ dân trồng thanh long trái vụ sử dụng bóng đèn sợi đốt. “Do đó, theo tôi cần phải có chính sách hỗ trợ hơn nữa cho bà con nông dân chuyển sang sử dụng bóng đèn compact, vừa lợi cho nông dân mà nhà nước cũng giảm được áp lực quá tải điện năng khi vào mùa khô”, ông Khế kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực Miền Nam, trong 4 năm qua nông dân Long An, Tiền Giang và Bình Thuận đã thay được gần 2,1 triệu bóng đèn compact (riêng Bình Thuận thay 1,6 triệu bóng đèn). Tổng năng lượng điện tiết kiệm được khoảng 54.500 MWh/năm. Với con số này, mỗi năm nông dân 3 tỉnh nói trên tiết kiệm 82,7 tỉ đồng. Không chỉ vậy, về môi trường, mỗi năm còn cắt giảm được 200.000 tấn CO2.
Ông Mai Văn Trị, Phó viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, cho rằng: “Vẫn còn nhiều hộ dân chưa nắm rõ hết lợi ích của việc sử dụng bóng đèn compact, nên các tổ chức đoàn thể cần phổ biến mạnh hơn nữa để bà con trồng thanh long thấy được hiệu quả kinh tế mang lại từ chương trình này”.
Quế Hà