29/11/2024

‘Không hạn chế nguyện vọng, cứ chọn thoải mái’

Đó là tâm lý chung của rất nhiều học sinh lớp 12 khi nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia năm 2017.

 

‘Không hạn chế nguyện vọng, cứ chọn thoải mái’

 Đó là tâm lý chung của rất nhiều học sinh lớp 12 khi nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia năm 2017.

 

 

 

'Không hạn chế nguyện vọng, cứ chọn thoải mái'
Học sinh lớp 12 Trường THPT Lương Văn Can, Q.8, TP.HCM nhập thông tin đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2017 – Ảnh: N.HÙNG

Đến chiều 13-4, nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã hoàn tất việc nhận hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia của học sinh khối 12. Nói như một giáo viên chủ nhiệm lớp 12: “Kỳ thi năm nay quá nhiều điểm mới, nên học sinh đăng ký dự thi cũng 
rất đặc biệt”.

“Cho đến sáng 11-4, 100% học sinh khối 12 ở trường chúng tôi đã nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia. Trong số 361 thí sinh, đa số học sinh đăng ký 6 nguyện vọng (NV) dự tuyển vào ĐH. Có em đăng ký nhiều nhất là 15 NV ở nhiều trường và ngành, nghề khác nhau với nhiều tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển” – đại diện ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11 cho biết.

“Việc chọn thi cả 2 tổ hợp cần cân nhắc rất kỹ. Chúng tôi đã tư vấn cho học sinh rằng: cái bánh thời gian chỉ có thế thôi, nếu em chia đều cho 6 môn thi sẽ khác. Còn nếu đăng ký thi 2 tổ hợp thì phải chia cái bánh cho 9 môn thi, học rất nặng chứ không đơn giản”

Cô Trần Thị Thơm, phó hiệu trưởng Trường THPT Ernst Thalmann

Chọn trường, ngành mình thích

Thử liệt kê những NV của một nữ sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Hiền: NV 1 và 2 – ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ĐH Quốc tế, tổ hợp môn dự tuyển A01 và A00. NV 3 và 4 – ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ĐH Tài chính – marketing, tổ hợp A01, A00. NV 5 và 6 – ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, ĐH Tài chính – marketing, tổ hợp A01 và A00. NV 7 – ngành ngôn ngữ Anh, ĐH Kinh tế, A01. NV 8 – ngành kế toán, ĐH Kinh tế, A01. NV 9 – ngành ngôn ngữ Anh, ĐH KHXH&NV, tổ hợp D01. NV 10 – ngành kế toán, ĐH Kinh tế, tổ hợp A00. NV 11 và 12 – ngành quản trị kinh doanh, Học viện Hàng không, tổ hợp A01, D01. NV 13 và 14 – ngành tài chính – ngân hàng, ĐH Tài chính – marketing, tổ hợp A01, A00. NV 15 – Học viện Cán bộ TP.HCM, tổ hợp A01.

H.L., học sinh lớp 12A3 Trường Nguyễn Hiền, kể em đăng ký 10 NV vào ĐH vì: “Bộ GD-ĐT cho phép đăng ký NV không hạn chế, nên tụi em cứ thoải mái chọn những trường, những ngành mình thích!”.

Ghi nhận tình hình đăng ký NV vào ĐH của học sinh lớp 12 cho thấy: ở Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5, đa số học sinh chọn 3 – 4 NV; có một số học sinh đăng ký hơn 10 NV.

Ở Trường THPT Ernst Thalmann, quận 1: đa số học sinh chọn trên 5 NV, nhưng vẫn có một số học sinh chọn 13 NV.

Còn ở Trường THPT Hồng Đức, quận Bình Thạnh: “Phần lớn học sinh chỉ chọn 3 NV, nhưng vẫn có em chọn đến 10 NV” – TS Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT Hồng Đức, cho biết.

Không khéo “xôi hỏng bỏng không”

Theo ghi nhận tại các trường, dù không nhiều nhưng vẫn có một số học sinh chọn thi cả hai tổ hợp KHTN và KHXH. Như ở Trường THPT Nguyễn Hiền, 113 thí sinh chọn thi tổ hợp KHXH, 248 thí sinh chọn thi KHTN, có 3 thí sinh chọn thi cả hai tổ hợp.

Ở Trường THPT Bình Tân, quận Bình Tân: đến chiều 11-4 có 94 học sinh chọn thi KHTN, 93 học sinh chọn thi KHXH, 2 học sinh thi cả hai tổ hợp.

Còn tại Trường THPT Ernst Thalmann, 60% học sinh chọn thi KHTN, 40% chọn thi KHXH, 1 học sinh thi cả 2 tổ hợp…

Thầy giáo Trần Phong Điền – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11 – kể: “Lớp tôi có 1 em đăng ký thi cả 2 tổ hợp. Tôi đã gặp riêng em, giải thích rất kỹ về sự bất lợi khi thi cả 2 tổ hợp: thời gian ôn thi nhiều hơn, áp lực hơn và phải bảo đảm không để một môn nào bị điểm liệt. Tuy nhiên, em này vẫn quả quyết rằng: đáng lẽ em chỉ thi 1 tổ hợp KHTN, nhưng em cần điểm 1 môn trong tổ hợp KHXH để dự tuyển vào ĐH nên đăng ký thi cả hai”.

Tuy vậy, theo nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp 12 trên địa bàn TP.HCM, việc chọn thi cả 2 tổ hợp môn thi như một “phép thử” rất nguy hiểm. Với những em học đều tất cả các môn và có ý định thi cả 2 tổ hợp từ đầu năm lớp 12 thì đã có sự chuẩn bị, trau dồi kiến thức, khả năng thành công sẽ cao. Nhưng với những em bây giờ mới lao vào ôn tập và học thêm một tổ hợp môn nữa thì khó thi thành công. Vì nếu học quá dàn trải thì điểm thi sẽ không cao và cửa vào ĐH sẽ hẹp lại.

Hà Nội: Một số học sinh “chỉ đăng ký cho vui”

Tới ngày 11-4, nhiều trường ở Hà Nội bắt đầu thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa: “Học sinh đã có khoảng 10 ngày nghiên cứu thông tin, nghe phổ biến quy định. Chúng tôi bắt đầu thu nhận hồ sơ của học sinh trong tuần này”.

Theo em Nguyễn Thu Hương – học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, tuy ngày 20-4 mới là hạn cuối của việc đăng ký, nhưng nhà trường phổ biến lịch thu nhận hồ sơ sớm nên nhiều bạn cảm thấy gấp gáp.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một số học sinh của Trường THPT Việt Đức cũng cho biết các em được nhà trường thông báo sẽ phải nộp hồ sơ trong tuần này. “Trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT có trường còn chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu, nên em muốn chờ tới sát ngày mới đăng ký” – Nguyễn Văn Hùng, một học sinh, cho biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Văn Chất, trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định: “Hà Nội không có quy định nào bắt buộc học sinh phải nộp hồ sơ theo các ngày cố định, mà tuân thủ đúng quy định của bộ, chốt số liệu vào ngày 20-4”.

Theo ông Chất, có thể các trường có lịch cụ thể cho việc phổ biến quy chế và tổ chức cho học sinh đăng ký hồ sơ vào các ngày khác nhau, trong thời hạn từ ngày 1 đến 20-4. Nhưng sau khi học sinh nộp hồ sơ, nếu muốn thay đổi nguyện vọng, thông tin trong hồ sơ vẫn có thể điều chỉnh trước thời hạn 20-4.

Trao đổi về dữ liệu đăng ký cập nhật đến ngày 11-4, ông Ngô Văn Chất cho biết từ đầu tuần này, số học sinh đăng ký dự thi mới bắt đầu nhiều hơn. Tuy nhiên cũng có những vấn đề cần phải lưu ý.

“Học sinh căn cứ vào dữ liệu trên cổng thông tin của Bộ GD-ĐT để điền hồ sơ, nhưng có một số trường hiện vẫn không có thông tin rõ ràng. Ví dụ các mã ngành, trường ứng với tổ hợp môn thi không được thông tin cụ thể. Vì thế nhiều học sinh lúng túng, liên hệ với Sở GD-ĐT để được giải đáp, nhưng sở cũng phải chờ trường. Việc này khiến nhiều học sinh, phụ huynh sốt ruột” – ông Chất nói.

Ông Chất cũng cho biết do không khống chế nguyện vọng nên hiện đã có hàng chục trường hợp đăng ký quá nhiều nguyện vọng. “Có thể có những học sinh chỉ đăng ký cho vui, chứ không nghiêm túc” – ông Chất nhận xét.Vĩnh Hà

HOÀNG HƯƠNG