02/11/2024

Buồn với dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Được coi là luật quan trọng để phát triển doanh nghiệp tại VN, nhưng dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bị chê quá viển vông, thiếu thực tế…

 

Buồn với dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

 

Được coi là luật quan trọng để phát triển doanh nghiệp tại VN, nhưng dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) bị chê quá viển vông, thiếu thực tế…

 

 

 

Buồn với dự luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Với tiêu chí của dự luật DNNVV, DN dệt may có 4.000 lao động cũng có thể là DNNVV. Trong ảnh: sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại một DN phía Nam – Ảnh: T.V.N.

Tại hội thảo góp ý luật này được Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức ngày 13-4, nhiều đại biểu tham dự cho rằng dự thảo luật này (do Bộ KH-ĐT soạn thảo) có được ban hành cũng không thể đi vào cuộc sống, thậm chí còn gây khó khăn cho DN.

Ông Phan Đăng Tuất, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN, nói ông đọc mà thấy… rất buồn. Bởi nó giống một bài văn mẫu và không đáng được chấm điểm. Dự thảo luật có 20 trang với 38 điều nhưng không thể làm được gì, thậm chí còn làm khó DNNVV nếu được ban hành.

Ông Tuất phân tích: Ngay cái tên của luật đã mang chữ “hỗ trợ”, trong khi đó các hiệp định thương mại tự do lại “kiêng” hai từ này.

Dự luật nêu 7 nội dung hỗ trợ DNNVV gồm: hỗ trợ tiếp cận vốn, thuế, mặt bằng sản xuất; hỗ trợ ươm tạo và nâng cao năng lực công nghệ; hỗ trợ mở rộng thị trường; hỗ trợ thông tin và tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực… Tuy nhiên, ông Tuất băn khoăn 7 nội dung hỗ trợ này nếu chiếu theo luật chuyên ngành như Luật tín dụng, Luật đất đai… lại không thể xử lý được. Ví dụ, liệu luật này ban hành có thể bắt ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn các DN lớn?

 

Về mức hỗ trợ, ông Tuất tính theo dự thảo, mỗi DN được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng. “Số tiền này quá nhỏ, chỉ bằng 2 vé máy bay đi lại giữa Hà Nội và Sài Gòn” – ông Tuất nêu và đề nghị phải bỏ ngay từ “hỗ trợ”, vì những DN chân chính thấy bị xúc phạm.

“Họ chỉ muốn được đối xử công bằng, cần môi trường kinh doanh minh bạch, sòng phẳng, được bảo vệ trước hàng rào của các hiệp định thương mại tự do, trước việc thương lái ép giá và nhiều thủ tục hành chính chứ không cần được hỗ trợ” – ông Tuất nói.

TS Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, cũng cho rằng dự thảo nói trên đặt ra nhiều tham vọng như hỗ trợ đất đai, tín dụng… nhưng không có gì cụ thể mà lại quá chung chung. Do đó, không khéo nó lại trở thành nỗi thất vọng với DN khi đặt ra “bánh vẽ” quá to.

Riêng về nội dung hỗ trợ đất đai, ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, cho biết đọc thấy có tính ưu việt. Nhưng thực tế ngân sách các địa phương đang trông chờ vào tiền thuê đất. Hiện tại địa phương đang gây áp lực cho DN khi tăng giá thuê đất cực kỳ nhanh. Thêm nữa, có tới 50 địa phương còn trông chờ vào bầu sữa ngân sách.

Do đó, việc dự thảo luật quy định UBND tỉnh sẽ quyết định hỗ trợ giá thuê đất cho các DNNVV là quá viển vông.

Tiêu chí chưa ổn?

Ông Vũ Đức Giang cho hay điều mà ông băn khoăn nhất trong dự luật là định nghĩa về DNNVV: có không quá 300 lao động và đáp ứng một trong hai tiêu chí có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỉ đồng, hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng. Bởi như thế thì hầu hết DN dệt may sẽ đều là DNNVV. Lý do, nhiều DN dệt may có tới 2.000-4.000 lao động nhưng vốn chỉ dưới 10 tỉ đồng.

Cho rằng những DN như thế không nên coi là DNNVV, ông Giang đề nghị nên đưa ra các tiêu chí quy định DNNVV theo từng ngành hàng khác nhau.

LÊ THANH