Chật vật đòi phí bảo trì
Tình trạng nhiều chủ đầu tư chung cư chây ì trả phí bảo trì cho cư dân ngày càng phổ biến, phức tạp trong thời gian gần đây.
Chật vật đòi phí bảo trì
Tình trạng nhiều chủ đầu tư chung cư chây ì trả phí bảo trì cho cư dân ngày càng phổ biến, phức tạp trong thời gian gần đây.
Chây ì không trả hàng chục tỉ đồng
Ông Nguyễn Năng Lực, Trưởng ban Quản trị chung cư Hancorp Plaza trên đường Trần Đăng Ninh, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết Ban Quản trị (BQT) toà nhà đã thành lập gần 2 năm nhưng đến nay chủ đầu tư là Tổng công ty xây dựng Hà Nội (Hancorp) mới chỉ bàn giao 5 tỉ đồng trong khoảng 21 tỉ đồng tiền phí bảo trì toàn bộ toà nhà. Cư dân nhiều lần lên tiếng nhưng chủ đầu tư vẫn chây ì không trả.
Tương tự, ông Mai Anh Phong, Phó BQT chung cư Thăng Long Garden tại 250 Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng (Công ty CP may Thăng Long làm chủ đầu tư), cho biết số tiền phí bảo trì gần 20 tỉ đồng cư dân ở đây không thể đòi được dù BQT được thành lập từ tháng 8.2016. Sau nhiều cuộc họp giữa BQT tòa nhà và chủ đầu tư, có sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng TP.Hà Nội, UBND Q.Hai Bà Trưng, các bên thống nhất được thời điểm bàn giao phí bảo trì là ngày 15.2 vừa rồi. Đến hẹn, chủ đầu tư lại xin lùi thời hạn đến cuối tháng 2. Tuy nhiên đến nay, tình trạng không có gì thay đổi, cư dân chung cư Thăng Long Garden lại tiếp tục làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, lãnh đạo TP.Hà Nội nhờ giải quyết.
Gay cấn nhất là việc cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza tại P.Mỗ Lao, Q.Hà Đông, Hà Nội tập trung căng băng rôn 10 ngày liền trước toà nhà yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP may Hồ Gươm trả tiền phí bảo trì, tương đương gần 20 tỉ đồng. Việc cư dân Hồ Gươm Plaza căng băng rôn, gửi đơn khiếu nại, tố cáo chủ đầu tư chiếm dụng phí bảo trì tòa nhà đến nhiều cơ quan chức năng của TP.Hà Nội, Bộ Xây dựng… kéo dài đã nhiều tháng nay. Bà Lê Thị Thanh Hương, thành viên BQT chung cư Hồ Gươm Plaza, cho biết sau khi BQT tòa nhà được thành lập, chủ đầu tư đã thống nhất về việc chuyển khoản trả tiền phí bảo trì làm 3 đợt. Đợt 1 sẽ chuyển 10 tỉ đồng vào ngày 1.8.2016; đợt 2 chuyển tiếp 4 tỉ đồng vào ngày 15.8.2016 và đợt 3 sẽ trả toàn bộ số còn lại sau khi có kiểm toán làm việc, dự kiến vào cuối tháng 11.2016. Nhưng, đến nay, Công ty CP may Hồ Gươm mới chuyển trả 2 tỉ đồng rồi bặt vô âm tín. “Theo quy định, khoản phí bảo trì 2% chủ đầu tư chỉ thu và giữ hộ khi bán nhà. Sau khi cư dân về ở, thành lập được BQT, chủ đầu tư sẽ phải trả lại, giao cho BQT tòa nhà. Nhưng không hiểu sao, Công ty CP may Hồ Gươm cố tình chây ì không trả, cư dân gửi đơn thư tố cáo đến nhiều nơi mà vẫn chưa bị xử lý?”, bà Hương cho biết.
|
Chiếm đoạt, sẽ bị xử lý hình sự
Mới đây nhất, quá bức xúc với việc bị chiếm dụng phí bảo trì, cư dân tại đơn nguyên 1 và đơn nguyên 3 toà nhà CT3 khu đô thị Trung Văn tại Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội đã gửi đơn ra TAND Q.Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty CP xây dựng số 1 Sông Hồng cố tình “giam” hơn 6 tỉ đồng tiền phí bảo trì. Theo tìm hiểu, chung cư CT3 có 3 đơn nguyên cao 19 tầng, đưa vào sử dụng từ 2012. Cuối tháng 11.2015, BQT đơn nguyên 1 và 3 được thành lập, công nhận theo đúng quy định của pháp luật, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn không trả khoản phí bảo trì.
Bà Phạm Thị Xuân, Trưởng BQT đơn nguyên 1, cho biết cư dân đã gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng TP.Hà Nội đề nghị có biện pháp, chế tài đối với chủ đầu tư. Tháng 7.2016, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Tháng 9 và tháng 10.2016, Sở Xây dựng TP.Hà Nội và UBND Q.Nam Từ Liêm lần lượt yêu cầu, đôn đốc chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì cho BQT. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn phớt lờ không trả. Trong khi đó, nhiều hạng mục của chung cư có dấu hiệu xuống cấp như lún nứt tường, máy bơm nước hỏng, hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động… nhưng BQT không có tiền để chi phí sửa chữa. Đầu tháng 4 mới đây, cư dân đơn nguyên 1 và đơn nguyên 3 chung cư này đã khởi kiện chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, lo ngại tình trạng các chủ đầu tư chây ì trả phí bảo trì tòa nhà ngày càng nhiều. Nếu không kịp thời có biện pháp chấn chỉnh sẽ trở thành hiệu ứng dây chuyền. “Cơ quan chức năng cần can thiệp mạnh để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, bảo vệ niềm tin cho người dân mua nhà chung cư”, ông Thành nói. Chung quan điểm này, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng văn phòng luật Bùi Quang Hưng thuộc Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho hay trường hợp chủ đầu tư cố tình “giam” tiền phí bảo trì là vi phạm quy định của pháp luật, cư dân có thể kiện ra toà. Nếu có dấu hiệu cố ý chiếm đoạt tài sản, chủ đầu tư có thể bị xử lý hình sự.
Lê Quân