Tràn lan trạm thu phí ‘nằm’ nhầm chỗ
Sau khi Thanh Niên lên tiếng về những trạm thu phí được “nằm” nhầm chỗ ở một số tỉnh phía bắc, người dân nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam phản ánh họ cũng đang phải gánh chịu tình trạng này nhiều năm nay.
Tràn lan trạm thu phí ‘nằm’ nhầm chỗ
Sau khi Thanh Niên lên tiếng về những trạm thu phí được “nằm” nhầm chỗ ở một số tỉnh phía bắc, người dân nhiều tỉnh miền Trung và miền Nam phản ánh họ cũng đang phải gánh chịu tình trạng này nhiều năm nay.
Dân cũng đã kiến nghị, thậm chí phản đối nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
TIN LIÊN QUAN
Trạm thu phí được ‘nằm’ nhầm chỗ
BOT đã rơi vào tình trạng “giọt nước tràn ly” khi mâu thuẫn, căng thẳng xảy ra liên tiếp tại nhiều dự án.
Đặt trạm ở QL1 để thu cho BOT tuyến tránh
QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình hiện có 2 trạm thu phí công trình BOT là Quán Hàu và Tasco, nhưng cả hai đều có những bất hợp lý về mức phí cùng với vị trí trạm. Trạm thu phí Quán Hàu nằm ở phía nam cầu Quán Hàu (H.Quảng Ninh, Quảng Bình), vốn được xây dựng để thu phí cho dự án cầu Quán Hàu. Tháng 9.2010, trạm hết thời hạn thu phí nên dừng thu, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn lại được trưng dụng thu phí cho dự án BOT tuyến tránh TP.Đồng Hới phía bắc cầu Quán Hàu (chủ đầu tư là Công ty TNHH BOT đường tránh TP.Đồng Hới).
|
Việc sử dụng trạm Quán Hàu thu phí cho dự án tuyến tránh khiến phương tiện lưu thông theo hướng bắc – nam trên QL1, dù không hề đi trên đường tránh TP.Đồng Hới nhưng vẫn bị thu phí với giá cao; trong đó có phương tiện của người dân ở Đồng Hới đến H.Lệ Thuỷ, Quảng Ninh. Thậm chí ngay trong địa phận H.Quảng Ninh, người dân các xã phía nam huyện khi qua thị trấn trung tâm bên kia cầu để giao dịch cũng tốn phí…
Chưa dừng ở đó, tháng 6.2015, trạm Quán Hàu gánh tiếp nhiệm vụ thu phí cho dự án tuyến đường ven biển dài hơn 33 km (phía nam cầu Quán Hàu) do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư.
Cả tuyến đường tránh TP.Đồng Hới và tuyến đường ven biển tránh lũ này đi ở rìa khu dân cư nên tỷ lệ người sử dụng rất ít, người dân địa phương cũng như phương tiện đi đường dài bắc – nam chủ yếu sử dụng QL1.
Có lẽ nhìn ra điều này nên trạm thu phí tiếp tục được án ngữ trên tuyến “yết hầu” QL1 khiến các chủ phương tiện đều phải “móc hầu bao” dù họ không hề sử dụng đường BOT. Đầu năm 2016, nhiều nhà xe đã đậu ở trạm Quán Hàu gây tắc nghẽn giao thông để phản đối, kết quả chủ đầu tư mới giảm 50% mức phí qua trạm cho gần 700 xe ô tô dưới 9 chỗ trên địa bàn H.Quảng Ninh trong năm 2016.
Bỏ tiền nên trạm phải ở vị trí thu hồi được vốn
Dự án đường cao tốc Liên Khương – Prenn (dài 19,2 km) bắt đầu thu phí từ tháng 7.2008 (thời gian thu phí hơn 24 năm).
Trạm thu phí đặt tại H.Đức Trọng (Lâm Đồng), ngay khi bắt đầu hoạt động đã gặp phải phản ứng của các doanh nghiệp vận tải và người dân do nhiều điểm bất hợp lý. Cụ thể, xe buýt từ Đà Lạt đi H.Đơn Dương, xe khách từ Đà Lạt đi Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận) hoặc ô tô không có nhu cầu đi đường cao tốc, chỉ chạy qua hơn 2 km từ đèo Prenn đến cầu chui, sau đó rẽ trái qua QL20 chứ không chạy hết 19,2 km đường cao tốc, nhưng vẫn phải đóng phí của toàn tuyến.
Chưa kể mức thu phí lúc ấy quá cao cho đoạn đường 19,2 km (gấp đôi mức quy định) và không bán vé tháng. Từ năm 2011, đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc này đã 3 lần tăng mức thu phí vào các năm 2011, 2014 và 2016.
TIN LIÊN QUAN
BOT Thái Nguyên – Chợ Mới: Đi lối nào cũng phải trả phí
Dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới chưa chính thức đi vào vận hành, nhưng nhiều người dân khu vực và doanh nghiệp đã bức xúc, lo lắng khi đi đường QL3 mới hay cũ, thậm chí đi QL37 lên Tuyên Quang, Hà Giang cũng phải trả phí.
Theo người dân, mức phí hiện đang áp dụng (36.000 – 96.000 đồng) cho 19,2 km đường cao tốc đang cao hơn mặt bằng chung cả nước, đặc biệt, những phương tiện chỉ đi khoảng 2 km cao tốc ra QL20 đang phải chịu mức phí này là quá bất hợp lý.
Tại TP.Biên Hòa (Đồng Nai), trạm thu phí thuộc dự án BOT nâng cấp cải tạo mặt đường QL1 và xây dựng đoạn tránh TP.Biên Hoà (do Công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư) đặt tại nơi tập trung đông dân cư.
Khi ô tô đi vào trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai hay đến các KCN của H.Trảng Bom đều phải mua vé qua trạm thu phí này (đặt trên QL1, đoạn qua xã Trung Hòa, H.Trảng Bom) dù không hề đi một mét nào trên tuyến đường tránh.
Anh Lý Văn Bách (một tài xế chở thức ăn chăn nuôi tại xã Trung Hòa) cho hay: “Tôi chạy xe tải loại gần 10 tấn chở cám trong KCN Sông Mây (H.Trảng Bom) về cho đại lý ở xã Trung Hòa. Xe chỉ chạy trên QL1, không qua một mét nào trên đường tránh cũng mất 70.000 đồng/phí qua trạm”.
Trong khi đó, ông Lê Sỹ Quân, Phó giám đốc Công ty CP đầu tư Đồng Thuận, cho rằng “trạm thu phí đặt tại vị trí Km 1842 trên QL1, tức là nằm trong dự án chứ không phải nằm ngoài dự án. Việc đặt trạm thu phí đã đảm bảo khoảng cách và các điều kiện, quy định được cấp tỉnh, Bộ GTVT cấp phép. Chúng tôi bỏ tiền đầu tư thì phải thu hồi vốn là tất nhiên”.
Không thể di chuyển trạm?
Trả lời câu hỏi Bộ GTVT có giải pháp gì khi nhiều người dân, địa phương bức xúc về trạm BOT “nằm” nhầm chỗ, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT, nói Bộ đề nghị các tỉnh có văn bản chính thức gửi về Bộ. Sau đó, Bộ sẽ làm việc với từng nhà đầu tư để xử lý vấn đề từng trạm.
“Việc điều chỉnh, di chuyển trạm là không làm được, vì khi đặt vị trí trạm đã thỏa thuận giữa các bộ, địa phương cho phép chủ đầu tư được thu phí. Về cơ bản các trạm BOT đã đảm bảo khoảng cách, vị trí xa dân cư, không ảnh hưởng đến hoạt động vận tải quá lớn trong các khu dân cư. Trước khi đặt trạm chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ, dù đặt ở đâu thì người dân hai bên trạm đều bị ảnh hưởng, nên sẽ có chính sách miễn giảm cho người dân khu vực này. Chỉ những trạm không đảm bảo vị trí mới di dời”, ông Trường cho hay.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, khẳng định việc triển khai đầu tư BOT trên địa bàn không lấy ý kiến của địa phương về cơ chế quản lý cũng như mức thu phí; giá phí, lộ trình tăng phí bất cập, vị trí đặt trạm không hợp lý.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, tình trạng trạm BOT đặt nhầm chỗ đã quá lâu. “Bộ GTVT vẫn vin vào Thông tư 90 của Bộ Tài chính để cho rằng đảm bảo cự ly trạm BOT 70 km, thực tế có rất nhiều trạm đảm bảo khoảng cách này nhưng ở vị trí tận thu, thu tuyến tránh nhưng nằm trên QL, hay nằm giữa 2 tỉnh…”, ông Sanh nhìn nhận.
Cũng theo chuyên gia này, câu chuyện BOT đã nói quá nhiều, đoàn giám sát Quốc hội cũng đã giám sát nhưng chưa có hướng xử lý triệt để. “Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT trả lời rõ ràng có lợi ích nhóm không, có quan hệ gì với các nhà đầu tư không, tại sao có nhiều yếu tố ép dân từ mức phí, vị trí trạm. Nếu không lợi ích nhóm thì Bộ phải xử lý lại các trường hợp sai sót, tránh tình trạng để dân bức xúc kéo dài, ảnh hưởng đến lòng tin vào các công trình BOT khác, thậm chí lan đến cả dự án cao tốc bắc – nam sắp triển khai”, ông Sanh khuyến nghị.
Thu rồi thì không có chuyện trả lại!
Trả lời câu hỏi nhà đầu tư là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 có trả lại tiền cho người dân các huyện lân cận đã thu khi đi qua trạm Bến Thuỷ 1 không, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng không có quy định hồi tố. “Quyết định thu từ thời điểm nào thì có hiệu lực từ thời điểm đó. Tiền thu được trước đây là tiền hoàn vốn cho dự án, nếu thu nhiều thì thời gian thu hồi vốn rút ngắn và ngược lại. Xét về chính sách, không có quy định miễn cho người dân khu vực hai bên trạm thu phí, đây chỉ là chính sách giảm phí, nên không hồi tố”, ông Trường nói.
|
Thanh Niên