29/11/2024

Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Mệt mỏi vì thanh tra, kiểm tra

Dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết 35 trong đó nhấn mạnh mỗi năm chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) một lần nhưng nhiều DN vẫn kêu trời vì tần suất thanh tra, kiểm tra dày đặc, hết cả thời gian kinh doanh…

 

Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Mệt mỏi vì thanh tra, kiểm tra

Dù Chính phủ đã ban hành nghị quyết 35 trong đó nhấn mạnh mỗi năm chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) một lần nhưng nhiều DN vẫn kêu trời vì tần suất thanh tra, kiểm tra dày đặc, hết cả thời gian kinh doanh…

 

 

 

Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp: Mệt mỏi vì thanh tra, kiểm tra
Một doanh nghiệp giấy phải đón tiếp các cơ quan thanh tra, kiểm tra 30 lần từ năm 2015 đến nay – Đồ hoạ: TẤN ĐẠT

“Chính phủ đã có chỉ đạo về thanh tra, kiểm tra một lần nhưng có vẻ quyết định này chưa thể áp dụng vào thực tế do các cơ quan thừa hành chưa… ráp vô được”

Luật sư Trần Xoa

Không ít hộ kinh doanh khẳng định một trong những lý do không lên DN vì ngán các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Thực tế, một DN trong lĩnh vực công nghiệp giấy có trụ sở ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cho biết chỉ tính riêng từ năm 2015 đến ngày 
10-4-2017, tổng cộng công ty ông đã phải tiếp tới khoảng 30 đoàn kiểm tra.

13 đoàn kiểm tra/năm

Năm 2015 công ty ông phải tiếp các đơn vị đến thanh tra, kiểm tra 13 lần, trong đó nổi bật có 3 đơn vị trong lĩnh vực môi trường, 4 đơn vị thuộc lĩnh vực phòng cháy chữa cháy.

 

Sang năm 2016 có 13 đoàn đến thanh tra, kiểm tra, trong đó lĩnh vực môi trường giảm xuống còn 2 lần, nhưng lĩnh vực phòng cháy chữa cháy từ công an các cấp tăng đến 8 lần.

Bên cạnh đó còn 3 đoàn kiểm tra các lĩnh vực khác do cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, Cục An toàn và bức xạ hạt nhân và Sở Tài nguyên – môi trường tiến hành. Năm 2017, mới được 4 tháng, các đơn vị trực thuộc của DN này cũng đã 4 lần phải tiếp các đoàn kiểm tra…

Vị lãnh đạo DN giấy nói ông kêu trời không thấu khi có đợt chỉ trong một tháng công ty ông phải tiếp 2 đoàn thanh tra cùng ngày, với cùng nội dung kiểm tra liên quan đến môi trường.

Thực tế, ngoài các đoàn kiểm tra môi trường cấp trung ương, các đoàn cấp quận/huyện, thành phố/tỉnh cũng đếm không xuể. “Đó là chưa tính công an, phòng cháy chữa cháy, lao động… cũng thường thanh tra, kiểm tra khiến công ty phải lập hẳn một bộ phận chuyên đón tiếp đoàn kiểm tra.

“Chẳng lẽ giữa các bộ ngành không có sự liên thông để tránh trùng lắp, phiền hà sao?” – vị giám đốc này bức xúc nói.

Nói về các kết quả sau khi kiểm tra, vị lãnh đạo băn khoăn về tâm lý của các cơ quan chức năng “đã thanh tra thì phải bắt cho ra lỗi, không bao giờ về không cả”.

Công nhận việc chấp hành các đoàn kiểm tra là bình thường nhưng DN không thể chấp nhận kiểu kiểm tra trùng nội dung, vị giám đốc càng bức xúc với kiểu tự dưng thấy đoàn kiểm tra xuất hiện, không báo trước.

“Cứ hết đoàn này đến đoàn nọ, làm mất hết cả thời gian, ai mà chịu cho nổi” – vị này thở dài ngao ngán.

Trả lời Tuổi Trẻ khi còn là tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), ông Văn Đức Mười (vừa về hưu ngày 7-4) cho rằng sau vụ việc Vietfood bị “kết tội” nhầm xúc xích chứa chất không được phép, các ngành thực phẩm chế biến vẫn chưa hết lo lắng.

Chỉ cần cơ quan quản lý khi thanh tra, kiểm tra có góc nhìn vội vàng, cố bắt lỗi là DN khó có đường thoát.

“Muốn DN còn tinh thần và động lực sản xuất kinh doanh, môi trường pháp lý cần triệt để thay đổi. Chứ nay đoàn này xuống, mai đoàn khác đến chỉ để lặp lại những nội dung đã từng được kiểm tra, chắc DN không còn thời gian làm việc gì cả” – ông Mười nói.

Nhiều cách kéo dài 
thời gian

Từ lo lắng tình trạng thanh tra, kiểm tra khi lên DN của nhiều hộ kinh doanh, Tuổi Trẻ tìm hiểu thực tế vì sao hộ kinh doanh lại sợ thanh tra, kiểm tra như thế. Kết quả, một số ý kiến phản ảnh không chỉ trùng lặp mà nhiều cuộc kiểm tra còn bị kéo dài, rất mệt mỏi.

Ông N., giám đốc một công ty kiểm toán, cho biết theo luật và nghị định hướng dẫn Luật quản lý thuế, thời gian kiểm tra là 5 ngày làm việc. Thế nhưng thông tư hướng dẫn lại quy định “thời gian kiểm tra là 5 ngày làm việc thực tế”. Chính hai từ “thực tế” đã khiến hàng loạt DN “lên bờ xuống ruộng”.

Nếu theo đúng luật, thứ hai cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, hết ngày thứ sáu trong tuần bắt buộc phải xong. Đằng này vận dụng hai từ “thực tế”, cơ quan thuế có thể mỗi tuần chỉ kiểm tra 1 ngày, như vậy đến 5 tuần mới xong, chưa kể thời gian gia hạn. Như vậy DN phải theo đuổi hơn 1 tháng.

“Việc kéo dài kiểu này khiến DN rất mệt mỏi vì phải chạy theo lịch của đoàn kiểm tra. DN thắc mắc, cơ quan thuế nói làm theo thông tư, đưa ra luật họ không chịu. DN ấm ức cũng đành chịu vì nếu kiện thưa càng mất thời gian, chưa kể chắc chắn DN sẽ bị khó dễ sau này” – ông N. nói.

Phải quy được 
trách nhiệm

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhẩm tính: theo quy định, cấp cục thuế được thanh tra trong vòng 30 ngày làm việc, gia hạn thêm 15 ngày nên thời gian phải tiếp đoàn có thể lên tới 9 tuần, tương đương hơn 2 tháng.

Chưa kể trước thanh tra, kiểm tra, có cơ quan thuế yêu cầu DN cung cấp trước hồ sơ chứng từ, dù điều này không có trong quy định. Một năm có 12 tháng, chỉ cần một đoàn thanh tra hết 2 tháng. Mà đâu chỉ bị một đoàn thanh tra, kiểm tra một năm. DN đâu còn thời gian sản xuất kinh doanh.

Theo ông Hồ Đức Hùng – nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế phát triển Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng công chức “nghiện kiểm tra”.

Để giải quyết được thực trạng nói trên, ông Hùng cho rằng “rất khó, nếu không có sự quyết liệt nhìn thẳng vào vấn đề”. Theo ông Hùng, cần quy định để truy được người chịu trách nhiệm cuối cùng các phiền toái, nhũng nhiễu cho các đợt kiểm tra chồng chéo, vô bổ…

Nhiều cách hiểu về kiểm tra một lần

Theo lãnh đạo một chi cục thuế tại quận trung tâm TP.HCM, các cuộc kiểm tra chuyên đề, như kiểm tra trước hoặc sau khi hoàn thuế VAT không được tính vào kiểm tra một lần vì đó là… nhu cầu của DN. Còn kiểm tra quyết toán đúng là một năm cơ quan thuế chỉ kiểm tra một lần.

Với nhu cầu phối hợp trong thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan, đến nay các chi cục thuế vẫn chưa nhận được triển khai. Tuy nhiên nếu làm, theo vị lãnh đạo này, sẽ khó vì danh sách thanh tra, kiểm tra đã được duyệt từ đầu năm.

Trong văn bản trả lời gửi Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM mới đây, Cục Thuế TP cũng dẫn thông tư 156 để khẳng định việc giao cho Cục Thuế chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm tra (theo hướng kiểm tra liên ngành) là… không khả thi!

Cục Thuế TP đã đề nghị không đưa việc kiểm tra liên ngành kể trên vào nội dung trình UBND TP.HCM phê duyệt triển khai thực hiện. Lý do, việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế của Cục Thuế phải được Tổng cục Thuế phê duyệt hằng năm.

Tổng cục Thuế cũng giao chỉ tiêu cho các cục thuế với số lượng hồ sơ phải thanh tra, kiểm tra rất lớn…

ÁNH HỒNG – TRẦN VŨ NGHI