29/11/2024

Đưa công nghệ trồng rau Israel lên Tây Nguyên

Với ước muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm rau sạch, không hoá chất, một bạn trẻ đã tự thiết kế và thực hiện mô hình vườn rau hữu cơ, được trồng theo công nghệ tiên tiến Israel.

 

Đưa công nghệ trồng rau Israel lên Tây Nguyên 

Với ước muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm rau sạch, không hoá chất, một bạn trẻ đã tự thiết kế và thực hiện mô hình vườn rau hữu cơ, được trồng theo công nghệ tiên tiến Israel.

 

 

 

 

Đưa công nghệ trồng rau Israel lên Tây Nguyên 
Đinh Huy Hoàng chăm sóc những luống rau sạch – Ảnh: Thái Thịnh

Vườn rau mang lại thu nhập quanh năm, đồng thời tạo thêm việc làm cho các bạn sinh viên.

Ươm mầm ý tưởng

Kể lại chuyện “bén duyên” với vườn rau, Đinh Huy Hoàng (24 tuổi, chuyên ngành khoa học cây trồng, khoa nông lâm, ĐH Tây Nguyên) say sưa bảo khi ấy bạn đang là sinh viên năm hai, tình cờ biết được chương trình vừa học vừa làm nông nghiệp ở Israel tại TP.HCM, Hoàng đã đăng ký tham gia.

“Được đi Israel – đất nước có nền nông nghiệp hiện đại, là ước mơ của mình từ nhỏ. Nên khi có cơ hội, mình quyết định bảo lưu kết quả học tập để được trải nghiệm, học hỏi” – Hoàng kể.

“Việc một sinh viên trẻ mới ra trường như Hoàng chọn vườn rau hữu cơ để khởi nghiệp thật sự táo bạo, hiếm có và đáng nể. Không nhiều những bạn trẻ bây giờ có được suy nghĩ và cách làm mới như vậy. Với thực phẩm sạch không hoá chất, chắc chắn sẽ được thị trường đón nhận”

TS Phan Văn Tân

 
 

Bất ngờ, ngạc nhiên, ngoài sức tưởng tượng – đó là điều mà Hoàng cùng một số người bạn Việt Nam đã thốt lên khi lần đầu tiên đặt chân đến Israel. Trước mắt họ, một nền công nghiệp nông nghiệp hiện đại với các vườn rau củ quả trải dài hàng ngàn hecta, được trồng trong lồng kính, mái vòm.

“Điều khiến chúng tôi thật sự ngạc nhiên là khí hậu nơi đây khắc nghiệt, mùa hè từ 12h – 14h có thể lên đến 50oC, không có gió và khô hanh, thế nhưng các loại cây trồng đều tươi tốt” – Hoàng nhớ lại.

Mọi công việc đều ở trong nhà kính, nơi có hệ thống phun sương điều hòa nhiệt độ, đảm bảo duy trì được sản xuất đều đặn quanh năm, không lệ thuộc vào thời tiết.

Hoàng kể lại rằng trên vùng đất của đá, sa mạc khô cằn và độ dốc lớn, để trồng trọt người Israel phải san ủi đá, đổ một lớp cát dày 30-40cm, có nơi còn mua đất ở nơi khác về để trồng trọt. Do lượng mưa thấp, thiếu nước nên người dân Israel phải khoan sâu 500-2.000m và lọc nước biển để có nước sinh hoạt và trồng trọt.

“Không tưới tràn, lãng phí nước như ở Việt Nam, nơi đây áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt với hệ thống ống tưới chằng chịt nằm sâu trong đất. Các chất dinh dưỡng, phân bón được hoà cùng với nước sẽ đưa một lượng vừa đủ đến từng gốc rau củ quả” – Hoàng chia sẻ.

Chính tại đây, trong các lớp học trồng hữu cơ, Hoàng và các bạn khác được tiếp xúc với công nghệ sinh vật đối kháng. Thay vì phun thuốc trừ sâu thì có thể nuôi các loài như ong bắt sâu, ấu trùng bọ rùa… để bắt sâu.

“Một năm vừa học vừa làm tại Israel đã giúp mình học được rất nhiều điều và nhận thấy ở Tây Nguyên khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào… nên bắt đầu có ý tưởng làm một trang trại nhỏ để trồng rau sạch” – Hoàng tâm sự.

Hiện thực hoá ước mơ

Hoàn thành khoá học và trở về nước, tháng 10-2015 Hoàng thuê 1ha đất tại Buôn Ky (phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) làm nơi lập nghiệp và bắt tay thực hiện ước mơ của mình.

Để triển khai theo quy trình hữu cơ, Hoàng đã mất một năm trời để cải tạo đất, đem mẫu đất đi kiểm tra cho phù hợp với việc trồng rau. Rồi kêu thêm sinh viên vừa tốt nghiệp khoa nông lâm ĐH Tây Nguyên cùng hợp sức xây dựng “cơ sở hạ tầng” của vườn rau, từ làm luống, nhà ươm, nhà xưởng đến cả việc đóng bàn, ghế…

Từ những gì học được tại Israel, Hoàng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt (nước chỉ nhỏ ra từng giọt đúng chỗ cây trồng trên đường ống dẫn).

“Vườn rau hữu cơ 100% nên để phòng trừ sâu và các loài sinh vật gây bệnh, tôi trồng xen kẽ rau với các loại cây có mùi hăng như sả, thì là, ngò, húng quế… Ngoài ra, tôi trồng thêm các loại hoa, làm hàng rào cho cả khu bằng cây muồng hoa vàng, cách ly môi trường trong vườn với các tác động bên ngoài như thuốc trừ sâu, sinh vật gây bệnh” – Hoàng chia sẻ.

Các phương pháp trồng luân canh, xen canh, chọn các loại cây trồng hỗ trợ phát triển cho nhau cũng được áp dụng. Không dùng các chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, Hoàng sử dụng hỗn hợp tỏi, gừng, ớt pha với rượu trắng để xịt vào cây. Hợp chất này tạo mùi hăng, chống sâu bệnh và cũng dễ bị rửa trôi, không ảnh hưởng sức khoẻ người dùng.

Hoàng bảo một ngày làm việc của các bạn cũng kéo dài 8 tiếng, bao gồm trồng cây, chăm sóc, thu hoạch và rất nhiều việc không tên khác. Vài ngày trong tuần, các sinh viên ĐH Tây Nguyên sẽ đến vườn rau để phụ giúp thu hoạch. Công việc này vừa giúp các bạn trải nghiệm thực tế, vừa có thu nhập trang trải đời sống.

Ngoài trồng các loại thực vật, Hoàng còn có một góc nhỏ nuôi thỏ. Trong tương lai, Hoàng sẽ hướng đến mô hình nuôi trồng cung cấp cả thịt – trứng – sữa – rau.

TS Phan Văn Tân – nguyên trưởng khoa nông lâm nghiệp Trường ĐH Tây Nguyên, từng là giáo viên giảng dạy Hoàng – cho biết để có được một sản phẩm rau sạch hữu cơ, hoàn toàn không sử dụng thuốc mất rất nhiều thời gian và chi phí. Mặt khác, giá của rau hữu cơ sẽ cao gấp 3 lần các loại rau trên thị trường nên rất khó bán.

Nói về hiệu quả thu hoạch sau hơn một năm, Hoàng chia sẻ hiện tại trong vườn có hơn 20 loại rau củ trồng xen canh và bán được quanh năm.

“Bọn mình đã liên hệ được các siêu thị, cửa hàng trên thành phố nên có đầu ra ổn định. Toàn bộ lợi nhuận ban đầu mình dành cho vườn rau và trả tiền công các bạn sinh viên. Phải đến tháng 8-2016 đến nay mới lời chút, đạt gần 90 triệu đồng” – Hoàng cho biết.

THÁI THỊNH